Giữ trẻ gia đình- nhà trẻ tự phát: Quản lý đang bị thả nổi?

Cập nhật: 29-11-2010 | 00:00:00

Những ngày qua, dư luận cả nước rất bất bình đối với trường hợp hành hạ trẻ của bà Trần Thị Phụng, chủ một nhóm trẻ gia đình ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An. Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội này, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Địa phương đã làm gì khi để một cơ sở giữ trẻ tư nhân khủng khiếp như vậy hoạt động và tồn tại trong suốt 10 năm qua. Kể cả trường hợp người dân tố giác và đã có đoàn kiểm tra phát hiện những sai phạm ở cơ sở giữ trẻ này. Thậm chí bà Mai Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thuận Giao còn cho biết: “Chỗ chị Phụng giữ trẻ theo dạng tự phát, chúng tôi cũng đã biết từ lâu nhưng thông cảm để chị ấy làm kiếm thêm thu nhập nuôi chồng con tật bệnh ốm đau. Nhiều lần kiểm tra trước đây, chúng tôi cũng thường nhắc nhở, tuyên truyền để chị nắm rõ về cách thức giữ trẻ, phải yêu quý các cháu, bởi “trẻ em như búp trên cành”. Chúng tôi đã tạo điều kiện hỗ trợ nhưng chị Phụng lại gây ra chuyện đau lòng đến thế!”.

Dư luận phẫn nộ với clip bạo hành trẻ em

Anh Trần Văn Khải, một người dân ở xã Thuận Giao sau khi xem vụ bà Phụng hành hạ cháu Ngân trên chương trình thời sự, đã bức xúc: “Thật quá tàn nhẫn. Tôi không thể tưởng tượng được lại có một người giữ trẻ đối xử với các bé tàn bạo như thế. Bà Võ Thị Hoàng An, Hiệu phó trường Mầm non (MN) Hoa Cúc 1, huyện Thuận An cũng nhận định: Khi xem đoạn clip này trên mạng, bản thân tôi thấy rất đau lòng và vẫn chưa hết bàng hoàng. Hành vi của bà Phụng rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em. Người làm nghề giữ trẻ đều phải được đào tạo, bồi dưỡng phương pháp nghiệp vụ, đây là điều tối thiểu cần phải có”.

  Điều kiện học tập của trẻ ở các trường công lập hơn hẳn một số trường ngoài công lậpBà Huỳnh Ngọc Sương, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường này cũng cho rằng: Đã làm nghề giữ trẻ thì phải có cái tâm và tình yêu thương đối với trẻ. Các cháu bé vốn là những đứa trẻ thơ ngây vô tội, chúng không đáng bị đối xử thô bạo như thế. Tôi nghĩ với trường hợp của bà Phụng, ngành giáo dục (GD) cần tiến hành phối hợp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện nhằm có biện pháp xử lý thích đáng đối với người đàn bà tàn nhẫn này”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Thuận An cho rằng: Trước đó, địa phương có thường xuyên kiểm tra cơ sở này và đã 2 lần góp ý, nhắc nhở. Khi kiểm tra do không có cơ sở về hành vi bạo hành trẻ em nên đoàn kiểm tra yêu cầu bà Phụng phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT về trang bị cơ sở vật chất cũng như phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện bà Phụng đánh đập trẻ em nên xã đã... quên. Tôi đã coi qua video clip này, tôi rất đau xót và thương các cháu. Qua đây, cũng có thể thấy bà Phụng là người trông trẻ không được qua đào tạo, chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức và nghiệp vụ; không hiểu được tâm sinh lý trẻ nhỏ, không có lương tâm và quá thô bạo”.

Hệ quả từ sự quá tải

Theo thống kê của ngành GD, mỗi năm trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 5.000 trẻ MN, mẫu giáo. Với số lượng trẻ tăng đến chóng mặt như thế thì trường công lập không thể đáp ứng được nhu cầu giữ trẻ, mà chỉ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Hiện tại, toàn tỉnh có 265 cơ sở GD MN công lập và ngoài công lập (NCL) được cấp phép; ngoài ra còn có 157 cơ sở NCL chưa được cấp phép, trong đó có cả nhóm trẻ gia đình. Song trên thực tế số cơ sở chưa được cấp phép còn khá nhiều mà các địa phương chưa nắm rõ, vì những cơ sở giữ trẻ dạng gia đình nằm len lỏi khắp nơi, thậm chí những người ở trọ cũng nhận giữ trẻ.

