Đánh giá từ cơ quan chức năng, việc nuôi chó thả rông trong khu dân cư hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như vật nuôi cắn người, gây tai nạn cho người đi đường, phóng uế gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, hiện nay việc bắt và xử lý chó thả rông tại nhiều địa phương đang “tắc”.
Khó xử lý
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y (gọi tắt là Trạm Thú y) TP.Thủ Dầu Một, cho biết hiện đơn vị đang quản lý tổng đàn chó trên địa bàn thành phố là gần 10.500 con, trong đó đã tiêm phòng ngừa dại hơn 10.000 con, đạt hơn 96%. Thời gian qua, cán bộ thú y các phường cũng thường xuyên đến tận hộ gia đình để tuyên truyền quy định, mức phạt về việc thả rông chó ra đường. Song song đó là vận động người dân cung cấp video, hình ảnh để có cơ sở “phạt nguội”.
Cán bộ thú y tiêm ngừa phòng bệnh dại trên vật nuôi
Cũng theo ông Nguyễn Minh Đức, hiện 14 phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một chưa tổ chức bắt chó thả rông. Nguyên nhân là còn vướng nhiều thủ tục như chưa có kinh phí chi trả cho lực lượng đi bắt chó; khi bắt về sau 48 giờ chủ vật nuôi không đến nhận thì phải đưa đến các trung tâm nghiên cứu khoa học (Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh), tuy nhiên hiện nay các trung tâm đều không nhận. Khi không có nơi nhận vật nuôi thì phải có người chăm sóc, cho ăn, vệ sinh và chuồng trại nên chiếm khoản phí lớn, trong khi nguồn kinh phí bố trí cho việc này không có.
Để hạn chế việc chó thả rông, Trạm Thú y TP.Thủ Dầu Một đã phổ biến quy định đến thú y các phường và cho các hộ nuôi chó, mèo ký cam kết, đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm, xích chó và có người dắt. Nuôi chó phải bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường.
“Qua nắm tình hình, vẫn còn nhiều hộ chưa chấp hành. Sắp tới thú y phường sẽ phối hợp cùng lực lượng liên quan nhắc nhở những trường hợp này và có biện pháp “mạnh tay” nếu không chấp hành”, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng trạm Thú y TP.Thủ Dầu Một, cho biết.
Trong khi đó theo ông Trần Thanh Phong, Trưởng trạm Thú y TP.Tân Uyên, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 6.100 con chó; trong đó đã tiêm ngừa gần 5.500 con chiếm 90%. Qua báo cáo có 2 phường Phú Chánh và phường Khánh Bình tổ chức “phạt nguội” các trường hợp người dân phản ánh việc chó thả rông, phóng uế gây mất vệ sinh. Các phường còn lại chỉ nhắc nhở chứ chưa tổ chức bắt chó thả rông vì gặp vướng trong khâu xử lý từ chuồng trại để nhốt, thức ăn cho chó và chi phí chi trả cho đội ngũ thực hiện công việc này.
Theo phản ánh của nhiều địa phương, hiện nay khó khăn lớn nhất là trung tâm nghiên cứu từ chối tiếp nhận vì số lượng chó cần phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học cũng giới hạn. Hiện các trạm thú ý tập trung triển khai quy định, mức phạt cho chủ thả rông chó, không tiêm ngừa… Quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/ NĐ-CP của Chính phủ, chủ vật nuôi không thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại theo quy định bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Chủ vật nuôi không đeo rọ mõm cho chó, hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Cần có giải pháp đồng bộ Qua các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri có ý kiến về công tác quản lý chó thả rông. Theo đó hiện nay công tác này còn nhiều khó khăn bất cập, nghiệp vụ bắt chó của những thành viên trong đội còn hạn chế; không có kinh phí cho việc thành lập, hoạt động và duy trì tổ bắt chó thả rông. Bên cạnh đó, địa phương còn phải có nơi nuôi nhốt, cho ăn sau khi bắt về trong thời gian chờ xử lý nhưng kinh phí thực hiện thì chưa được quy định. Trước tình trạng trên, cử tri kiến nghị ngành chức năng có văn bản hướng dẫn cũng như giải pháp để triển khai, giải quyết đồng bộ vấn đề trên. |
Tăng cường tuyên truyền, tiêm ngừa cho vật nuôi
Qua trao đổi với P.V, đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, chi cục đã thực hiện tuyên truyền và tổ chức lễ mít tinh phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện Công điện số 58/CĐ-TTg, ngày 16-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tập trung tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo Công văn số 2560/BNN-TY ngày 9-4-2024.
Cũng theo đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, tổng đàn chó mèo hiện có là 62.673 con, đã tiêm phòng bệnh dại được 58.622 con, đạt 93,5%. Thời gian tới, cơ quan thú y tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền về phòng chống bệnh dại, bệnh cúm gia cầm. Chỉ đạo các trạm thú y cử cán bộ đến các hộ gia đình có vật nuôi tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; đồng thời bảo đảm đủ nguồn cung ứng vắc xin cho công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng.
Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 24-7-2023 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo kế hoạch thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022- 2030”, UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung); bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê, trong giai đoạn năm 2023-2025; từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026-2030. Tăng cường giám sát bệnh dại trên động vật với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư. Kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế khi có các ca bệnh dại trên đàn chó, mèo và báo cáo chính xác số liệu bệnh dại trên hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Thú y. |
PHƯƠNG QUỲNH