Giao thông quá tải, chuyện chưa bao giờ cũ

Cập nhật: 06-04-2021 | 08:40:17

Giữa cái nắng như đổ lửa của buổi trưa tháng 3, gương mặt của những người đang chôn chân với đủ loại phương tiện giao thông trên các ngã đường càng trở nên cau có, khó chịu! Người phụ nữ trung niên ngồi trên chiếc xe máy cũ sẳng giọng “Ngày nào cũng vậy chắc phát điên mất!”. Vâng, kẹt xe, chuyện xưa, nhưng chưa bao giờ cũ!


Để giảm tình trạng kẹt xe, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của tỉnh. Trong ảnh: Tình trạng kẹt xe trên đường ĐT743 đoạn qua TP.Thuận An

Quá tải...

Tốc độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh làm cho những con đường vốn thênh thang của Bình Dương ngày càng trở nên chật chội hơn. Ai đã từng bị kẹt xe cũng sẽ hiểu được nỗi ám ảnh này. Như mọi ngày, trưa nay, tôi cũng ngồi trên xe cùng nối đuôi dài cả cây số chờ qua được ngã tư 550. Chỉ có một đoạn 500m mà chúng tôi phải chôn chân hơn 1 tiếng đồng hồ vẫn chưa thoát khỏi khu vực này. Nhích được từng mét trên con đường ĐT743 lúc này đã thấy mừng. Dòng xe ngồn ngộn, tiếng còi xe inh ỏi cộng với cái nắng ngoài trời lên đến 420 khiến không khí càng trở nên bức bối.

UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp trước mắt để điều tiết, phân luồng giao thông... Về lâu dài, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp căn cơ khi thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm, phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để hoàn thiện các tuyến đường vành đai nhằm giảm tải kẹt xe.

Chị Nguyễn Thị Thu Hải, một người bán nước mía gần ngã tư 550, cho biết khu vực này hầu như ngày nào cũng kẹt. Tuyến đường ĐT743 qua khu vực này khá rộng với 6 làn xe, có dải phân cách. Tuy nhiên, ở đây thường xuyên có mật độ phương tiện giao thông qua lại cao. Với lại bên kia ngã tư 550 có một cảng cạn, xe container liên tục ra vào, góp phần gây nên tình trạng ùn tắc.

Đoạn từ ngã sáu An Phú của TP.Thuận An đến cầu vượt Sóng Thần (TP.Dĩ An) cũng thường xuyên bị ùn ứ nghiêm trọng. Người đi xe máy bất chấp nguy hiểm tạt ngang mặt xe container, xe tải để sang đường nên thường xuyên gây ra những vụ tai nạn giao thông.

Cách đây 10 năm, ai nói kẹt xe ở Bình Dương là biết nói đùa, nhưng nay đã khác, kẹt xe ở Bình Dương đã hiện hữu. Với cánh lái xe tải như anh Đinh Văn Bằng (ngụ tại khu dân cư 434, khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP.Thuận An) không ngày nào là không chứng kiến cảnh ùn tắc trên các tuyến đường đi qua. Anh nhớ như in những “điểm đen” như ngã tư 550, các điểm giao nhau với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Bùi Thị Xuân, ngã tư Phú Lợi… Đặc biệt, đường ĐT743 đoạn qua nút giao An Phú luôn là điểm nóng về tai nạn giao thông và kẹt xe. Biết rõ vậy và luôn tìm hướng đi khác để tránh kẹt xe, tuy nhiên anh Bằng cũng nhiều lần phải ngán ngẩm khi đứng giữa “biển” xe khổng lồ, không thể nhúc nhích.

Để vượt qua quãng đường 7km từ nhà tới công ty đúng giờ yêu cầu, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty Acecook phải rời nhà từ 6 giờ sáng. Chị Hương chia sẻ: “Nhà cách công ty chỉ khoảng 6 - 7km nhưng ngày nào cũng phải đi làm từ 6 giờ sáng để tránh kẹt xe, mà nhiều hôm vẫn bị kẹt. Trời nắng còn đỡ, chứ trời mưa cực lắm. Có bữa, về đến nhà trẻ đón con đã hơn 8 giờ tối”.

Đau đáu những giải pháp

Phân tích nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, tai nạn giao thông tăng, Ban An toàn giao thông tỉnh cho rằng, do đường hẹp nhưng phải “gánh” lượng phương tiện “khủng” từ các tỉnh đi qua Bình Dương và lượng xe từ các khu công nghiệp ở Bình Dương đổ ra đường; phương tiện cá nhân tăng cao dẫn đến quá tải giờ cao điểm. Ngoài ra, các tuyến đường kết nối cũng chưa đồng bộ nên tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên. Thêm vào đó, mật độ phương tiện cao, sự thiếu ý thức của một bộ phận tài xế làm tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn. Một trong những hành vi thường thấy là cố vượt khi đèn đỏ. Chỉ cần 1 chiếc xe containner với kích thước dài, ra đến giữa ngã tư gặp dòng phương tiện cắt ngang là hết nhúc nhích.

Anh Trần Sỹ Thanh, một người dân phường Phú Lợi cho rằng, đường sá ở Bình Dương ngày càng được mở rộng, nhưng để giảm bớt tình trạng kẹt xe như hiện nay cần lắm những cây cầu vượt. Có mở rộng đường cỡ nào đi nữa mà không giải quyết việc thoát dòng phương tiện ở những nút giao thì tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe cũng đang là nỗi niềm đau đáu của lãnh đạo tỉnh. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ tỉnh đã xác định, tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là 1 trong 4 chương trình đột phá. Với mục tiêu, tập trung phát triển hệ thống giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.

Theo lãnh đạo tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị của tỉnh nhằm tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bứt phá. Cụ thể, Bình Dương đang nghiên cứu cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, hoàn thành đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, 747B, 743 , Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; các đường, cầu kết nối Tây Ninh, Đồng Nai; đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh); các tuyến kết nối các cảng theo quy hoạch, các cửa ngõ giao thông phía Nam của tỉnh kết nối với TP.Hồ Chí Minh (đường từ cầu vượt Sóng Thần đến Phạm Văn Đồng, Mỹ Phước - Tân Vạn ra xa lộ Hà Nội, ĐT743 đến Gò Dưa)…

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thẳng thắn nhìn nhận tình trạng kẹt xe gia tăng do các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ. Có thể ví nạn kẹt xe như cái “nút thắt cổ chai”, nếu không giải quyết tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Hiện thu hút đầu tư vào Bình Dương đang nằm trong những địa phương đứng đầu cả nước. Do vậy, chuyện giao thông là một trong những quan tâm hàng đầu. UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp trước mắt để điều tiết, phân luồng giao thông... Về lâu dài, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp căn cơ khi thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm, phối hợp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để hoàn thiện các tuyến đường vành đai nhằm giảm tải kẹt xe.

Bình Dương vẫn hai mùa mưa nắng, những con đường vẫn dài rộng thênh thang. Nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh, những con đường ấy giờ đây phải gồng gánh trên mình đông đúc dòng người, dòng xe qua lại mỗi ngày. Niềm mong mỏi những con đường dài rộng hơn, không còn tình trạng kẹt xe là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Đường dài cần xung lực mới. Dù phải đợi 3 năm, 5 năm hay hơn thế nữa, nhưng người dân luôn tin rằng, với những mục tiêu cụ thể và việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để mạch máu giao thông thông suốt sẽ góp phần lan tỏa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và cho sự phát triển bền vững của Bình Dương.

Tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe cũng đang là nỗi niềm đau đáu của lãnh đạo tỉnh. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ tỉnh đã xác định, tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là 1 trong 4 chương trình đột phá. Với mục tiêu, tập trung phát triển hệ thống giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=645
Quay lên trên