Đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát vào thời điểm bước vào năm học mới 2021-2022. Nhằm duy trì, củng cố chất lượng giáo dục và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm học, trong học kỳ I, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã phát động cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-Learning” cấp tỉnh. Từ cuộc thi này đã xuất hiện những nhà giáo tiêu biểu thể hiện sự sáng tạo trong đổi mới nội dung và phương pháp dạy học trong tình hình dạy học hiện nay.
Cô Hồ Thị Nối: Sẽ triển khai bài giảng E-Learning
Đoạt giải nhất cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-Learning” cấp tỉnh, đối với cô Hồ Thị Nối, giáo viên dạy môn sinh học trường THPT Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) đó là điều hạnh phúc của người thầy với nghề. Cô tâm sự, từ trước đến nay cô cũng như các giáo viên khác chưa từng thực hiện bài giảng E-Learning. Đến với cuộc thi này, cô muốn thử sức mình, học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, đồng thời cô cũng khai thác tối đa lợi thế của công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Khiêm tốn là vậy, nhưng ở trường THPT Bàu Bàng, cô Nối là một giáo viên luôn thể hiện tâm huyết với nghề qua từng bài giảng. Cô vào nghề được 7 năm, nhưng chính thức đứng lớp chỉ 3 năm học qua. Đứng trên bục giảng đúng vào giai đoạn toàn ngành thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT buộc cô Nối phải tăng tốc để bắt kịp với xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại. Thể hiện trách nhiệm với nghề, cô không ngừng học hỏi bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Trong giảng dạy, cô có sự đầu tư trong soạn giảng, mang đến cho học sinh (HS) những giờ học sinh động, thu hút. Hết lòng vì HS thân yêu, trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, HS phải tạm dừng đến trường, cô thực hiện dạy học qua Zoom; riêng năm học này dạy học trên nền tảng Microsoft team. Ngoài ra, cô còn kết hợp với nhiều phần mềm dạy học khác để tăng tính hiệu quả khi dạy trực tuyến cho HS. Nhờ vậy, trong thời gian học trực tuyến, các học trò của cô tiếp thu bài tốt. Hiện tại, thầy trò trường THPT Bàu Bàng đã dạy và học trực tiếp. HS rất phấn khởi khi được học với người giáo viên tận tâm, năng động, luôn đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy này.
Nhắc lại việc thiết kế bài giảng E-Learning, cô Nối tâm sự, để thực hiện một bài giảng, giáo viên phải có sự chuẩn bị rất công phu, đúng 1 tuần lễ mới ra được sản phẩm bài giảng. Bài thi vừa qua cũng là sản phẩm đầu tay của cô. “Dù giáo viên mất khá nhiều thời gian khi giảng dạy E-Learning, nhưng qua học kỳ II tôi sẽ triển khai một số tiết qua dạy học trực tiếp”, cô Nối nói.
Cô Hoàng Thị Tú Anh: Thổi luồng gió mới vào những bài giảng
Tại cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-Learning”, cô Hoàng Thị Tú Anh, giáo viên dạy môn ngữ văn trường THPT Bình Phú (TP. Thủ Dầu Một) đã đạt được giải ba với bài dự thi: “Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) - phần 1: Tác giả”. Trong ngày Sở GD-ĐT tổng kết, trao giải cuộc thi chúng tôi vô cùng ấn tượng khi nghe những lời tâm sự chân tình, đầy trách nhiệm với nghề của cô. Cô Tú Anh chia sẻ: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Chắc có lẽ không chỉ bản thân tôi mà các thầy cô giáo khác đều thấm nhuần điều ấy khi tham gia vào cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning. Với chúng tôi, tất cả đều rất mới mẻ bởi từ trước đến nay chỉ quen thuộc với Powerpoint. Do chưa quen sử dụng nên chúng tôi gặp không ít khó khăn, vừa làm vừa lên mạng mày mò, học thêm”.
Cũng theo cô Tú Anh, dù khó khăn vì phải thổi một luồng gió mới vào những bài giảng vốn dĩ đã quen thuộc, phải thiết kế bài giảng khoa học, sinh động, hấp dẫn… nhưng bằng ý chí, nỗ lực, kiên trì, sáng tạo, những người thầy đã vượt qua những thử thách để hái được quả ngọt như ngày hôm nay. Bài giảng điện tử E-Learning là một trong những cách truyền tải tốt nhất nội dung bài học đến cho HS, bảo đảm các em chỉ cần có mạng internet là có thể liên hệ thống LMS, chủ động học tập về thời gian, địa điểm và từ những gợi ý trong bài giảng, mỗi HS có thể đào sâu, nghiên cứu để khám phá kiến thức, phát huy hết được sở trường và năng lực của bản thân.
Không chỉ thể hiện tài năng qua cuộc thi trên, cô Tú Anh còn chứng tỏ năng lực, sự tận tâm, yêu nghề trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến. Để thu hút HS, cô chuẩn bị bài giảng thật kỹ trước khi lên lớp. Trong các tiết dạy, cô thường lồng ghép tổ chức các trò chơi, cho HS xem video clip và nhiều hình thức khác để các em thấy bài giảng sinh động hơn. Cô cũng hướng dẫn HS soạn bài trước khi vào lớp học, chủ yếu là những ý chính. Khi vào học, HS luôn trong tâm thế chủ động học tập, bởi cô trò tương tác nhau nhiều hơn. Cô còn động viên, khuyến khích HS qua hình thức điểm cộng hoặc tặng phần quà nhỏ. Những phần quà ấy khi các em học trực tiếp cô trao ngay. Vì vậy HS rất thích thú với bộ môn của cô.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, HS phải học trực tuyến trong thời gian dài, ít nhiều tâm lý bị ảnh hưởng. Thương yêu học trò, cô Tú Anh vừa là người thầy vừa như những người thân, thường xuyên kết nối với HS để nắm bắt tâm lý, sức khỏe, hoàn cảnh mỗi em nhằm kịp thời động viên HS nỗ lực vượt qua khó khăn. Chính tình yêu thương cùng với phương pháp dạy học tích cực của cô Tú Anh đã giúp cho HS tin tưởng và yêu thích bộ môn ngữ văn do cô giảng dạy.
ÁNH SÁNG