Hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) như người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già cô đơn, bệnh nhân nghèo... có công ăn việc làm, chăm lo sức khỏe là những việc làm thiết thực từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, giúp các đối tượng BTXH vơi đi mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, sống có ích.
Có việc làm vơi đi mặc cảm
Những ngày cuối năm, đến với Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh, không khí đón tết lan tỏa khắp nơi. Các em khuyết tật phấn khởi để đón một cái tết vui sau một năm học nghề. Có được niềm vui, hạnh phúc đó cho các em là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trung tâm. Sau khi học nghề, các em xin được việc làm tại các cửa hàng, công ty hay tự tạo việc làm có thu nhập nuôi sống bản thân. Bà Đặng Thị Minh Thu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh cho biết, từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã đào tạo gần 400 em học viên là người khuyết tật. Không chỉ nghiên cứu lựa chọn nghề phù hợp, trung tâm còn liên kết tìm đầu ra cho các em. Ở đây các em không chỉ được học nghề mà còn được dạy đạo đức, được vui chơi để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, xóa đi mặc cảm số phận.
Người khuyết tật học nghề sửa chữa điện dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh
Tạo việc làm cho đối tượng BTXH, trong đó có người lớn tuổi nghèo giúp họ nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, các địa phương đã tích cực hỗ trợ để họ có điều kiện sản xuất, kinh doanh như cây con giống, vốn. Tuổi cao mà không nghỉ đó là trường hợp ông Đặng Xuân Ngàn ở xã Thanh Tuyền, Dầu Tiếng. Mặc dù ở cái tuổi 70, cái tuổi cần được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn làm việc hăng say. Hàng ngày sau chén trà hàn huyên với bạn bè, ông dành tất cả thời gian chăm sóc đàn bò của gia đình. Đàn bò 6 con do ông vay vốn mua, nhân đàn để hỗ trợ thêm cho con cháu. “Nhờ được sự quan tâm của các ngành, các cấp, địa phương nên tôi cảm thấy tuổi già của mình thật ý nghĩa”, ông Ngàn nói.
Trường hợp của ông Ngàn chỉ là một trong 16.500 người cao tuổi trong độ tuổi 60 - 70 tuổi có sức khỏe và năng lực chuyên môn đang trực tiếp lao động sản xuất. Họ không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế địa phương, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.
Đa dạng hình thức chăm lo
Không chỉ giúp các đối tượng BTXH có việc làm để giảm gánh nặng cho xã hội, hàng năm tỉnh còn trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng chăm lo cho các đối tượng người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật… Riêng năm 2017, tổng kinh phí chi cho các đối tượng BTXH khoảng 167,7 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo; trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội và chính bản thân của những người là đối tượng BTXH cũng được chú trọng với việc phát tờ rơi, pano, tuyên truyền trên loa phát thanh. Từ đó huy động được sức mạnh của toàn xã hội quan tâm, chăm lo để đối tượng BHXH có được cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn...
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với những hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, toàn diện từ việc trợ cấp thường xuyên, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ về vốn sản xuất, kinh doanh đến cách làm kinh tế từ tỉnh xuống cơ sở đã góp phần giúp các đối tượng BTXH, hộ nghèo từng bước cải thiện cuộc sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác BTXH, thời gian tới, tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của các đối tượng để có kế hoạch trợ giúp phù hợp; huy động các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tham gia ủng hộ, trợ giúp các đối tượng yếu thế nâng cao cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
TỐ TÂM