Là địa bàn có nhiều khu công nghiệp nên Thuận An, Dĩ An là những huyện tập trung đông dân nhập cư, nhu cầu học tập của con em gia tăng, trong khi đó trường lớp công lập chưa đáp ứng kịp. Đó cũng là lý do khiến mạng lưới cơ sở mầm non NCL ở những nơi này phát triển nhanh và mạnh, đã hỗ trợ ngành GD trong việc huy động trẻ ra lớp. Tuy nhiên, hiện nay số cơ sở chưa được cấp phép ở những huyện này còn cao, cụ thể như ở huyện Dĩ An có 47 cơ sở, Thuận An có 66 cơ sở chưa được cấp phép; số trẻ ở các cơ sở hầu hết đều quá tải, đặc biệt, nhiều nhóm lớp có sĩ số cao lên đến gần cả trăm cháu. Thêm nữa, các nhóm trẻ gia đình với điều kiện chăm sóc không bảo đảm là một nỗi nhức nhối của ngành. Qua điều tra cho thấy vẫn còn một số cơ sở có mặt bằng chật hẹp (từ 15 - 20m2/lớp), thiếu sân chơi và ánh sáng, không bảo đảm an toàn, không đủ giáo viên chuyên môn...

Có một thực tế, hầu hết người dân nhập cư đều là những người lao động (NLĐ) nghèo, chỉ có khả năng gửi con ở những nhóm trẻ gia đình có học phí 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Cửa vào trường công “chật hẹp” nên phụ huynh chỉ còn nước gửi con cho những nhóm trẻ gia đình kiểu này, nơi mà phần lớn cơ sở vật chất chật chội, chất lượng chăm sóc chưa bảo đảm. Một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn bị tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ lâu dài. Để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, cần sự vào cuộc kiên quyết, mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thuận An cho biết thêm: “Là một huyện có nhiều khu công nghiệp, lực lượng lao động nhập cư đông nên vào các mùa tuyển sinh MN năm trước cũng như năm nay đã vấp phải vấn đề quá tải. Vì khả năng của trường MN công lập chỉ nhận được 30 - 60% số trẻ trong độ tuổi, ngoài ra còn phải ưu tiên trẻ 5 tuổi vào học lớp lá. Tôi nghĩ, các công ty tuyển NLĐ ồ ạt vào làm việc cho mình thì cũng phải có trách nhiệm với con cái của họ. Bởi sự nghiệp bảo vệ trẻ em phải từ gia đình, từ cộng đồng chứ không thể dựa vào các cơ quan Nhà nước, các cơ quan chức năng. Trước đây, các xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất có quyền tổ chức hệ thống xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo riêng. Nhưng sau đó, chúng ta bỏ chính sách này và nhập hết về cho ngành GD quản lý. Sự quá tải về quản lý đã dẫn tới hệ lụy nhiều nhà trẻ tư nhân không phép vẫn “hồn nhiên” mở”.

Một nguyên nhân nữa khiến những nhóm trẻ gia đình không phép còn nhiều là do mức thu nhập của NLĐ còn quá thấp. Nhiều phụ huynh cố tìm những chỗ rẻ tiền để gửi con mình. Thậm chí có nhiều cơ sở thấy khó khăn quá đã thu tiền từng ngày thay vì cả tháng. Do đó, chính phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm ở đây. Đối với cơ sở giữ trẻ của bà Phụng, Phòng GD-ĐT cũng đã chỉ đạo trường mẫu giáo Hoa Mai 4, cũng nằm trên địa bàn tham mưu với xã đình chỉ hoạt động của cơ sở này. Nếu phụ huynh của các bé tại đây có nhu cầu, chúng tôi sẽ chuyển các cháu ra học tại Hoa Mai 4 để các cháu được tiếp tục theo học”.

Quản lý còn lỏng lẻo?

