Tiếp nối những thành công từ mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp tập trung, Bình Dương hôm nay tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững. Trong đó, con người là trung tâm, chủ thể của mọi quy hoạch và phát triển; khoa học công nghệ là chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình; tài nguyên dồi dào, môi trường trong sạch là điều kiện để sự tăng trưởng luôn bền vững.
Cùng với các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua tỉnh liên tiếp ban hành nhiều văn bản quy định về việc hoạch định, khoanh vùng các khu vực cho phép và hạn chế khai thác, sử dụng một số loại tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là giải pháp hữu hiệu giúp tỉnh nhà quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiến tới khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Theo tìm hiểu, ngoài một số văn bản quy định vùng cấm, hạn chế khai thác các loại khoáng sản như cát, đất, đá ở một số khu vực nhạy cảm, có kết cấu địa chất yếu, Bình Dương còn ban hành quy định cấm, hạn chế khai thác tài nguyên nước ngầm, nước dưới đất ở một số khu vực có chất lượng nguồn nước bị suy thoái, trữ lượng nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt. Cụ thể, đối với một số địa phương ở phía nam của tỉnh, do bị khai thác quá đà và xả nước thải vào lòng đất vô tội vạ nên chất lượng và trữ lượng nước ngầm, nước dưới đất từng rơi vào cảnh báo đỏ. Việc ban hành quy định cấm, hạn chế khai thác, sử dụng nước ngầm, nước dưới đất ở những khu vực nói trên kịp thời đã giúp người dân tránh được nguy cơ bệnh tật do sử dụng nước không bảo đảm an toàn, đồng thời tạo ra một khoảng thời gian cần thiết để làm sạch nguồn nước dưới đất, gìn giữ cho các thế hệ mai sau.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sau thời gian dài thực hiện cải tạo, cải thiện môi trường, kết quả quan trắc chất lượng nước ở các địa phương phía nam đã được cải thiện đáng kể. Để bảo đảm chất lượng và trữ lượng nguồn nước ngầm, nước dưới đất phục hồi tốt, doanh nghiệp và người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định về khai thác và sử dụng. Theo đó, hai việc làm quan trọng giúp chất lượng và trữ lượng nguồn nước ngầm, nước dưới đất được bảo đảm là sử dụng nguồn nước mặt đã qua xử lý từ các nhà máy cấp nước trên địa bàn và đấu nối đường ống nước thải của gia đình vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
KHÁNH LINH