Giữ mai cho ngày tết

Cập nhật: 10-01-2020 | 08:41:46

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi tìm đến những vườn mai lớn tại Bình Dương để lắng nghe câu chuyện của những chủ vườn. Dịp cuối năm này, mỗi ngày họ đều dậy từ rất sớm để quan sát tiết trời, lắng nghe sự chuyển biến nhẹ của thời tiết để điều chỉnh cho một mùa mai nở đúng vào dịp tết. Năm nay, lồng trong câu chuyện vui, chủ các vườn mai lại bày tỏ nỗi băn khoăn về cách bảo vệ, canh giữ những chậu mai kiểng giá trị của mình khi “mai tặc” vẫn còn lộng hành!


Ông Nguyễn Viết Hoàng (bìa phải) trao đổi về cách bảo vệ vườn mai hơn 2.000 cây của mình

Nguy cơ mất trộm mai

Vào cuối tháng 12 vừa qua, một vườn mai tại xã An Tây, TX.Bến Cát bị chặt phá. Kẻ xấu đã dùng cưa cắt cành, phá hoại 200 gốc mai đang độ sinh trưởng; trong đó có 80 gốc là của người dân gửi chăm sóc. Chuyện phá hoại, trộm cây mai không còn xa lạ khi vào dịp cuối năm vì đây là thời điểm cây kiểng bán được giá nhất. Người nông dân trồng mai và các chủ vựa buôn bán hoa kiểng cũng chỉ chờ dịp này để đưa các gốc mai ra thị trường, hứa hẹn một mùa thu hoạch.

Chúng tôi ghé một vườn chuyên buôn bán hoa mai, cây kiểng trên đường Hùng Vương (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một). Tại đây, nhiều vị khách nữ đang lựa chọn những chậu hoa kiểng để về trang điểm cho ngôi nhà vào dịp đầu xuân. Mãi buôn bán nhưng Bà Nguyễn Thị Thắm vẫn không thể giữ được bình tĩnh khi nhắc lại câu chuyện gốc mai trị giá 50 triệu đồng của vườn mình “suýt” bị mất cắp.

Rạng sáng một ngày tháng 9-2019, nghe tiếng chó sủa, ông T., chồng bà Thắm, tỉnh dậy bước ra vườn. Sát bên vựa hoa kiểng là khu đất vợ chồng bà thuê để đặt các gốc mai cỡ đại. Khu đất này vẫn chưa được làm hàng rào kiên cố nên mỗi tối, để bảo vệ các gốc mai, vợ chồng bà phải dùng dây cáp quấn quanh các gốc mai rồi khóa lại.

Sau một hồi nghe ngóng, không thấy chuyện gì lạ, ông T. quay vào tiếp tục ngủ. Một lát sau, ông lại nghe tiếng chó sủa nên tỉnh dậy. Lần này bước ra ngoài vườn, ông choáng váng khi nhìn thấy cây mai trị giá khoảng 50 triệu đồng của mình vừa bị bứng gốc, rũ bầu đất đang nằm chổng chơ ngoài lề đường. Vợ chồng ông mở camera để xem lại sự việc. Qua hình ảnh camera ghi lại, một đối tượng chạy qua chạy lại để “canh me” vườn mai nhiều lần. Trong đêm đó, đối tượng 2 lần tiếp cận vườn cây kiểng nhà ông T. Thấy chó sủa, hắn bỏ đi rồi tiếp tục quay lại cắt dây cáp, nhổ gốc mai ra khỏi chậu. Do di chuyển bằng xe máy, cây mai lại quá to, loay hoay mãi không thể chở nổi cây mai, lại thêm chó sủa, sợ bị phát hiện nên tên trộm nhanh chóng bỏ chiến lợi phẩm và rời khỏi hiện trường.

Trước đó, vợ chồng bà Thắm cũng vừa bị mất chậu hoa hồng cổ Sapa rất to trị giá khoảng 7 triệu đồng. Dù đã ý thức bảo vệ những gốc mai, cây kiểng bằng cách gắn camera, rào lưới B40, nuôi chó, khóa cáp quanh các gốc mai nhưng nguy cơ mất trộm vẫn có thể xảy ra. Cũng theo bà Thắm, cách vườn bà không xa là vườn cây kiểng của ông Tấn với diện tích lớn hơn. Vườn ông Tấn cũng vừa mất 2 chậu mai lớn cách đó không lâu. Sau sự cố mất gốc hoa hồng và “xém” mất chậu mai giá trị, vợ chồng bà Thắm quyết định hàn cố định các chậu mai vào những thanh sắt lớn, quấn cáp và khóa bằng ổ khóa cẩn thận để hạn chế nguy cơ mất trộm.

Nhắc nhở nhau “phòng là chính”

P.V tiếp tục ghé những vườn mai có quy mô lớn tại phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An để ghi nhận không khí tại đây cũng như cách các chủ vườn bảo vệ tài sản của mình. Tại đây có khoảng 20 vườn trồng mai lớn nhỏ, chủ yếu cung cấp mai kiểng cho thị trường Bình Dương và các tỉnh lân cận. Từ đại lộ Bình Dương men theo những con rạch nhỏ, con đường sỏi quanh co chưa đầy 1m dẫn chúng tôi vào vườn mai diện tích khoảng 3.000m2 của ông Nguyễn Viết Hoàng. Trong cái nắng chói chang của buổi trưa, hàng ngàn gốc mai rợp xanh lá, êm ả rũ bóng bên những con rạch nhỏ, bình yên như một làng hoa mai thu nhỏ giữa đô thị nhộn nhịp.

