Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Mạng hackernoon.com mới đây đăng bài viết phân tích những yếu tố góp phần thúc đẩy sự "chuyển mình" của kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, sánh ngang với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Bài viết dẫn nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là kết quả của ba thay đổi lớn, bao gồm các chính sách thương mại tự do, nới lỏng các quy định và giảm bớt chi phí kinh doanh, đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Theo bài phân tích, các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đang được đền đáp từ chính sách tự do thương mại với những thỏa thuận mới, giảm thuế cho các hoạt động thương mại quốc tế và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết thành công 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh Hải quan Á-Âu.
Việc bãi bỏ quy định kiểm soát quá mức và cung cấp một khuôn khổ rõ ràng hơn trong hoạt động kinh doanh ở một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở Việt Nam.
Bài phân tích cũng đề cập đến thách thức mới nảy sinh từ thực tế số lượng doanh nghiệp tăng khi quy mô kinh tế Việt Nam không ngừng mở rộng, đó là cần chú trọng vấn đề giáo dục để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, cũng như tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cung cấp thêm năng lượng và cải thiện sự kết nối trong nước.
Bài viết dẫn tuyên bố Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende nếu bật thành tích mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được thông qua hàng loạt cải cách kinh tế trong những năm qua như giảm nợ công và ổn định tài chính công.
Theo Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng, nợ công của Việt Nam đã tăng lên tới 64% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, với những cải cách mới nhất, khoản nợ này dự kiến sẽ giảm xuống còn 60% GDP trong ba năm (kể từ năm nay). Thêm vào đó, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong thập kỷ này, với tốc độ tăng trưởng trong năm ngoái đạt 6,8%, vượt mục tiêu 6,7% đã đề ra.
Về đường hướng phát triển trong tương lai, ông Brende nhận định Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc tạo một môi trường thân thiện với các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như Internet kết nối vạn vật (Internet of things), chuỗi khối (blockchain) và mật mã (crypto).
Ông nêu rõ các nước nhanh chóng áp dụng các công nghệ này có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã nhận thức rất rõ thực tế này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ thị thành lập ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử vào tháng Tám vừa qua với mục tiêu nghiên cứu và xây dựng các đường lối chỉ đạo, các chiến lược và chính sách để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển chính phủ kỹ thuật số.
Theo một báo cáo của công ty tư vấn AlphaBeta, Việt Nam đứng thứ hai về môi trường đầu tư công nghệ cao ở khu vực Đông Nam Á và thứ ba về tài năng kỹ thuật số./.
Theo TTXVN