Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 17-12-2022 | 15:43:52

Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận "Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống".

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức ngày 17-12, tại tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Tham luận tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã đề cập đến một vấn đề quan trọng của văn hóa là “Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới - Thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống."

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử." Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân dần cải thiện. Bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được “cốt” mới, nhưng vẫn giữ được “hồn” cũ, nhiều nơi được hiện đại hơn, nhưng lại “vô hồn” vì những khối bêtông “đồng phục hóa."

“Những kiến trúc truyền thống, mỗi dân tộc anh em mang những bản sắc văn hóa độc đáo tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa. Tuy nhiên, sự “sao chép," “vay mượn” thiếu chọn lọc, nhà mái bằng, phố hình ống, đường làng, hàng rào bêtông hóa, vắng bóng những hàng cây xanh, mảng xanh, đường hóa phố, phố trong làng, thiếu hài hòa, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Đặc biệt, “hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” dần chỉ còn trong những câu chuyện kể.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc; là không gian mở, con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể. Người làng là chủ thể tạo lập làng, hình thành văn hóa làng, phát triển kinh tế làng. Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, nông thôn cần được xem là một miền di sản, là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hình ảnh làng quê dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hòa thân thiện do chính người làng tạo lập. Hình ảnh ấy sẽ là sức hút người xa làng quay trở về nhiều hơn, khách phương xa tìm đến trải nghiệm khám phát nét tinh hoa. Sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ, ưa chuộng nhiều hơn. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống.

Để các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất, biến thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ phát triển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có Chương trình mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước." Qua đó, cụ thể hóa Luật Di sản Văn hóa, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và huy động sức mạnh, nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc.

Cùng với đó, cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội; chú trọng nhóm đối tượng là học sinh từ những bậc học đầu tiên vì đây là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hóa dân tộc. Đặc biệt là cần có những tiêu chí về văn hóa nông thôn thực chất có thể đo lường được, tránh bệnh thành tích trong bình xét các danh hiệu văn hóa và trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=204
Quay lên trên