Ông Hoàng kể trước đây ông trồng mía, hoa lài, hoa huệ, sau thấy thổ nhưỡng không hợp nên từ năm 2003 chuyển sang trồng mai. Ban đầu, ông trồng khoảng 5.000 đến 7.000 cây mai giống. Hầu hết các cây mai từ khi bắt đầu ươm đến lúc có thể đưa ra thị trường mất khoảng 4 đến 5 năm chăm sóc. Trong thời gian đó, ông Hoàng đã nhiều lần vay mượn tiền vốn của Ngân hàng Chính sách, nguồn quỹ của Hội Nông dân tỉnh để đầu tư, chăm sóc cho hàng ngàn cây mai của mình. Thế mới biết, để có được một cây mai nở hoa vào dịp đầu xuân, người nông dân đã phải cực công, tốn sức, đầu tư tiền bạc đến mức nào. Hiện vườn ông có khoảng 4.000 cây mai giảo, khoảng 200 chậu mai lớn nhỏ. (Mai giảo là cách gọi của người trồng mai về giống mai cánh kép trồng nguyên bản không qua ghép cành - P.V).

Vườn mai của ông Hoàng chủ yếu phục vụ khách đến tận vườn lựa chọn chứ không bán nhiều cho các thương lái hay bày bán ngoài đường. Mỗi sáng, ông Hoàng đều dậy sớm để “canh” thời tiết. Thấy thời tiết khô, ít sương, nắng lên nhanh thì hứa hẹn một mùa mai nở ổn định. Những ngày này ông Hoàng bắt đầu vặt lá hàng ngàn gốc mai của mình. Nhìn những đốm nụ trong kỳ sinh trưởng, nhắc về câu chuyện vườn mai bị phá hoại ở An Tây, Bến Cát, ông Hoàng bày tỏ nỗi xót xa: “Để trồng được một cây mai đến ngày có thể canh hoa, người nông dân chúng tôi vất vả dữ lắm. Vậy mà kẻ xấu lại đang tâm phá hoại hàng trăm gốc mai. Mấy ngày nay nghe chuyện này mà anh em trồng mai ở Vĩnh Phú cũng buồn ghê lắm. Ở đây, thỉnh thoảng mất trộm vài cây mai nhỏ chứ chưa từng xảy ra chuyện lớn như vậy. Dạo này vợ chồng tôi cũng nhắc nhở nhau tối ngủ phải bật đèn ngoài vườn, nghe chó sủa là phải dậy đánh động. Khi thấy trộm đến bứng một vài chậu nhỏ thì thôi cũng đứng xa đánh động chứ cũng không dám lại gần vì sợ nguy hiểm tính mạng”.

Cách đó không xa, vườn hoa mai, cây kiểng của ông Huỳnh Văn Tấn, khu phố Tây, phường Vĩnh Phú cũng rộn ràng những ngày cuối năm. Vườn ông Tấn rộng chừng 2.000m2 chủ yếu trồng hoa giấy, hoa sứ, hoa trang, riêng hoa mai thì có mai tứ quý và mai ghép... Để bảo vệ vườn cây kiểng, bảo vệ tính mạng cho người thân trong gia đình, ông Tấn cho xây tường rào kiên cố. Trên tường rào và mái tôn, ông cho lắp đèn chiếu sáng về đêm. Vườn ông Tấn cũng như các vườn mai khác đều nuôi chó để canh giữ vườn.

Trao đổi về công tác giữ gìn, bảo vệ vườn mai của các chủ vườn trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú, cho biết: “Hiện trên địa bàn phường có khoảng 20 vườn hoa mai, cây kiểng lớn nhỏ. Trước đây, bà con hay bày bán mai ven đường, sau này thương lái đến tận vườn mua nhiều nên họ chủ yếu trồng và bán mai tại vườn. Các chủ vườn hoa mai, cây kiểng sinh hoạt chung Tổ hợp tác trồng mai nên thường xuyên gặp gỡ, sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần. Các thành viên trong tổ mỗi lần sinh hoạt đều giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc hoa mai, cây kiểng. Ngoài ra, bà con còn tham gia các đợt tập huấn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức để mở rộng kiến thức nông nghiệp của mình. Về phía địa phương, chúng tôi hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con vay vốn để trồng trọt các loại hoa mai, cây kiểng. Nhìn chung, việc trồng và kinh doanh các loại hoa mai, cây kiểng trên địa bàn đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình. Về công tác bảo vệ vườn cây, trong các đợt sinh hoạt hay gặp gỡ, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các hội viên phải canh gác, bảo vệ vườn mai của mình, đặc biệt vào dịp cuối năm như thế này. Dù chưa xảy ra vụ trộm cắp, phá hoại cây kiểng nào phức tạp nhưng phòng ngừa vẫn hơn”.


Những chậu mai khủng trong vườn được xích và hàn cố định nhằm chống trộm

“Để trồng được một cây mai đến ngày có thể canh hoa, người nông dân chúng tôi vất vả dữ lắm. Vậy mà kẻ xấu lại đang tâm phá hoại hàng trăm gốc. Mấy ngày nay nghe chuyện này mà anh em trồng mai ở Vĩnh Phú buồn ghê lắm”, ông Nguyễn Viết Hoàng, một người chuyên trồng mai ở phường Vĩnh Phú tâm sự.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1799
Quay lên trên