Giàu mạnh về kinh tế - xã hội, vững chắc về quốc phòng - an ninh

Cập nhật: 01-03-2023 | 08:28:14

Với quan điểm không vì lợi ích kinh tế làm ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh (QP-AN), thời gian qua, việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với củng cố QP-AN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Dương.

Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng

Thực hiện Pháp lệnh số 32-L/CTN ngày 19-5-1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS), thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ CTQP và KQS; quy hoạch đất đai phục vụ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng (QS-QP), khu vực phòng thủ (KVPT) gắn với phát triển KT-XH trên địa bàn.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khảo sát thực tế căn cứ hậu cần - kỹ thuật khu vực phòng thủ tỉnh

Bình Dương là địa phương có vị trí chiến lược trong KVPT quân khu nên được bố trí nhiều CTQP và KQS. Là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao; nhiều KQS xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp, với gần 1 triệu lao động đến từ các địa phương trong cả nước. Vì vậy, bên cạnh ưu điểm là địa phương dẫn đầu về tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, luôn giữ mức tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện, thì tình hình trật tự xã hội, phạm pháp hình sự, an ninh trong các khu công nghiệp, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn diễn biến phức tạp. Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng CTQP và KQS gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quan điểm của tỉnh là phát triển bền vững, không vì lợi ích kinh tế làm ảnh hưởng đến QP-AN, các CTQP và KQS trên địa bàn tỉnh, nhìn chung đều được cắm mốc, có biển bảng cấm xâm nhập, quy định chặt chẽ việc đi lại, quay phim, chụp hình. Các KQS được xây tường bao quanh và có lực lượng canh gác, bảo vệ đúng theo quy định.

Đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu

Đại tá Nguyễn Hoàng Minh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết thực hiện Pháp lệnh số 32-L/CTN ngày 19-5-1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX về bảo vệ CTQP và KQS, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch, xây dựng hệ thống các CTQP và KQS bảo đảm nhiệm vụ QS-QP, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Cùng với việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa, UBND tỉnh còn giao cho Bộ CHQS tỉnh theo chức năng, quyền hạn, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ các CTQP và KQS thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh. Đối với các công trình đơn lẻ nằm rải rác các địa bàn, tỉnh giao trực tiếp cho cơ quan quân sự cấp huyện, xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm khoảng không, hành lang an toàn hoặc phá hoại công trình.

Điểm nổi bật là chủ trương, quan điểm, nội dung, giải pháp kết hợp được cụ thể hóa trong các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ QS-QP trong nhiệm kỳ, từng năm. Trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng KVPT của tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương. Cơ quan quân sự các cấp đã chủ động phối hợp với lực lượng công an, các ngành chức năng tổ chức thẩm định các dự án, công trình trọng điểm để vừa bảo đảm yêu cầu phát triển KT-XH, vừa tăng cường tiềm lực QS-QP. Trong xây dựng KVPT, mọi hoạt động đều đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Bộ CHQS tỉnh coi trọng việc đầu tư xây dựng các CTQP, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật... cũng như thế trận quân sự của KVPT, bảo đảm yêu cầu “thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm”, phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH và mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa phương trong thời bình, thời chiến. Đồng thời, hoàn chỉnh quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng, lập hợp phần quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển KT-XH và tích hợp vào quy hoạch của tỉnh; triển khai lập quy hoạch các CTQP và KQS, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. “Nhờ chủ trương, chính sách cụ thể, rõ ràng; phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, đơn vị quân đội, xử lý đúng luật định và hài hòa các lợi ích cho nên các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất quốc phòng, vi phạm quy định về bảo vệ CTQP và KQS trên địa bàn tỉnh thời gian qua được giải quyết ổn định, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của tỉnh”, đại tá Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Đoàn khảo sát của Ủy ban QP-AN Quốc hội vừa làm việc với tỉnh Bình Dương và khảo sát thực tế căn cứ hậu cần - kỹ thuật KVPT tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS. Đoàn đã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh cũng như việc tham mưu, triển khai thực hiện của Bộ CHQS tỉnh trong công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ CTQP và KQS; quy hoạch đất đai phục vụ nhiệm vụ QS-QP, KVPT gắn với phát triển KT-XH trên địa bàn…

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=273
Quay lên trên