Giết mổ, bày bán gia cầm sống tràn lan: Đừng “đùa giỡn” với dịch bệnh!

Cập nhật: 20-02-2014 | 00:00:00

Bất chấp những cảnh báo nguy hiểm và dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát mạnh trong cả nước, gia cầm vẫn được bày bán tràn lan khắp các tuyến đường và chợ tại Bình Dương.

Giết mổ tràn lan

Sáng 18-2, chúng tôi tìm đến chợ Đình (TP.TDM) trong vai người mua gà. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ chúng tôi có mặt tại địa điểm trên, hàng chục con gà đã được giết mổ ngay tại chỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Điều đáng nói là toàn bộ số gà trên không hề có dấu kiểm dịch của thú y. Khi được hỏi số gà này có nguồn gốc ở đâu, chủ cửa hàng cho biết: “Chỗ chúng tôi làm ăn uy tín, chỉ bán gà ta thả vườn được lấy từ các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên… nên khách khỏi băn khoăn về chuyện dịch bệnh”. Cũng theo chị này cho biết, mỗi ngày điểm bán gia cầm này tiêu thụ hàng trăm con gà lớn nhỏ. Ngày lễ, tết thì số gia cầm được bán ra lớn hơn nhiều.

Gia cầm sống hoặc đã giết mổ được bày bán tại nhiều chợ, tuyến đường trên địa bàn tỉnh

Tương tự, dạo quanh một vòng tại các chợ Phú Hòa, Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) hay chợ Thuận Giao, An Phú (TX. Thuận An)… gia cầm được bày bán tràn lan. Để tiện việc giết mổ và “né” lực lượng chức năng, tại đây chỉ bày bán vài con gà sống. Nhưng khi khách có nhu cầu, chủ hàng sẽ dắt vào phía sau, nơi chứa hàng trăm con gia cầm các loại. Điểm chung là sau khi chọn, thỏa thuận giá cả, gia cầm sẽ được giết mổ ngay tại chỗ mà không hề có bất kỳ một sự can thiệp đáng kể nào về vệ sinh dịch tễ.

Hiện nay, tại Bình Dương có rất nhiều điểm buôn bán gia cầm công khai dọc theo các tuyến đường đông dân cư thuộc các địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Dĩ An. Trên đường ĐT743, khu vực công viên Tân Đông Hiệp, hàng ngày vẫn có hàng ngàn con gia cầm được bày bán ngay trên vỉa hè. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn giết mổ vịt, gà ngay tại chỗ khiến cho lông, máu vương vãi khắp nơi trên đường.

Tuy nhiên, phức tạp nhất vẫn là địa bàn giáp ranh giữa TX.Dĩ An và quận Thủ Đức của TP.HCM. Tại ranh giới giữa đường Đào Trinh Nhất, phường Linh Tây (Thủ Đức) với đường Bình Đường 2 (phường Bình Đường, TX.Dĩ An), người mua kẻ bán quây quanh những giỏ gà, vịt đầy ắp. Tương tự, trên đường Bình Đường 3 cũng có rất nhiều điểm mua bán gia cầm sống. Một người dân cho biết: “Họ ngang nhiên buôn bán gia cầm sống ở đây lâu rồi. Bên Bình Dương cấm thì họ qua bên kia và ngược lại, bất chấp dịch bệnh nguy hiểm rình rập. Chúng tôi ở đây cũng lo lắm nhưng không biết phải làm sao”.

Người dân chủ quan

Thông báo mới nhất từ Cục Thú y cho hay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 11 tỉnh gồm: Lào Cai, Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Phú Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Long An. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dạng chăn nuôi nhỏ lẻ. Như vậy, tỉnh giáp ranh với Bình Dương là Tây Ninh đã có dịch cúm gia cầm. Đó là chưa kể ngay cạnh Bình Dương thì Đồng Nai là cửa ngõ tập kết gia cầm từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào TP.HCM, nơi có số lượng lớn gia cầm trôi nổi và tiêu thụ rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virut cúm gia cầm lây sang người. Công điện nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virut cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân dường như không hề quan tâm đến cúm A/H5N1 hay H7N9 (đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ thâm nhập vào Việt Nam từ biên giới phía Bắc). Chị Dương Minh Hoa (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Tôi vẫn hay ra chợ Đình mua gia cầm sống về làm cơm cho cả gia đình ăn. So với gia cầm làm sẵn thì gia cầm sống được giết mổ tại chỗ tươi ngon hơn nhiều”.

Theo lý giải của chị Hoa, gia cầm có đóng dấu kiểm dịch chỉ được bày bán ở siêu thị. Nhưng thịt gia cầm ở siêu thị được làm rồi bỏ tủ đông lâu ngày nên không ngon, lại không tiện đường đi làm việc nên chị rất ngại vào siêu thị mua gia cầm. Khi được hỏi có sợ dịch cúm không, chị Hoa cho biết: “Nhiều người cùng mua gà, vịt chứ đâu phải chỉ riêng mình. Vả lại, mình chọn mua gà thả vườn ít khả năng có dịch bệnh lắm. Vì nếu có dịch thì Cục Thú y Bình Dương đã công bố dịch và xử lý hết chứ đâu để đem ra chợ bán”.

Dịch cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì thế, khả năng virus cúm A/H5N1 lây lan và gây dịch là rất cao. Chính vì thế, công tác phòng chống cúm gia cầm không thể chỉ trông cậy vào các cơ quan chức năng mà còn chính từ ý thức của người bán lẫn người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm tươi sống.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên