Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (1973-1976). Dù trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng ý chí và phẩm chất cách mạng của người đảng viên ấy vẫn sáng ngời theo năm tháng.
Năm nay, ông Một Hữu (79 tuổi) tròn 60 năm tuổi Đảng. Nhớ về kỷ niệm tham gia cách mạng và đứng vào hàng ngũ Đảng, ông Một Hữu nói: “Điều thôi thúc tôi tham gia cách mạng là hình ảnh một ông già mặc áo dài, khăn đóng quảy quang gánh đi bán thuốc khắp đất Thủ lúc bấy giờ”. Ông Một Hữu cho biết ông già đó đã đến nhà ông và vì còn nhỏ nên ông cũng không biết đó là ai. Chỉ sau này khi đi học và ở chùa Hội Khánh ông mới biết đó là cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Nếu được gặp ông Một Hữu trong lúc ông đang đi cắt cỏ nuôi bò thì có lẽ không ai biết ông chính là Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một năm xưa, người từng chỉ huy những trận đánh mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Gặp chúng tôi ông khoe: “Tháng vừa rồi mới bán một con bò được 19 triệu đồng, cộng cả năm cũng được cả trăm triệu đồng từ nuôi bò đấy!”, ông Một Hữu nói. Nhà ông đang ở hiện nay nằm bên cạnh con đường mới mở đi vào Thành phố mới Bình Dương (gần ngã tư Sở Sao). Trong căn nhà giản dị ấy ông đã kể cho chúng tôi nghe về quá trình mà ông đã đi theo Đảng. Kể thì cũng dài, trải qua cũng lắm gian nan, bây giờ già rồi càng suy ngẫm lại ông càng thấy chân lý của Đảng sáng ngời và ông đã rút ra một điều từ những kinh nghiệm quý báu ấy là: “Phải giữ nước bằng bản sắc văn hóa của dân tộc, bằng bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa rằng giữ nước phải bắt đầu từ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Ông Một Hữu:"Giữ nước phải bắt đầu từ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc"Nói về Đảng ta, ông lại ngẫm về chủ nghĩa Mác - Lênin: “Phải nói là Đảng ta tài thật, Đảng đã vận dụng sáng tạo một cách xuất sắc chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng nước ta phù hợp và đúng đắn”. Chính vì vậy, bằng sự trải nghiệm của chính mình và từ sâu thẳm trái tim, ông rất mong muốn trong đại hội tỉnh Đảng bộ sắp tới sẽ quan tâm phát triển văn hóa, nguồn nhân lực đi đôi với phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông phân tích, khi phát triển công nghiệp, mở rộng hợp tác đầu tư thì sẽ có những nhà đầu tư từ nước ngoài đến để làm ăn. Khoa học công nghệ tiên tiến và văn hóa từ bên ngoài cũng từ đó mà thâm nhập vào. Mình muốn tiếp thu và làm chủ được những công nghệ hiện đại đó thì phải có chất xám, có trình độ. Nhưng điều quan trọng muốn phát triển đi lên trước nhiều luồng văn hóa du nhập thì phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa của mình và ông dẫn chứng: “Bác Hồ đã đi qua bao nhiêu nước, biết bao nhiêu nền văn hóa thế nhưng khi về nước lãnh đạo cuộc cách mạng Bác vẫn đi đôi dép cao su, vẫn chiếc áo nâu túi vải”.
Là người có nhiều tâm huyết với thế hệ trẻ, quan tâm đến thời cuộc, người đảng viên Nguyễn Văn Hữu vẫn dõi theo từng bước phát triển đi lên của tỉnh nhà cũng như của đất nước. Với thế hệ trẻ hôm nay, ông luôn là người đảng viên mẫu mực, là tấm gương sáng để con cháu noi theo.
ĐỖ TRƯỜNG