Giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng: Cần sự chung tay của gia đình và xã hội

Cập nhật: 25-06-2022 | 10:21:04

Từ ngày 1-1-2022, khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành, công tác cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc đã được toàn xã hội chung tay vì mục đích cuối cùng là giúp người cai nghiện trở về với “cuộc sống không khổ sở vì ma túy nữa” như một người cai nghiện thành công đã nói…

Quản lý từ cai nghiện cộng đồng, cai nghiện bắt buộc

Để thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh quy định một số khoản đóng góp, chế độ giảm một phần chi phí cai nghiện đối với người cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng; chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh quy định mức trợ cấp đặc thù và chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội công lập…

Về tổ chức cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy, trong năm 2021, Sở LĐ-TB&XH cũng đã thực hiện khá tốt trong công tác này. Trong năm qua đã tổ chức tiếp nhận, cắt cơn và cai nghiện cho 591 người nghiện; tổ chức dạy nghề cho 100 học viên. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, công tác tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chủ yếu là cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy theo quyết định của tòa án. Trong khi đó công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng tuy đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao, mới chỉ dừng lại ở hoạt động phối hợp thân nhân, gia đình người nghiện để tư vấn, hướng dẫn tự cai nghiện tại gia đình. Các hoạt động khác theo quy định hầu như chưa thực hiện được, nhất là việc thành lập các cơ sở cắt cơn nghiện ma túy ban đầu. Điều kiện về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn y tế làm công tác cắt cơn cai nghiện… tại các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, anh M.H (giữa), một người từng có thời gian sa vào con đường ma túy nay đã từ bỏ và có cuộc sống ổn định

Mặc dù thiếu nhân lực nhưng đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động tại cơ sở đã luôn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhiệt tình và có tâm huyết đối với công tác này. Để đáp ứng nhu cầu cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư mở rộng, nâng sức chứa lên 1.500 học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy, hiện nay đang tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công xây dựng.

Giúp người nghiện hoàn lương

Được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, công tác cai nghiện ma túy đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2021 và quý I-2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan, triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, từng bước hạn chế tệ nạn nghiện ma túy, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội và thúc đẩy nền kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để nắm tình hình cai nghiện tại cộng đồng và hỗ trợ người nghiện sau cai nghiện, chúng tôi đã đến tìm hiểu công tác này tại phường An Thạnh, TP.Thuận An. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường An Thạnh cho biết, tiền thân của Đội là Câu lạc bộ (CLB) Vì tương lai đã hoạt động hơn 20 năm. Năm 2019, đội được thành lập với 7 thành viên. Các khu phố đều có thành viên tham gia để trực tiếp nắm thông tin từ cơ sở. Hiện đội đang quản lý 11 người cai nghiện trở về với cộng đồng.

Cách làm việc của các thành viên trong đội là nắm tình hình của từng người rồi dần dà khuyên nhủ, tìm hiểu thêm thông tin từ người thân để giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng. Các thành viên của đội được kết nối qua group Zala để kịp thời thông tin 2 chiều đến lãnh đạo phường, Công an phường, từ đó có cách vận động, tuyên truyền, hỗ trợ phù hợp. Một số trường hợp đã cai nghiện thành công và làm việc ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống có thể kể đến như anh Nguyễn Hữu M.H. Anh H. kể “Sau khi hoàn thành việc cai nghiện ở trại, tôi trở về nhà bán vé số, chạy xe ôm. Mỗi khi có khách đi xe thì mẹ của tôi ra đứng bán vé số giùm tôi. Tôi muốn nói rằng các bạn trẻ đừng đi theo con đường nghiện ngập này nữa. Nó khổ sở vô cùng cho chính mình và người thân…”.

Được sự giúp đỡ của các thành viên trong Đội Công tác xã hội tình nguyện phường An Thạnh, nhiều người được xét cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có vốn làm ăn. Chị Nguyện Thị H. đã được vay vốn để mở một quán ăn sáng, bán nước giải khát. Cuộc sống dần dần ổn định trở lại đối với một con người từng lầm lạc như chị khiến chị cảm thấy rất hạnh phúc. Anh Nguyễn Thành T. từng là một con nghiện nay thoát nghiện cũng đã đi làm công nhân. Vợ anh mở một cửa hàng hoa tươi để lo cho cuộc sống. Ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, anh T. là một trong những thành viên tích cực mỗi khi cán bộ khu phố vận động tham gia lao động công ích, tham gia các công tác thiện nguyện ở địa phương…

Bà Nguyễn Từ Thiện, một thành viên của Đội Công tác xã hội tình nguyện phường An Thạnh, cho biết “Cái khó là một số người cai nghiện tại cộng đồng bất hợp tác; họ dễ tái nghiện do bạn bè rủ rê. Tuy nhiên đã tham gia công việc này thì phải chịu khó, khuyên nhủ dần dần và coi họ như người thân để giúp đỡ mới thành công trong quá trình tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện ma túy”. Trước đây bà Thiện công tác tại phường An Thạnh, sau khi nghỉ hưu, được lãnh đạo địa phương vận động, bà đã mạnh dạn tham gia vào các công tác của địa phương, trong đó có việc giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Trong thời gian tới, để việc phòng, chống ma túy hiệu quả hơn, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến về các loại ma túy cũng như nêu lên hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; chính sách, pháp luật về phòng ngừa nghiện ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng, nội dung thông tin có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng để từng bước nâng cao nhận thức của người dân về ma túy, từng bước đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi cộng đồng dân cư.

Theo số liệu thống kê, tính đến quý I-2022 toàn tỉnh có 3.408 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ là 522 người; tại các cơ sở cai nghiện ma túy là 351 người và ngoài xã hội là 2.535 người. Hiện nay người nghiện ma túy đa số là thành phần trẻ, con em gia đình khá giả, có đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, người lao động. Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=824
Quay lên trên