Tiếng lành về Bình Dương ngày một vang xa, nên số lượng nhà đầu tư, du khách và người lao động tìm về ngày một cao, kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, giao thông tăng mạnh. Nét mới của năm 2011 về hai lĩnh vực quan trọng này là dù trong những ngày cao điểm khách hàng sử dụng dịch vụ vẫn thoải mái vì hạ tầng kỹ thuật đã được bảo đảm an toàn, thông suốt.
Viễn thông không... nghẽn mạch
Bà Minh Thảo, người phát ngôn của Viễn thông Bình Dương đã vui vẻ thông báo tin vui như trên khi tiếp xúc báo chí những ngày đầu năm. Trước Tết Nguyên đán, Viễn thông Bình Dương đã triển khai nhiều công tác bảo đảm như rà soát định tuyến, đường báo hiệu đồng bộ nội mạng; bảo đảm dự phòng các hướng truyền dẫn khác nhau, đặc biệt là ở những điểm quan trọng như khu vực trung tâm TX.TDM, Thành phố mới Bình Dương, Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, các KCN Sóng Thần, VSIP, Mỹ Phước; tăng cường ứng trực giám sát mạng lưới, sẵn sàng phối hợp xử lý khi xảy ra sự cố nghẽn mạch.
Vào những ngày tết, lưu lượng sử dụng dịch vụ viễn thông tăng cao, đặc biệt là vào giờ cao điểm giao thừa và sáng mùng một tết dễ dẫn đến sự cố nghẽn mạch, rớt mạng, mất liên lạc do quá tải! Để khắc phục hiện tương này, ngành viễn thông đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó, hỗ trợ như triển khai các trạm BTS lưu động, hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật khi “nhìn thấy” lưu lượng sắp đạt ngưỡng tại các khu vực trọng điểm, có độ tập trung cao... Nét mới cơ bản của dịch vụ viễn thông năm này là khách hàng đã sử dụng dịch vụ một cách an toàn. Hơn thế nữa. Viễn thông Bình Dương còn làm tốt nhiệm vụ truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, chính quyền khi có yêu cầu. Đặc thù của Bình Dương là sau Tết Nguyên đán còn có Lễ hội chùa Bà kéo dài đến hết rằm tháng giêng, nên công tác trực sẵn sàng chống tắc nghẽn trong giờ cao điểm cũng được duy trì để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Giao thông an toàn, trật tự
Thống kê chưa đầy đủ của ngành giao thông - vận tải (GT-VT) cho thấy số lượng hành khách trên địa bàn Bình Dương có nhu cầu về các tỉnh, thành trên cả nước trong dịp tết vừa qua đạt con số 125 đến 130 ngàn người, tăng 25% so với năm 2010. Ngoài ra còn có trên 50 ngàn người từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung về TP.HCM, miền Tây hoặc sử dụng phương tiện tàu hỏa trở ngược ra Bắc đi qua địa bàn Bình Dương, nên mật độ giao thông, phương tiện tăng cao đột biến!
Các phương tiện vận tải công cộng ở Bình Dương luôn bảo đảm phục vụ hành khách
Phó Giám đốc Sở GT-VT Đàm Trọng Cường cho biết: “Nhờ tiếng lành của Bình Dương ngày một vang xa nên trước tết các công ty, hợp tác xã xe khách từ các tỉnh phía Bắc đã chủ động đến Bình Dương đăng ký kinh doanh với ngành chức năng, liên hệ với các doanh nghiệp về phương án đưa rước hành khách, người lao động về quê ăn tết và trở lại làm việc sau tết. Nắm bắt nhu cầu và diễn biến thị trường sát thực tế, chúng tôi đã chủ động cho doanh nghiệp đăng ký giá tăng 40% so với ngày thường và 60% vào các ngày cao điểm bởi vì cung đường Bắc - Nam khá dài xe không thể “quay đầu” ngay như các tuyến ngắn khác nên phải bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà xe và hành khách có nhu cầu thì ngành GT-VT đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra. Trước đó, ngành GT-VT phối hợp các ngành hữu quan tăng cường kiểm tra an toàn trên các công trình giao thông, các tuyến đường đang xây dựng, xuống cấp như trang bị đầy đủ hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, dặm vá, nâng cấp để bảo đảm giao thông đi lại an toàn, trật tự”.
