Giàu lên từ biển

Cập nhật: 26-07-2011 | 00:00:00

Cùng đánh bắt và khai thác thủy sản trên lãnh hải Việt Nam, nhưng mỗi vùng quê, mỗi miệt biển, ngư dân có những loại hình khai thác riêng. Có những nơi, nguồn thu nhập này lên tới tiền tỷ, giúp những làng chài chuyển mình mạnh mẽ.

Lão ngư và những luồng cá vàng

Suốt cả cuộc đời trai trẻ của mình, lão ngư Trần Gái (70 tuổi, thôn Hải Thành, Thuận An, Phú Vang, TT.Huế) luôn gắn bó với biển khơi. Đối với ông, thời gian và tuổi tác không hề ảnh hưởng đến niềm đam mê đi biển cùng đội tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Thuận An.

Nhấp chén chè, ông say sưa kể về những kỉ niệm săn luồng cá. Những chuyến đi biển trước đây của ông thường kéo dài từ 5 -7 ngày, nhưng bây giờ, với phương tiện tàu thuyền hiện đại, những chuyến ra khơi có thể kéo dài từ 15 – 45 ngày.

Điều đặc biệt là khi được hỏi, không giữ cho riêng mình, ông thường chia sẻ những kinh nghiệm lần theo đàn cá, đoán bắt luồng cá, thói quen, môi trường sống của từng loại cá cho lớp thanh niên trong thôn.

  Những vụ cá bội thu ở cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi

Nhờ khả năng đón chặn được luồng cá, chàng ngư dân Trần Gái từ một gia đình phải đong gạo từng bữa dần trở thành một lão ngư khá giả ở thị trấn Thuận An.

Năm 2000, ông tự bỏ tiền túi mua được một chiếc tàu có công suất trên 90 CV để đánh bắt xa bờ bằng nghề lưới vây – một kỳ tích vào thời điểm các ngư dân chỉ hoạt động quẩn quanh do không có tàu công suất lớn vươn khơi. Ông Trần Gái đã được chính quyền thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và tỉnh tuyên dương, trao tặng nhiều bằng khen về gương lao động sản xuất giỏi.

Và đôi mắt ông rực sáng khi nhắc đến những chuyến khơi xa, “bây giờ ôn (ông – tiếng Huế) già rồi, sức mần chi bằng với thời trẻ, nhưng khi cần, ôn vẫn sẵn sàng ra khơi. Con phải biết, biển cả không chỉ là nguồn mưu sinh, mà còn là quê hương, là máu thịt của mỗi người bọn ôn. Không ai, không lý do gì có thể tách ôn khỏi biển”.

Tiếp “lửa” từ người bố, anh Trần Dành – con trai ông lại trở thành một người “sát ngư” có tiếng trong vùng. Hiện anh Dành là chủ nhân của chiếc tàu TTH-92555 TS, trên 125CV, đánh bắt hiệu quả nhất thị trấn Thuận An.

Những mỏ vàng của biển khơi

Đến xã Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), chúng tôi nghe nhiều về những mùa khai thác tôm hùm con (tôm nhí) đem về bạc triệu mỗi đêm.

Cách đây khoảng 15 – 20 năm, nghề khai thác tôm nhí chỉ manh mún với việc những đứa trẻ làng chài đi tắm biển và mò bắt được, đem bán cho lái buôn với giá 50.000 đồng/con. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, việc khai thác tôm nhí trở thành một nghề “làm một tháng, ăn cả năm” khi mỗi ngày, người dân có thể bắt được từ chục con tới trăm con tôm nhí, giá bán cho lái thương dao động từ 120 – 200.000 đồng/con. 80% dân trong thôn 1, xã Tam Hải và hàng trăm ngư dân ở các xã khác kéo qua cùng khai thác nguồn lợi “vàng” này.

Được thiên nhiên ưu đãi cho những vùng biển nhiều san hô, đá ngầm, nơi sống lý tưởng của tôm nhí, Tam Hải vào vụ khai thác từ tháng Chạp đến tháng 2 âm lịch hàng năm. Ông Lê Văn Hồng (thôn 1, xã Tam Hải) – một trong những lão ngư kỳ cựu trong nghề cho biết, mùa tôm nhí thường không kéo dài, trong mùa lại chỉ được khoảng vài ngày điều kiện tốt để đánh bắt bằng lưới mành nhí, hoặc lặn bình oxy. Không cần đầu tư nhiều, chỉ bỏ sức và kinh nghiệm là chủ yếu. Như Tết âm lịch vừa qua, cả xã trúng mùa tôm nhí, thu lợi gần chục tỷ đồng.

Không riêng tôm nhí được mùa, vào vụ Nam năm nay, các tàu cá đi tuyến khơi, tuyến lộng tại các tỉnh thành miền Trung đều trúng đậm hải sâm, mực khơi, rong biển, cá … với tổng giá trị từ 2 – 3 tỷ đồng/tàu, đem lại lợi nhuận cho các chủ tàu từ 500 – 600 triệu đồng, những ngư dân đi bạn cũng đem về 50 – 70 triệu đồng mỗi chuyến đi.

Theo ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 52.472 tấn, đạt 56,7% kế hoạch năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khai thác trên biển 52.223 tấn, đạt 57% kế hoạch năm, khai thác nội địa 149 tấn.

Nguyên nhân sản lượng khai thác thuỷ sản 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2010 là nhờ thời tiết từ đầu năm thuận lợi, ngư dân liên tục được mùa cá; giá nguyên liệu tăng cao đã kích thích người dân tăng cường khai thác,… Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã cấp chứng nhận cho 19 lô hàng, tương ứng 78,5 tấn nguyên liệu thủy sản để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Với việc ngư dân đẩy mạnh đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ với công suất 600-700 CV cùng nhiều trang thiết bị hàng hải như máy dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc ... nên 6 tháng đầu năm 2011, sản lượng khai thác thủy sản Quảng Nam tăng cao, ước đạt gần 35.000 tấn, bằng 62% kế hoạch của năm 2011. Tại Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2011, tổng lượng thủy sản khai thác của TP ước thực hiện 19.120 tấn.

Về Lý Sơn thời điểm này, xã đảo rộn ràng những chuyến xe vật liệu xây dựng, những ngôi nhà còn thơm vữa vôi. Cảng cá Lý Sơn, Sa Kỳ, Sa Cần (xã Bình Sơn) rộn ràng những chuyến tàu về đổ cá, mực; tiếp nhiên nguyên liệu và tiếp tục rẽ sóng hướng về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Năm nay, trời “thương” ngư dân miền Trung quê mình!

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên