Sau gần một tháng hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ yếu thế, giúp họ vươn lên mạnh mẽ hơn trước những khó khăn…
Những buổi tuyên truyền, trang bị kỹ năng về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình cho cán bộ Hội LHPN luôn sôi nổi với các câu hỏi từ thực tế hết sức sinh động
Mạnh mẽ đối diện khó khăn
Chúng tôi được tham dự một số buổi tuyên truyền về bình đẳng giới từ cấp tỉnh đến cơ sở và nhận thấy đây là những buổi chuyện trò, trao đổi hết sức ý nghĩa. Ở đó, nhiều chị em đang rất cần tìm hiểu những kiến thức, khái niệm quan trọng nhất về hôn nhân gia đình, bạo lực, bạo hành, bình đẳng giới để tự trang bị cho mình “hành trang” vượt qua những gập ghềnh trong cuộc sống… Qua trao đổi với khách mời, có những nút thắt được tháo gỡ để các chị nhận diện rõ, gọi tên đúng hơn về bạo lực gia đình, các loại bạo lực khác như bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục...
Theo luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, chị đã tham gia khoảng 50 cuộc tuyên truyền trực tiếp về nội dung bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, chị nhận thấy tư vấn như vậy vẫn chưa kịp thời, rất cần sự phối hợp của Hội LHPN và các cơ quan chức năng, có thể kết hợp với đoàn luật sư, cần có một đường dây nóng để tư vấn chia sẻ và xử lý kịp thời vì có những dạng bạo hành mà phụ nữ không thể hoặc không kịp đến trình báo chính quyền địa phương. |
Chị Th., một người mà P.V có dịp gặp và trao đổi đã được nghe chị trải lòng về trường hợp của mình. Gần 30 năm lấy chồng, chị bị bạo lực về kinh tế một cách nặng nề mà không hề hay biết. Cụ thể là mọi khoản tiền trong nhà đều do chồng nắm giữ và phát tiền cho chị đi chợ hàng ngày. Không có thu nhập thường xuyên nên chị trở thành người yếu thế trong gia đình. Khi không có tiền đi chợ mua đồ ăn ngon cũng bị chồng hoạnh họe, nặng hơn là cãi nhau, đánh đập. Đỉnh điểm là lúc chị bị bệnh phải nhập viện và “xin” tiền chồng, anh chồng không những không cho mà còn mắng chửi chị thậm tệ. Rất may cho chị là có cô con gái hiếu thảo đã đi làm giúp đỡ tiền cho mẹ đi khám, chữa bệnh. Cũng chính con gái chị hướng dẫn mẹ đến với tổ chức Hội LHPN xã nhờ người hướng dẫn cho chị biết cách làm ăn và chi tiêu, biết tiết kiệm, lo cho bản thân nên chị dần dần thoát khỏi khó khăn…
Nhiều trường hợp yếu thế khác như chị S., chị V. là nạn nhân của bạo lực thể chất, tình dục nhưng họ nói chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” bởi nói ra thì “xấu chàng hổ ai” và ảnh hưởng tới con cái. Họ âm thầm chịu đựng ngày lại tháng qua như thế cho đến khi được tiếp cận với kiến thức pháp luật, biết những hành vi sai trái của chồng, biết mình đã yếu thế như thế nào trong chính ngôi nhà của mình, các chị mới mạnh mẽ đối diện và lên tiếng.
Trao đổi về vấn đề tuyên truyền bình đẳng giới, luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Công ty Luật B.C.M, Hòa giải viên Tòa án nhân dân TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Qua tham gia tuyên truyền bình đẳng giới cho chị em tôi nhận thấy các chị rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên mọi người mới chỉ dừng lại ở bình đẳng giới trong mối quan hệ gia đình mà chưa nắm rõ về bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác, như: Giáo dục, lao động nên nhiều chị chưa nắm bắt được vai trò, vị thế của mình trong xã hội, chưa đột phá trong công việc cũng như các hoạt động xã hội”.
Chính vì thế trong Tháng hành động bình đẳng giới, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tuyên truyền nội dung này đến tận các xóm, ấp, xã, phường. Các chị ở cơ sở rất hào hứng tham dự và có những chia sẻ thiết thực cũng như những đề xuất để nâng cao vai trò bình đẳng giới đối với phụ nữ nói riêng và pháp luật về bình đẳng giới nói chung.
Cùng vào cuộc giúp người yếu thế
Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Thuận An, cho biết Thuận An là địa bàn có rất đông lao động nữ nên việc hỗ trợ về pháp lý là rất cần thiết, tuy nhiên các chị trong chi hội nữ nhà trọ chủ yếu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ ở cơ sở để kịp thời giúp đỡ những trường hợp thật sự cần thiết.
Về công tác tuyên truyền, Hội LHPN TP.Thuận An đã vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động phòng chống mua bán người, Ngày pháp luật, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới (từ ngày 15-11 đến 15-12), nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới... Hội thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, đặc biệt quan tâm tổ chức tại các khu nhà trọ đông công nhân nữ...
Theo bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 rộng khắp đến 9 huyện, thị, thành hội, Hội Phụ nữ Quân sự, Hội Phụ nữ Công an tỉnh.
“Theo đánh giá sơ bộ, các cơ sở hội đã tổ chức nhiều hoạt động, tạo nên chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đằng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, bà Huỳnh Thị Thúy Phương cho biết. Không chỉ trong Tháng hành động này mà các cấp hội sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ của hội phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và triển khai các hoạt động thiết thực; tăng cường tuyên truyền trực tiếp đến phụ nữ về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người; giúp đỡ tạo việc làm cho phụ nữ được đặc xá, phụ nữ được tha tù trước thời hạn trở về tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống. Các hoạt động sẽ chú ý đến phụ nữ yếu thế để giúp đỡ các chị kịp thời hơn nữa…
Chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, trong năm 2022, Tòa án nhân dân 2 cấp đã giải quyết hơn 5.800 vụ việc trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nhiều nhất là yêu cầu ly hôn. Nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn vợ chồng về quan điểm, lối sống. Để hạn chế các vụ ly hôn, thời gian qua các cơ quan chức năng rất chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở. Nếu công tác này làm tốt, những vấn đề mới manh nha phát sinh sẽ được nắm bắt, phát hiện kịp thời và có hướng tháo gỡ. Muốn làm tốt công tác này thì việc trang bị kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là kiến thức về bình đẳng giới phải được chú trọng. Vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho gần 100 học viên là báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ Hội LHPN các cấp. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp kỹ năng tuyên truyền, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tìm hiểu về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân - Gia đình… để xử lý các tình huống phát sinh từ cơ sở. Theo các học viên, đây là một trong những hoạt động thiết thực cần được duy trì thường xuyên. |
QUỲNH NHƯ