Hồi nhỏ nhỏ, tôi hay nghe mạ (mẹ) tôi hò ru cháu nội rặt tiếng địa phương của người Huế: “Chim bay về núi túi (tối) rồi/ Mạ mô (đâu) con nấy (đó) tìm nồi nấu ăn”. Nghe câu hò thấy… bình yên! Không còn gì êm đềm hơn buổi hoàng hôn, dưới chái bếp, mẹ con cùng quây quần bên ánh lửa bập bùng…
Thế nên khi bắt gặp tựa sách của anh Mai Sông Bé, một người con của Bình Dương (hiện là Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai) “Chim bay về núi tối rồi”, tôi như… chạm vào cả tuổi thơ của mình.
Cuốn sách “Chim bay về núi tối rồi” của anh có kết cấu gồm 10 chương. Chương 1: Quê hương và nỗi nhớ; chương 2: Bào thai được giữ lại; chương 3: Thời thơ ấu; chương 4: Bay ngược thời gian; chương 5: Duyên nghiệp cuộc đời; chương 6: Xin tạ ơn người; chương 7: Tôi và thời đại; chương 8: Thần tượng của tôi; chương 9: Nước mát cuộc đời; chương 10: Chim bay về núi tối rồi.
Bìa cuốn sách “Chim bay về núi tối rồi” của tác giả
Quyển sách như một hồi ký của tác giả sẽ đưa bạn đọc đến với Cù lao Rùa, quê hương anh, đến với con sông Đồng Nai, đến với vùng Thủ Biên xưa nay là Bình Dương - Đồng Nai và bắt gặp cả những con người lịch sử, con người bình thường trong đó. Điều đáng quý là dù viết đôi dòng về “người lịch sử” hay cả chương cho những “người bình thường” anh đều trân quý, cẩn trọng và chân thành trong từng câu chữ.
Không thể nói hết cái tình mênh mông của anh với quê hương, con người, bạn bè, tri âm, tri kỷ trong 381 trang sách. Chỉ biết rằng, khi gặp lại anh, nhất định tôi sẽ nói; nếu em là H. - cô Bắc kỳ dễ thương nho nhỏ hay cô em Hậu Giang ngọt ngào anh viết rất thật trong chương IX “Nước mát đời tôi”, hẳn em sẽ tự hào, vui sướng bởi có được mối tình chân thật như vậy trong đời. Bởi, đa phần, đàn ông ít khi thổ lộ tình cảm thật, như anh!
“ Tôi, con chim dồng dộc già cất cánh bay… đi đây. Xin tạ ơn tạo hóa, tạ ơn đất nước, tạ ơn đời, ơn người, ơn khổng tước, ơn phượng hoàng, dồng dộc già này cất cánh bay về hướng núi, đang dần chuyển sang màu hoàng hôn: Tối rồi”. Anh viết vậy nhưng tôi vẫn mong sẽ tiếp tục đọc được những trang văn, bài viết của anh bởi như anh tự nhận: “Ta là một gã hơi gàn/ Cúi xuống lượm chữ viết trang vô thường”.
Vâng, người viết là thế, phải chừng nào… cúi xuống lượm chữ không được nữa mới thôi viết, phải không anh Mai Sông Bé?
TRẦN QUỲNH NHƯ