Phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) được coi là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp (DN) phát triển và nâng cao năng suất. Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KHCN của Chính phủ ban hành đã có hiệu lực nhưng ghi nhận cho thấy việc triển khai còn nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề về vốn, thuế, chuyển giao công nghệ (CGCN)…
Chính sách vay vốn ưu đãi cần thông thoáng hơn
Trên cơ sở Nghị quyết 20- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đến nay đã có nhiều chính sách, cơ chế mới được Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm tạo điều kiện cho DN đầu tư KHCN để đổi mới sản xuất.
Tuy nhiên, theo các DN, mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ còn không ít vướng mắc, bất cập. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược (TX. Tân Uyên), cho biết các chính sách liên quan đến nghiên cứu KHCN của DN đã được ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc đối với DN đầu tư KHCN trước khi các chính sách có hiệu lực như việc giảm thuế, truy thu thuế được miễn giảm.
Việc phát triển thị trường KHCN sẽ giúp các DN lựa chọn công nghệ phù hợp với sản xuất và góp phần thúc đẩy CGCN. Trong ảnh: Một gian trưng bày thiết bị máy móc tại Hội chợ thiết bị sản xuất ngành gỗ tổ chức tại Bình Dương vừa qua. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Bên cạnh đó, việc thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN cũng còn nhiều vướng mắc. Lãnh đạo nhiều DN cho rằng, việc trích lập, sử dụng quỹ còn quá nhiều điều khoản ràng buộc, với các thông tư, văn bản hướng dẫn, dẫn đến sự chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát với thực tế.
Ngoài ra, việc DN cần thêm các nguồn vốn để mở rộng sản xuất cũng còn gặp khó. Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường Caxe (TX.Dĩ An), cho hay công ty đã được vay vốn từ nguồn vốn ủy thác từ Quỹ Đầu tư Phát triển của tỉnh với thời hạn 1 năm, lãi suất 0%. Với nguồn vốn này đã giúp Caxe có điều kiện nghiên cứu, cải tiến KHCN cho việc sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại Caxe muốn mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ mới thì tài sản bảo đảm không đủ để vay. Cái khó nữa là công ty phải chứng minh được tính hiệu quả của dự án trong thực tiễn mới được xét duyệt.
Theo ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh, đối với các vấn đề liên quan về thuế khi thành lập và chi Quỹ phát triển KHCN của DN cũng như mức tính thuế khi quỹ chưa được sử dụng hết đã có quy định. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh sẽ có hướng dẫn, giải thích cụ thể cho DN và có phương án giải quyết phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của DN cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Phát triển thị trường CGCN phù hợp
Theo đánh giá sơ bộ của ngành KHCN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh, thị trường CGCN chưa phát triển mạnh; việc CGCN chủ yếu tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài qua hình thức công ty mẹ CGCN cho công ty con.
Ghi nhận cho thấy, việc CGCN tại các DN trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng đang gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, ngoài việc các DN vẫn chưa có thói quen cũng như chưa đánh giá đầy đủ vai trò của đầu tư phát triển công nghệ trong chiến lược phát triển bền vững, lâu dài, vấn đề thiếu vốn, thủ tục hành chính phức tạp cũng là trở ngại để DN thực hiện CGCN. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, chia sẻ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất Minh Long I đã tự tìm kiếm công nghệ sản xuất và đầu tư hàng triệu USD để nhập những hệ thống máy móc sản xuất hiện đại từ các nước có nền khoa học tiên tiến.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho biết theo Luật CGCN 2017, đối với phát triển thị trường KHCN, luật đã bổ sung các quy định mở đường cho phát triển nguồn cung - cầu công nghệ; mua sáng chế, sáng kiến được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho DN, cộng đồng. Các DN nên nắm rõ những ưu đãi về NCKH-PTCN cũng như các chế tài trong việc CGCN theo quy định của Luật CGCN 2017 để tăng cường chuyển đổi công nghệ sản xuất cũng như hạn chế việc chuyển giao các công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các DN cần chú ý đến việc CGCN trong nước có sử dụng vốn Nhà nước hoặc ngân sách Nhà nước.
Ông Trần Ngọc Hậu, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN), khẳng định áp dụng Luật CGCN 2017, DN được sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu NCKH-PTCN. Chính quy định này đã tạo điều kiện giúp các DN mở rộng nội dung chi của quỹ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cho hoạt động NCKH-PTCN của DN. |
HOÀNG PHẠM