Giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Cập nhật: 25-08-2023 | 08:45:02

 Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, đô thị, TP.Dĩ An còn được nhiều người biết đến là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Hàng năm, địa phương thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, con người. Qua đó, chính quyền địa phương phối hợp tốt với các sở, ngành thực hiện hiệu quả công tác giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của vùng đất này.

 Khuôn viên đình Dĩ An hiện có rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi

Vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh

Hiện nay, trên địa bàn TP.Dĩ An có 8 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là Di tích danh thắng chùa núi Châu Thới, đình Dĩ An và 6 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh, gồm: Căn cứ cách mạng Hố Lang, suối Mạch Máng, đình thần Dinh ông Ngãi Thắng, đình thần Bình An, Nhà máy xe lửa Dĩ An và Di tích lịch sử văn hóa Mả 35.

Hàng năm, các di tích đã thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, trong đó có nhiều di tích có danh lam thắng cảnh nổi tiếng như chùa núi Châu Thới, đình Dĩ An, đình thần Dinh ông Ngãi Thắng. Đặc biệt, chùa núi Châu Thới, một ngôi chùa cổ xưa nhất của vùng Đông Nam bộ, được xây dựng từ năm 1681 trên độ cao 82m so với mặt nước biển được nhiều người tìm đến.

Nét nổi bật của chùa về trang trí kiến trúc là sử dụng mảnh gốm sứ gắn kết các họa tiết hoa văn hình rồng, phụng. Hiện nay, chùa còn lưu giữ khoảng 55 hiện vật có giá trị (đứng thứ nhì trong các ngôi chùa ở Bình Dương). Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, với địa thế hiểm trở và cảnh u tịch thanh vắng, chùa là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ, người yêu nước đến ẩn náu và hoạt động cách mạng...

Anh Trần Hoàng Huân, một du khách đến từ TP.Biên Hòa (Đồng Nai) chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên đến chùa, bởi bên cạnh là một tín đồ phật giáo, với tôi ngôi chùa còn có thắng cảnh rất đẹp, con cái chúng tôi rất thích lên đây. Ở độ cao trên đỉnh núi, mình thỏa thích phóng tầm mắt bao trùm cả TP.Dĩ An đến tận Biên Hòa, được hít thở bầu không khí trong lành…” .

Từ đỉnh núi Châu Thới, du khách chỉ mất vài phút di chuyển bằng xe gắn máy là đến được các di tích lân cận như đình Dĩ An, đình thần Dinh ông Ngãi Thắng, nơi có thắng cảnh tuyệt đẹp. Đình Dĩ An được xây dựng bằng gỗ, có lịch sử hàng trăm năm từ thế kỷ XIX, mang đậm nét văn hóa Đông Nam bộ. Năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong cho đình thần. Cổng đình được xây dựng theo kiểu cổng tam quan. Phần thờ tự chính là một dãy nhà được thiết kế theo kiểu hình chữ nhật gồm: Võ ca, chánh điện, nhà khách, nhà túc... Các công trình ở đây được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng rất cầu kỳ. Ngôi đình nằm lọt thỏm dưới tán rừng nguyên sinh rộng hơn 2 ha với những cây sao, dầu, bằng lăng cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Theo ông Trịnh Văn Xuân, Trưởng ban Quản lý đình Dĩ An, trong thời chống Mỹ, ngôi đình còn là nơi ẩn náu, hoạt động của các chiến sĩ yêu nước. Dưới những tán cây cổ thụ quanh đình, trước sân đình có rất nhiều hầm trú ẩn được xây dựng, về sau mới bị lấp dần. Tuy nhiên, ông cẩn thận ghi chép lại từng vị trí hầm bị lấp để phòng khi các cấp muốn khôi phục lại các hầm. Từ lúc ông tiếp quản ngôi đình, mỗi năm ông chỉ trồng thêm cây, chứ chưa cho ai cắt bỏ một cây cổ thụ nào... Du khách thập phương tìm đến tham quan ngôi đình ngày càng đông, vì bên cạnh những cảnh quan tuyệt đẹp, họ còn muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của ngôi đình hiếm có này.

 Phát huy và bảo tồn

Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử các di tích trên địa bàn thành phố, hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) TP.Dĩ An tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích để báo cáo các sở, ngành và chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng phòng VHTT TP.Dĩ An, cho biết: “Các di tích trên địa bàn thành phố đều đã được thành lập tổ quản lý di tích nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các di tích; đồng thời để trực tiếp điều hành công việc khi tổ chức đón tiếp khách tham quan, các ngày lễ hội, giữ gìn vệ sinh thường xuyên, bảo vệ tài sản. Riêng Khu di tích lịch sử văn hóa căn cứ cách mạng Hố Lang, phòng đã đề nghị UBND thành phố thành lập Tổ quản lý di tích cấp thành phố. Do đó, công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích được thực hiện tốt, đem lại hiệu quả thiết thực” .

 Chùa núi Châu Thới, nơi có danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, thu hút hàng ngàn du khách thập phương mỗi năm

Từ năm 2006 đến nay, các di tích đã được tu bổ, sửa chữa 1 số hạng mục từ nguồn kinh phí Nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hóa lên đến hàng tỷ đồng. Phòng VHTT thành phố hợp đồng cùng đơn vị thi công tiến hành xử lý mối mọt định kỳ hàng năm tại các di tích trên địa bàn thành phố với kinh phí khoảng 50 triệu đồng/ năm; tiến hành lắp đặt hàng chục bảng chỉ dẫn vào các di tích trên địa bàn để thuận tiện cho người dân, các ban ngành đoàn thể, cơ quan đơn vị, trường học trên địa bàn đến tham quan và tìm hiểu về di tích.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, trong thời gian tới, Phòng VHTT TP.Dĩ An tiếp tục phối hợp với các ban, ngành địa phương thực hiện công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thành phố, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên hiểu được giá trị, ý nghĩa của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Phòng cũng sẽ chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc phát huy các giá trị di tích. Bên cạnh đó, phòng phát huy giá trị của di tích bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tại các di tích, tăng cường sự liên kết giữa nhà trường với di tích, gắn việc học tập tại trường với học tập ngoại khóa tại khu di tích, nhà truyền thống cho học sinh trên địa bàn thành phố.

 Với các di tích cấp quốc gia, từ năm 2006 đến nay, di tích danh thắng núi Châu Thới và di tích kiến trúc nghệ thuật đình Dĩ An đã đón tiếp, phục vụ khoảng 300.000 lượt khách tham quan và hành hương. Với các di tích cấp tỉnh, từ năm 2006 đến nay, các di tích đã đón tiếp, phục vụ khoảng 75.000 lượt khách tham quan (trung bình khoảng 1.000 khách/năm/di tích).

 QUANG TÁM - PHẠM ẨN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên