Hỗ trợ người tâm thần, rối nhiễu tâm trí (NTT, RNTT) là một trong những ưu tiên hàng đầu nên thời gian qua Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động. Hoạt động này không chỉ giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng mà còn hướng đến an sinh xã hội.
Người tâm thần, rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ học nghề, sớm hòa nhập cộng đồng
Vượt rào cản, hòa nhập cộng đồng
Hiện nay NTT, RNTT đang gặp rất nhiều khó khăn để sớm hòa nhập cộng đồng. Hỗ trợ họ cải thiện cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng không chỉ là mục tiêu, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể mà còn là trách nhiệm cộng đồng, xã hội. Trong những năm gần đây, nhờ có Luật Người khuyết tật, các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… nên đời sống vật chất, tinh thần của NTT, RNTT có những đổi thay đáng kể
Để chăm lo cho NTT, RNTT, tỉnh đã quan tâm nâng cấp, mở rộng và bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH). Cụ thể là Trung tâm BTXH tỉnh, Cơ sở BTXH Từ Tâm Nhân Ái… nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc và phục hồi chức năng tốt hơn. Từ việc nâng cấp, mở rộng những cơ sở này đã góp phần giúp NTT từng bước hòa nhập cộng đồng. Song song đó, tỉnh cũng đã chủ động tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh, cho biết: “Dạy nghề cho người khuyết tật, đặc biệt là NTT, RNTT là một việc làm thiết thực có ý nghĩa sâu sắc, giúp họ có được một nghề để có thể tự kiếm sống, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Ở đây, ngoài việc học nghề, NTT, RNTT còn được tham gia học lớp xóa mù chữ, tổ chức các lớp dạy văn hóa, giáo dục đạo đức lối sống đến từng học viên, giúp họ am hiểu về luật pháp và tự rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống”.
Quan tâm, chăm lo
Trong những năm qua, Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch để giúp NTT, RNTT được quan tâm, chăm lo để nhanh chóng phục hồi, hòa nhập cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.500 người tâm thần với hai nhóm bệnh là NTT phân liệt và người rối loạn tâm thần. Cuộc sống của NTT, RNTT còn gặp khó khăn về vật chất và tinh thần. Người bị tâm thần chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình, họ hàng và trợ cấp xã hội hàng tháng. Việc đi lại, giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Bảo Thanh, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh, cho biết: “Bệnh tâm thần chủ yếu rơi vào các dạng bệnh như: Rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt, tâm thần nặng chưa xác định dạng bệnh. Hành vi thể hiện những thường đập phá, đánh người, đi lang thang, không biểu hiện cảm xúc… Vì vậy hoạt động trợ giúp phục hồi chức năng cho NTT, RNTT là nhu cầu hết sức cần thiết đối với bản thân người bệnh”.
Trên thực tế hiện nay, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh số người bị NTT, RNTT ngày càng tăng. Hoạt động chăm sóc, điều trị và cơ sở vật chất có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Để khắc phục hạn chế này, ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Sở sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, RNTT trí dựa vào cộng đồng. Xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trợ giúp xã hội nhằm phục hồi chức năng cho họ”.
KIM HÀ