Giúp trẻ hình thành kỹ năng tự phục vụ

Cập nhật: 22-01-2024 | 08:55:56

Bên cạnh thực hiện công tác dạy và học, việc chăm lo bữa ăn bán trú cho các em học sinh luôn là vấn đề được nhiều trường học quan tâm hàng đầu. Không chỉ bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, an toàn, bữa ăn bán trú còn là dịp để các em rèn luyện nhiều kỹ năng sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 Bữa ăn hạnh phúc của cô và trò trường Mầm non Tuổi Xanh

 Bữa ăn hạnh phúc, vui vẻ

Hưởng ứng phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, ngay từ đầu năm học, trường Mầm non Tuổi Xanh (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) đã triển khai nhiều mô hình hay, trong đó nổi bật nhất là “Bữa ăn hạnh phúc” nhằm tạo không khí vui tươi để trẻ ăn ngon miệng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô Nguyễn Mỹ Duyên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2023-2024, trường có 306 trẻ/10 nhóm lớp. Bám sát chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Phòng GD&ĐT thành phố, bên cạnh giúp trẻ phát triển nhận thức và phát triển thể lực, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai thực hiện cho trẻ từ khối chồi tới khối lá tự phục vụ bữa ăn trưa nhằm tạo nề nếp, thói quen trong sinh hoạt.

Theo đó, trong bữa ăn, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, trẻ tự lấy và xếp ghế vào bàn đúng theo vị trí ngồi của mình; tự xếp khăn lau tay, xếp đĩa đựng thức ăn rơi, xếp muỗng vào đĩa; xếp hàng trật tự đợi đến lượt lấy thức ăn; chỉ ăn tại bàn, không đi lung tung, tự lấy ca và uống sữa tại bàn. Bữa ăn trưa của trường Mầm non Tuổi Xanh sẽ được luân phiên theo 3 hình thức: Ăn theo khay, bữa ăn gia đình ăn theo mâm và tiệc buffet.

“Rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho bé là một trong những nội dung chính của việc thực hiện đổi mới chương trình giảng dạy của nhà trường trong mấy năm gần đây theo chủ trương của ngành. Nếu trước đây, có những việc giáo viên phải làm thay trẻ thì bây giờ các cô dạy trẻ biết làm những công việc đơn giản, nhẹ nhàng mà mục đích trước hết là tự phục vụ bản thân. Từ khi thực hiện mô hình này, trẻ rất hào hứng và vui vẻ khi bước vào bữa ăn…”, cô Duyên chia sẻ thêm.

Để tổ chức bữa ăn hạnh phúc, ngoài việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ từ khâu chế biến bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, phong phú về thực đơn, các cô còn phải tạo tâm lý thoải mái, vui tươi cho trẻ khi ăn. Trước đây, trong giờ ăn, cô giáo thường là người làm tất cả công việc: Bới cơm, chia thức ăn, bố trí chỗ ngồi… cho từng trẻ, giờ đây khi thực hiện mô hình bữa ăn hạnh phúc, trẻ biết tự giác đến nhận phần ăn của mình, tự lựa chọn chỗ ngồi mà mình thích, giáo viên chỉ đứng quan sát, hỗ trợ.

Giáo dục từ những bữa ăn

Năm học 2023-2024 là năm thứ 5 Bình Dương thực hiện mô hình bữa ăn tự phục vụ ở cấp tiểu học. Mô hình là một trong những điểm sáng của công tác bán trú, góp phần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Không chỉ là thời gian nghỉ ngơi nạp năng lượng, giờ ăn trưa là một tiết học về dinh dưỡng, về giá trị của thực phẩm và hình thành thói quen tự lập cho các em học sinh.

Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 10 giờ 30 phút, các em học sinh trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP.Thuận An) kết thúc giờ học buổi sáng, đây cũng là thời gian chuẩn bị bữa ăn trưa cho các em. Các em học sinh, kể cả lớp 1, đều tự giác rửa tay trước khi ăn, tự lấy cơm, canh, đồ xào, thịt, trái cây, đến khu vực ngồi ăn một cách nghiêm túc và trật tự. Em Nguyễn Ngọc Hải Yến chia sẻ: “Trước giờ ăn, con đều được cô giáo chủ nhiệm giáo dục về bữa ăn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe để học tập tốt hơn. Sau đó con sẽ được tự mình đi lấy cơm, canh và đồ mặn theo khả năng ăn của mình. Con rất vui khi có thể tự lấy được phần ăn của mình”.

Cô Hồ Thị Diệp Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh, cho biết ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, những năm qua, nhà trường còn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Đối với bữa ăn tự phục vụ, mỗi học sinh sẽ có một suất cơm theo đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng, hạn chế đi lại, trò chuyện. Các em cũng được rèn ý thức tự giác ăn hết cơm và thức ăn trong khay. Thông qua bữa ăn tự phục vụ này, nhà trường cũng mong muốn giáo dục cho các em kỹ năng tự chăm sóc bản thân, biết tiết kiệm, quý trọng sức lao động.

Bữa ăn tự phục vụ đã giúp học sinh có thêm kỹ năng trong cuộc sống, ngoan ngoãn và hiểu được những quy tắc cơ bản trong một bữa cơm. Nhìn hình ảnh các em tự giác làm mọi việc như thế, có lẽ các bậc phụ huynh đều sẽ cảm thấy vui và an tâm mỗi khi đưa con đến trường.

 “Bình Dương bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình Bữa ăn tự phục vụ từ năm học 2015-2016 tại một số trường tiểu học. Đến năm học 2020-2021, mô hình được công nhận chuyên đề cấp tỉnh và triển khai đại trà tới tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học. Đến nay, 139 trường tiểu học có tổ chức bán trú đã triển khai mô hình, đạt tỷ lệ 100%. Còn đối với bậc mầm non, mô hình được triển khai từ năm ngoái cho trẻ khối lớp lá, năm nay tiếp tục triển khai cho khối chồi và mầm với mục đích giáo dục trẻ các kỹ năng tự phục vụ, như: Xếp bàn ăn, khăn ăn, muỗng, tự xếp hàng chờ cô múc thức ăn cho rồi bưng về chỗ ăn, tự dẹp chén, muỗng…”.

(Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở GD&ĐT)

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1614
Quay lên trên
X