Ông Cường cũng chia sẻ: “Tuy kế hoạch đã bảo đảm nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị nhiều phương án dự phòng với các giả thuyết mang tính bất ngờ. Trước đó, lãnh đạo Sở GT-VT Bình Dương đã có cuộc làm việc với các địa phương lân cận như TP.HCM, Đồng Nai và đã thống nhất hỗ trợ nhau bằng giải pháp sử dụng xe buýt để phân tán khách đến các bến xe trung tâm rồi tổ chức phương tiện tại chỗ đưa khách về quê ăn tết, không để một hành khách nào bị kẹt lại vào ngày 30 tết như chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành GT-VT!
Lưới thưa nhưng khó lọt!
Ngoài các phương án, kế hoạch tổ chức phục vụ viễn thông, giao thông an toàn, thuận lợi, ngành chức năng đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra nhằm bảo đảm các quy định an toàn theo đúng quy định pháp luật. Kết quả trước Tết Nguyên đán, ngành chức năng đã phát hiện tại phường Phú Hòa, TX.TDM có hiện tượng lừa đảo, tự mở điểm bán vé để lừa 38 người lấy tiền rồi bỏ trốn. Sau khi kiểm tra điểm bán vé này không nằm trong danh sách đăng ký, Sở GT-VT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra ngăn chặn và tăng cường mở rộng kiểm tra không để hiện tượng xấu tiếp tục xảy ra và có cơ hội lan rộng.
Cũng trên đường tuần tra lực lượng, cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra và phát hiện xe khách BS: 53S-0498 từ TP.HCM đi Thanh Hóa chở 87 khách (nhồi nhét quá số người quy định), phương tiện không có giấy đăng ký (xe ma) và người lái xe tên Nguyễn Thanh Viên không có giấy phép lái xe. Phương tiện trên đã bị tạm giữ và giao đơn vị vận tải điều động 2 xe đến để đưa số khách trên về quê.
Cùng với các thủ đoạn gian lận lừa đảo trong ngành GT-VT thì ngành viễn thông không chỉ luôn đối mặt với các sự cố kỹ thuật như cúp điện, quá tải mạng lưới mà còn phải đề phòng những “kẻ phá hoại giấu mặt” làm đứt đường truyền, giảm tín hiệu. Sau nhiều năm kinh nghiệm, các kỹ thuật viên bảo trì đường dây đã phát hiện hầu hết các sự cố đứt dây, mất đường truyền tại các huyện phía bắc như Tân Uyên, Phú Giáo, Dấu Tiếng là do... “sóc cắn phá”! Những nơi xảy ra sự cố thường rất khó khăn khi tiếp cận, xử lý vì nằm trên cao hoặc chìm sâu trong bụi rậm. Nên ngoài việc thường xuyên kiểm tra, phát quang, các kỹ thuật viên còn vận dụng sáng tạo kinh nghiệm dân gian phổ biến mà các nông dân thường dùng để xua đuổi chim, chuột phá hoại mùa màng là dùng ruột băng video chăng dày tại các nơi thường xảy ra nguy cơ, tập trung nhiều loài gặm nhấm như nhím, sóc, chuột... Các sợi dây này vừa mỏng vừa nhẹ nên chỉ cần một luồng gió thoảng cũng làm chúng lắc lư và phát ra ánh sáng mạng kể cả vào ban đêm. Luồng ánh sáng này chính là nỗi khiếp sợ của chim chóc và các loài gặm nhấm.
DUY CHÍ
Tổng lượng phương tiện xuất bến tại Bình Dương trước Tết Nguyên đán là 2.183 chuyến xe, với 85.997 lượt hành khách. Không có hành khách nào bị kẹt lại bến vào ngày 30 tết.
Các doanh nghiệp, khu nhà trọ cũng đã hợp đồng, thuê bao trên 1.000 chuyến xe vận chuyển trên 40.000 người về quê đón tết. Hầu hết các phương tiện, người lái đều bảo đảm đúng yêu cầu, quy định của pháp luật.
Các tuyến xe buýt cũng bảo đảm phục vụ đúng kế hoạch, những ngày cận tết phục vụ 846 chuyến, tăng 31 chuyến so với ngày thường, nên không xảy ra tình trạng dồn khách, kẹt khách...