Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với 964kg thuốc nổ vào lúc 20 giờ 30 phút đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1 - vị trí quan trọng ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Nhân kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2021) của nhân dân Việt Nam, tiến sỹ Evgeny Vlasov - Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Liên bang Nga (FEFU) đã chúc mừng các bạn Việt Nam làm nên sự kiện "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."
Tiến sỹ Vlasov cho rằng Điện Biên Phủ là trận đánh quan trọng nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và Việt Nam đã thực hiện bước đột phá với chiến thắng này.
Theo tiến sỹ Vlasov, Điện Biên Phủ là cụm cứ điểm mạnh với 7 pháo đài, 49 cứ điểm, các điểm hỏa lực kiên cố, giao thông hào, chướng ngại vật, bãi mìn và sân bay. Thực dân Pháp muốn nơi đây trở thành bàn đạp kiên cố làm cứ điểm cho nhóm lực lượng có khả năng tấn công ở Bắc Việt Nam và Lào, để tấn công vào các con đường liên lạc của Việt Minh, nhằm làm mất nhuệ khí và tiêu diệt lực lượng Việt Nam, cũng như tạo lợi thế trên bàn đàm phán ở Geneva.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Vlasov, tinh thần của quân Pháp khi đó đã rệu rã sau khi không thành công trong nhiều chiến dịch quân sự năm 1953.
Ngược lại Quân đội Việt Nam từng bước chiếm được những vùng lãnh thổ quan trọng về chiến lược, tinh thần chiến đấu tăng cao. Đặc biệt, Việt Nam có ưu thế về chiến thuật và am hiểu địa bàn.
Tiến sỹ Vlasov khẳng định mặc dù thật đáng tiếc chiến thắng Điện Biên Phủ chưa đem lại bình yên cho khu vực Đông Dương, Việt Nam vẫn bị chia thành hai miền Bắc-Nam theo vĩ tuyến 17, song chiến thắng vẫn là thất bại nặng nề của thực dân Pháp.
Ngoài ra, toàn thế giới đã biết đến tên tuổi một người anh hùng mới, vị tướng giải phóng dân tộc Võ Nguyên Giáp của Việt Nam.
Trong khi đó, Giáo sư tiếng Việt Alexander Sokolovsky của Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Liên bang Nga (FEFU) cho rằng vào thời điểm này trong năm, hai dân tộc Nga và Việt Nam kỷ niệm các sự kiện trọng đại gần như liên tiếp.
Ngày 30/4 dân tộc Việt Nam kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam và ngày 7/5 kỷ niệm 67 năm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ.
Còn nhân dân Nga, ngày 9/5 kỷ niệm 76 năm ngày Chiến thắng của nhân dân Xô Viết trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Các sự kiện này đều có quan hệ với nhau không chỉ bởi “chúng ta là những dân tộc anh em mà còn vì chúng ta nắm chặt tay nhau.”
Ông khẳng định sự hợp tác giữa hai dân tộc ý nghĩa rất to lớn đối với chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ.
Giáo sư Sokolovsky đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử rất to lớn vì Việt Nam đã cho không chỉ thực dân Pháp mà cả thể giới thấy nếu một dân tộc muốn có tự do và đồng lòng tập hợp lại thì dân tộc đó có thể giải phóng mình khỏi những kẻ áp bức, và chế độ thực dân mà khi đó là Pháp.
Theo ông Sokolovsky, chiến thắng Điện Biên Phủ không lớn như quy mô chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Xô Viết, song nếu Liên Xô giải phóng các nước châu Âu khỏi ách phátxít thì chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không cho phép Pháp tiếp tục chính sách thuộc địa của mình ở Đông Dương.
Lào, Campuchia, cùng với Việt Nam đã có được chủ quyền và có quyền được xây dựng chính sách độc lập cũng như quốc gia dân chủ của mình.
Giáo sư Sokolovsky cũng kể lại năm 1994, ông đã tham gia đóng bộ phim “Hoa Ban đỏ” của Đạo diễn Bạch Diệp, quay ở Ba Vì, ngoại ô Hà Nội.
Ông cùng với giáo viên và các học sinh vào vai các sỹ quan tù binh quân đội Pháp và Tướng De Castries. Chỉ 3 ngày tham gia đóng phim, ông đã cảm nhận được rõ hơn tình hình khi đó, cảm nhận rõ sức mạnh, chiến thắng hào hùng của nhân dân Việt Nam trước thực dân Pháp./.
Theo TTXVN