Giáo viên mầm non cần được công nhận là ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Cập nhật: 08-09-2023 | 08:49:35

 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non (GVMN) vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các cán bộ quản lý, GVMN trên cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Nhiều giáo viên cho biết, họ trông mong đề xuất trên sẽ trở thành hiện thực.

 Một ngày của các cô vừa là mẹ, vừa là cô, vừa là bảo mẫu với hàng trăm công việc không tên. Trong ảnh: Một giờ học của cô và trò trường Mầm non Võ Thị Sáu, TP.Dĩ An

Áp lực từ công việc

Gắn bó với nghề hơn 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Thái, giáo viên trường Mầm non Hoa Cúc 6 (phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An) trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Cô Thái cho biết, ban đầu chọn học mầm non, cô cũng đã hình dung được những vất vả của nghề. Tuy nhiên, sau 10 năm theo nghề, thực tế còn áp lực và vất vả hơn nhiều so với những gì bản thân cô nghĩ.

“Trẻ mầm non hiếu động nên đòi hỏi công sức của giáo viên rất nhiều. Một GVMN trong một ngày có vô vàn những công việc không tên từ dạy dỗ đến chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ. Nếu chẳng may các cháu chơi đùa bị ngã dẫn đến tai nạn thương tích thì mọi trách nhiệm đều đổ lên vai giáo viên. Áp lực là thế nhưng nhìn đàn em thơ gọi tên mình mỗi ngày, tôi lại lấy đó làm động lực để gắn bó với nghề”, cô Thái trải lòng.

Cô Trần Nữ Mỹ Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Sắc Màu (phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên) chia sẻ: “Nghề GVMN khổ nhất là vào đầu năm học và vất vả nhất có lẽ là những giáo viên lớp nhà trẻ. Những ngày đầu nhập học, nhiều em khóc suốt ngày, các cô phải luôn bế trên tay, rồi cho ăn, tắm rửa; nhiều em đi vệ sinh ra quần áo nên phải lau dọn cả ngày. Hiểu được những khó khăn cũng như áp lực của đội ngũ giáo viên nhà trường nên chúng tôi luôn quan tâm và hỗ trợ các cô hết mình để các cô yên tâm giảng dạy và gắn bó với nghề”.

Giờ dạy của GVMN quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDDT ngày 25-10-2011 của Bộ GD&ĐT là 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, trung bình mỗi GVMN phải làm việc 10-12 giờ/ngày. Họ phải đến trường từ sáng sớm, vệ sinh phòng học sạch sẽ trước khi đón trẻ vào học; sau đó cho trẻ ăn, dạy trẻ múa, hát, làm quen với chữ, số, cho trẻ ngủ… nên thông thường đến hơn 17 giờ mới về đến nhà. Bên cạnh công việc chuyên môn như dạy trẻ phát triển các lĩnh vực về nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ, các kỹ năng tự nhiên và xã hội…, các cô còn đảm nhiệm các vai trò người mẹ, cho các cháu ăn, uống, vệ sinh cá nhân và bảo đảm an toàn cho trẻ. Quả thật có làm mới biết mọi việc không hề đơn giản, một ngày các cô vừa là mẹ, vừa là cô, vừa là bảo mẫu với hàng trăm công việc không tên.

Kỳ vọng vào quy định mới

Thông tin Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa GVMN vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại đang nhận được sự đồng tình của toàn xã hội. Mới đây, tại buổi gặp gỡ đội ngũ nhà giáo, quản lý, nhân viên toàn ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sắp tới đây GVMN sẽ được tăng phụ cấp ưu đãi lên 10%. Dù chỉ là mức tăng nhỏ nhưng cũng góp phần động viên, bù đắp cho những vất vả, hy sinh, giúp họ yên tâm làm việc, cống hiến. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các cán bộ quản lý, GVMN trên cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng.

Trước đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc đưa GVMN vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại và tăng phụ cấp 10%, cô Đoàn Thị Thanh Tuyền, giáo viên trường Mầm non Võ Thị Sáu (phường Dĩ An, TP.Dĩ An) thực sự xúc động bởi đây là tâm tư từ lâu của đông đảo GVMN. “Chúng tôi mong muốn GVMN được công nhận là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, bởi về thời lượng công việc, GVMN làm việc hơn 10 tiếng một ngày; giờ nghỉ trưa thì kết hợp việc trông trẻ với việc soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học và các công việc khác có liên quan đến giảng dạy… Cường độ làm việc cao làm cho sức khỏe của GVMN giảm sút rất nhanh. Vì vậy, chúng tôi rất mong các bộ, ban ngành xem xét để các đề xuất được thực hiện. Nếu được, đây sẽ là niềm vui lớn của GVMN chúng tôi”, cô Tuyền nói.

Còn với cô Nguyễn Thị Thùy Ngọc, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hồng 3 (phường Đông Hòa, TP.Dĩ An) thì cho rằng, việc xem xét, đưa đối tượng GVMN vào danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại là hợp lý, hết sức thiết thực, rất phù hợp với tình hình thực tế. “Nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT về xem xét đưa GVMN vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại được thông qua; tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh thấp hơn và có những phụ cấp nghề theo đề xuất sẽ là động lực để GVMN gắn bó với nghề”, cô Ngọc cho hay.

Việc hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp trong đào tạo, thu hút, giữ chân GVMN sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai nhiệm vụ của năm học mới, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT về xem xét đưa nghề GVMN vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại; tuổi nghỉ hưu được thấp hơn và có những phụ cấp nghề theo đề xuất sẽ là động lực để GVMN gắn bó với nghề. Dù chỉ là mức tăng nhỏ nhưng cũng góp phần động viên, bù đắp cho những vất vả, hy sinh, giúp giáo viên yên tâm làm việc, cống hiến. Đây cũng là điểm thu hút đối với người trẻ, để họ không phải trăn trở khi chọn trở thành GVMN, đồng thời giúp giảm áp lực thiếu giáo viên”.

(Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở GD&ĐT)

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=344
Quay lên trên
X