Theo phân cấp quản lý, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, cấp phép hoạt động cho các nhóm, lớp; UBND huyện, thị cấp phép hoạt động trường tư thục; còn ngành GD chỉ có nhiệm vụ quản lý về chuyên môn. Cụ thể là trường mẫu giáo công lập trên địa bàn có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn hoạt động chuyên môn đối với cơ sở NCL được cấp phép. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành luôn tạo điều kiện để giáo viên NCL được trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm đội ngũ này vẫn được tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn cũng như tham gia các phong trào như giáo viên các trường công lập. Với vai trò chức trách của mình, ngành GD các cấp thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở NCL, nhắc nhở, hướng dẫn để các cơ sở đủ điều kiện được cấp phép.

Trở lại vấn đề phân cấp quản lý hoạt động cơ sở MN NCL, thực tế thời gian qua một số địa phương vẫn còn thả lỏng  trong việc quản lý các cơ sở MN NCL, có nơi còn vị nể nhau nên chưa xử lý kiên quyết. Có nơi các ngành chưa có sự phối hợp tốt, cũng như chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với việc này mà trường hợp cháu bé ở xã Thuận Giao bị bạo hành là một cụ thể.

 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT NGUYỄN HỒNG SÁNG: Các khu công nghiệp nên dành quỹ đất xây trường

Qua trường hợp bé Ngân bị bà Trần Thị Phụng ở xã Thuận Giao (Thuận An) bạo hành vừa qua, tuy trách nhiệm không thuộc về ngành GD, nhưng khi xem video clip, những người làm công tác GD cảm thấy đau lòng trước sự đối xử thô bạo, không có tính người của bà Phụng. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã chia sẻ với chúng tôi về điều này cùng những giải pháp, đề xuất của ngành để hoạt động giáo dục MN NCL đi vào nề nếp.

- Bà có cảm nghĩ gì khi xem video clip bà Phụng bạo hành bé... Ngân?

- Quả thật tôi không thể nào hình dung được bà Phụng có thể đối xử thô bạo với một đứa trẻ như vậy. Bà cũng có cháu, lẽ ra bà phải thương yêu những đứa trẻ này như con cháu trong nhà, sao nỡ hành hạ trẻ một cách tàn nhẫn như thế. Đã làm công việc giữ trẻ thì mỗi cử chỉ, hành động từ việc cho bé ăn, tắm cho bé... người giữ trẻ đều phải gửi gắm yêu thương vào đây. Nhóm giữ trẻ gia đình của bà Phụng hoạt động nhưng chưa được cấp phép, bản thân bà không được đào tạo qua nghiệp vụ chuyên môn. Chuyện đau lòng xảy ra vừa qua trách nhiệm của địa phương rất lớn, nếu phát hiện từ đầu, ngăn chặn kịp thời thì sẽ không xảy ra việc bé Ngân bị bạo hành như vậy.

- Với sự bùng phát các cơ sở MN NCL như hiện nay, ngành có giải pháp gì trong việc quản lý hoạt động những cơ sở này, cũng như những đề xuất để giải quyết tình trạng quá tải ở các cơ sở MN như hiện nay?

- Là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút lao động ngoài tỉnh, kéo theo gia tăng số trẻ đến trường, nhất là ở bậc mầm non. Trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác này ở sở và các Phòng GD-ĐT còn mỏng. Vì thế, ngành mong được bổ sung thêm cán bộ quản lý MN để quản lý nhóm trẻ - trường MN NCL.

Qua đây, chúng tôi cũng mong chính quyền địa phương kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giữ trẻ gia đình; địa phương phối hợp với ngành GD, giúp người giữ trẻ có kiến thức cần thiết trong việc nuôi dạy các cháu. Nhà nước cần tăng cường hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất  trường lớp để đáp ứng nhu cầu tăng học sinh cơ học của một tỉnh công nghiệp. Nhà nước cần có nhiều chính sách phù hợp để thu hút học sinh vào học ngành MN. Đối với tỉnh khi quy hoạch khu công nghiệp nên dành quỹ đất để xây trường; đồng thời tỉnh cần chỉ đạo các công ty, xí nghiệp xây dựng trường học hoặc tổ chức giữ trẻ để NLĐ an tâm làm việc và giảm bớt quá tải ở các trường MN công lập như hiện nay.

 

N.THANH - H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên