Hoạt động giáo dục ở bậc học mầm non (MN) sử dụng nhiều đồ chơi, đồ dùng dạy học. Với đôi bàn tay khéo léo, từ những vật liệu bỏ đi các cô giáo đã làm nhiều đồ chơi, tạo hứng thú cho trẻ học tập và vui chơi ở trường.
Giáo viên trường Mầm non Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một) giúp trẻ khám phá âm thanh qua đồ chơi làm từ vật phế thải
Đến các lớp học của trường MN Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi bất ngờ bởi những đồ chơi do các cô tự làm rất đa dạng. Từ những vật dụng bỏ đi sau khi sử dụng như chai nước suối, các cô đã cắt, tạo hình thành con voi, con công, hoặc bỏ sỏi vô làm lục lạc cho trẻ chơi. Với hộp sữa chua, các cô cắt tạo hình thành cái nón, muỗng tạo thành con bướm... Đồ chơi các cô tự làm không chỉ tạo cho trẻ niềm vui, mà còn giáo dục trẻ về mọi mặt. Để dạy cháu khám phá âm thanh, đầu năm học này cô Nguyễn Thị Trúc Giang, lớp lá 2 đã làm bộ đồ chơi từ gáo dừa, chai nhựa, phách tre, hộp bánh plan, đĩa nhạc, muỗng yaourt. Khi gõ vào các vật dụng sẽ cho ra những âm thanh khác nhau, giúp các cháu phân biệt được âm thanh phát ra từ các vật dụng.
Tại trường MN Ánh Dương (huyện Bàu Bàng), sự sáng tạo của các cô cũng thể hiện qua các đồ chơi tự tạo cho trẻ. Cô Lê Thị Mai Phượng ở nhóm trẻ đã giúp các cháu phân biệt màu sắc qua nắp chai nhựa được ghép thành những bông hoa. Cô Nguyễn Thị Mỹ Trang, lớp chồi lấy hộp giấy cứng cắt và trang trí thêm thành những chiếc máy giặt, tủ bán hàng, tủ lạnh để các cháu vui chơi. Các cô khác thì lấy ly nhựa, hộp giấy vẽ thêm mắt, mũi làm thành những con vật ngộ nghĩnh; lấy ống hút làm hoa...
Đồ chơi cho trẻ MN đòi hỏi đa dạng và luôn được bổ sung. Với những đồ dùng được trang cấp dù phong phú nhưng vẫn không đủ để các cháu vui chơi, học tập, do đó giáo viên MN thường xuyên làm nhiều đồ chơi cho trẻ. Tranh thủ vào những giờ nghỉ trưa hoặc giờ trả trẻ, các cô làm thêm đồ chơi cho các cháu vui chơi vào ngày mai. Tùy theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng, các cô có sự sáng tạo đồ chơi phù hợp.
Thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, không chỉ tự làm đồ chơi cho trẻ mà các cô còn hướng dẫn cho trẻ được thực hành và trải nghiệm. Đến các trường MN, chúng tôi thấy những bình tưới bằng nhựa xinh xắn được các cháu trang trí thật dễ thương. Với sự hướng dẫn của các cô, các cháu ghép cánh hoa từ nắp chai, sau đó trang trí thêm thành những bông hoa đủ màu. Từ chiếc muỗng sữa chua, cô hướng dẫn cháu vẽ mắt, mũi làm con bướm, chuồn chuồn... Từ chỗ cùng cô chơi mà học, các cháu tỏ ra hứng thú và tham gia vào nhiều hoạt động. Những sản phẩm ấy đã giúp trẻ thích sử dụng hơn. Cụ thể, đến giờ lao động các cháu hăng hái tưới hoa bằng chính chiếc bình tưới cháu đã trang trí. Còn ở trong lớp học, các góc vui chơi, nghệ thuật các cháu cũng tham gia hoạt động nhiều hơn để cùng nhau sáng tạo và thực hành.
Ở bậc học MN, bất cứ hoạt động nào dành cho trẻ đều hướng đến giáo dục trẻ về mọi mặt. Với các cô ở trường MN, việc các cô làm đồ chơi từ các vật dụng bỏ đi cũng hướng đến giáo dục trẻ về bảo vệ môi trường và phân loại rác tại nguồn. Cô Cao Thị Thuần, Hiệu trưởng trường MN Ánh Dương, cho biết: “Hiện nay, ngành chức năng khuyến khích người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa để hạn chế ô nhiễm môi trường. Chính việc các cô sáng tạo ra đồ chơi cho trẻ từ vật phế thải bằng nhựa, cũng góp phần giáo dục môi trường cho trẻ MN”.
“Hàng năm, ngành học MN đều phát động giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Tận dụng các phế liệu bỏ đi, giáo viên ở các trường đã sáng tạo đồ chơi đa dạng, an toàn, có tính ứng dụng cao. Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, cùng với tự làm đồ chơi, các cô còn chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, sau đó để trẻ đưa ra ý tưởng làm ra những đồ chơi gì. Với hình thức này giáo dục trẻ phát triển toàn diện, như tạo cơ hội cho trẻ thao tác đồng thời phát triển các kỹ năng, nhận thức, tính sáng tạo”. (Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó trưởng phòng Giáo dục MN, Sở Giáo dục - Đào tạo) |
ÁNH SÁNG