Giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Cập nhật: 16-05-2024 | 08:19:23

Huyện Dầu Tiếng là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa (LSVH) gắn liền với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Những di tích này là biểu tượng LSVH, là niềm tự hào của mỗi người dân Bình Dương.

 Thời gian qua, các di tích LSVH trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã trở thành địa chỉ đỏ để các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động về nguồn cho các thế hệ trẻ

 Vùng đất có nhiều di tích lịch sử

Đất và người Dầu Tiếng đã đi vào lịch sử với nhiều sự kiện, chứng tích hào hùng có ý nghĩa về mặt LSVH. Đây là những “bằng chứng sống” gắn liền với những năm tháng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đầy hào hùng của các thế hệ cha ông qua nhiều giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, ở đây có một địa chỉ đỏ mang dấu ấn của đại thắng mùa xuân năm 1975 là di tích “Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh” ở rừng Căm Xe thuộc địa phận xã Minh Tân. Từ căn cứ cách mạng này, nhiệm vụ lịch sử mà Bộ Chính trị giao cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định là giải phóng miền Nam trước mùa mưa đã hoàn thành thắng lợi.

Sau này, di tích “Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh” rừng Căm Xe đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia vào năm 2010. Sau đó, rừng Căm Xe đã được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng thành khu di tích lịch sử với nhiều hạng mục, như: Bia ghi lại diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh, khung cảnh tái hiện lại nơi các đồng chí lãnh đạo họp bàn kế hoạch, bếp Hoàng Cầm, nhà lưu niệm… Đây là một di tích lịch sử có giá trị lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thếhê trẻ, là địa chỉ đỏ để các cấp, các ngành tổ chức hoạt động về nguồn, vun đắp truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Mạnh Dược, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân, cho biết xã rất vinh dự và tự hào khi có một địa chỉ đỏ được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể của xã và các trường học trên địa bàn quan tâm tổ chức các hoạt động du khảo về nguồn tại di tích này để cho mỗi người dân, học sinh biết thêm về lịch sử đấu tranh của cha ông. Đồng thời, xã cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, cảnh quan môi trường để phong cảnh khu di tích luôn sạch, đẹp.

Ngoài di tích “Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh” rừng Căm Xe, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng còn có 10 di tích LSVH cấp tỉnh. Những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này. Nhờ nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị các di tích LSVH, Dầu Tiếng đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Các di tích LSVH trên địa bàn huyện không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn trở thành các “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Bảo tồn và phát huy

Các di tích LSVH trên địa bàn huyện Dầu Tiếng là những minh chứng phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống, những thành tựu to lớn của cha ông ta. Nhận thức việc bảo tồn các di sản, di tích là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, từ nhiều năm nay, công tác quản lý và phát huy giá trị các di tích LSVH trên địa bàn huyện luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Dự, Giám đốc Ban Quản lý di tích huyện Dầu Tiếng, cho biết xác định vai trò, tầm quan trọng và phát huy giá trị di tích LSVH trên địa bàn, trong những năm qua, huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích. Để bảo tồn, phát huy những giá trị LSVH các di tích trên địa bàn huyện, hàng năm đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích để báo cáo các sở, ngành và chính quyền địa phương.

Ngoài ra, để phát huy giá trị các di tích, huyện đã đẩy mạnh phối hợp với các đoàn thể, ngành giáo dục và đào tạo huyện tổ chức cho đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh, kết nạp đội viên, đoàn viên tại các di tích lịch sử cách mạng; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan về nguồn. Qua các hoạt động vừa thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị lịch sử, vừa giúp thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện.

Bà Nguyễn Thị Dự cho biết thêm, trong thời gian tới, Ban Quản lý di tích huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện hiểu được giá trị, ý nghĩa của các di tích LSVH trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phát huy giá trị di tích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Ngày nay, vùng đất Dầu Tiếng đã có nhiều thay đổi, những cánh rừng cao su bạt ngàn, những vườn cây ăn trái xanh mát đã xóa đi dấu vết bom cày đạn xới năm xưa. Nhưng những di tích LSVH nơi đây vẫn là những biểu tượng sáng ngời của ý chí đấu tranh cách mạng của quân và dân ta. Tự hào với truyền thống cách mạng quê hương, quân và dân Dầu Tiếng đang ra sức lao động, học tập, sản xuất để xây dựng quê hương Dầu Tiếng anh hùng ngày càng phát triển.

 Huyện Dầu Tiếng hiện có 10 di tích LSVH cấp tỉnh và 1 di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo báo cáo của Ban Quản lý di tích huyện Dầu Tiếng, trong tháng 4 vừa qua, các di tích có trên 6.250 lượt người đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, trong đó có nhiều di tích có danh lam thắng cảnh nổi tiếng như di tích núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng; khu di tích lịch sử rừng Kiến An; di tích vườn cây cao su thời Pháp thuộc; khu căn cứ cách mạng Vườn Trầu…

 HỒNG PHƯƠNG - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=640
Quay lên trên