Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 chụp ảnh lưu niệm với các hội viên Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn làn điệu hát ru và hát dân ca” trong buổi ra mắt
“Đố ai kiếm được cái vảy con cá trê vàng/ Cái gan là con tép bạc/ Mấy ngàn là anh cũng mua/ Ô là ô áo vá quàng, ồ a ì i…”. Những ca từ mộc mạc hòa cùng những giai điệu êm ả trong bài “Lý áo vá quàng” đã khơi dậy một thời tuổi thơ ngọt ngào của những người con từng được nghe các bà, các mẹ, các chị hát ru bằng những điệu lý dân ca.
Việt Nam có kho tàng dân ca lâu đời và rất phong phú. Hầu hết các làn điệu dân ca đều gắn liền với truyền thuyết đánh giặc cứu nước, hay là những ca khúc ca ngợi nghĩa khí của các vị tướng tài của dân tộc, nhưng nhiều nhất vẫn là những giai điệu ngợi ca đời sống, sinh hoạt, lao động của người nông dân. Đặc biệt được hát nhiều là “Bà Rằng bà Rí”, “Ba quan”, “Bèo dạt mây trôi”, “Cò lả”, “Cây trúc xinh”, “Trống cơm”… (dân ca Bắc bộ); hay “Lý mười thương”, “Lý thương nhau”, “Hò đối đáp”, “Hát ví, dặm..”, “Đi cấy”… (dân ca Trung bộ) và “Ru con”, “Lý đất giồng”, “Lý con chuột”… (dân ca Nam bộ). Những câu hát mượt mà trầm bổng ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước, làng bản, sự gắn bó cộng đồng, giúp con người nhận thức được chân - thiện - mỹ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự du nhập của dòng nhạc trẻ sôi động, các làn điệu dân ca có nguy cơ dần mai một. Trước thực trạng đó, nhiều nơi trong tỉnh đã tổ chức một số hội thi, hội diễn hát ru, hát dân ca đã thu hút đông đảo phụ nữ các cấp tham gia. Đến với những hội thi này, các bà, các chị như có dịp thể hiện tài năng và tình yêu của mình với những ký ức tuổi thơ ngọt ngào qua những lời hát ru “à ơi…” hay những bài dân ca đậm đà của quê hương mình.
Mới đây, nhân dịp chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Quân đoàn 4 đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn làn điệu hát ru và hát dân ca”. Tại buổi ra mắt, các hội viên đã biểu diễn nhiều tiết mục hát ru, hát dân ca ấn tượng mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền của Tổ quốc. Tiêu biểu như: “Ba quan”, “Mời trầu”, “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”… Chia sẻ với chúng tôi, trung tá Lương Duy Thư, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Phòng không 71, Quân đoàn 4, Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn làn điệu hát ru và hát dân ca”, cho biết CLB có 30 hội viên là cán bộ, hội viên phụ nữ của Lữ đoàn Phòng không 71, sinh hoạt đều đặn vào các buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu và các buổi sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Đến nay, CLB đã sưu tầm và biểu diễn hơn 10 tiết mục gồm các câu hát ru, dân ca các vùng miền… phục vụ những buổi văn nghệ tại Đại hội Đảng bộ Tiểu đoàn 12, chương trình giao lưu kết nghĩa giữa Tiểu đoàn 12 và Tiểu đoàn 16...
Nhìn các nữ chiến sĩ của Lữ đoàn 71 với trang phục đa sắc màu dân tộc hòa mình cùng những điệu múa, bài hát dân ca, mới thấy được niềm đam mê và quyết tâm gìn giữ những làn điệu hát ru, hát dân ca của mỗi người. Là y sĩ của Tiểu đoàn 19, Lữ đoàn 71, cô Trần Thị Thu Hoài, nhóm trưởng của CLB cho biết để các tiết mục thêm sinh động, CLB đã mượn trang phục biểu diễn của các trung tâm văn hóa trong tỉnh, qua đó tìm hiểu thêm về những đặc trưng trang phục của đồng bào các dân tộc. Điều này càng tạo thêm nhiều sự thích thú cho chị em khi sinh hoạt tại CLB.
Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay thì việc tạo sân chơi giải trí lành mạnh như các hội thi, hội diễn hát ru, hát dân ca là rất thiết thực và bổ ích. Bởi qua đây, mọi người có dịp tìm hiểu nhiều bài hát ru, hát dân ca truyền thống của dân tộc, để thêm yêu quý những thành quả sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ đi trước và nhận thức được trách nhiệm cần gìn giữ những làn điệu âm nhạc độc đáo này.
THỤC VĂN