Gỗ Việt gồng mình vượt “bão”!

Thứ sáu, ngày 28/10/2011

Bài 1: “Thua ngay trên sân nhà”!

Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh vừa có chuyến khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu tại Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) và Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, kịp thời ban hành, sửa đổi chính sách, kiến nghị cấp trên điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, góp phần cùng doanh nghiệp (DN) “vượt bão”, trong đó nổi lên các vấn đề nóng bỏng gồm “chuyển giá” của DN FDI và tình hình “chảy máu” nguyên liệu, dịch chuyển lao động, đã khiến DN Việt bị thua ngay trên sân nhà! Với mặt bằng lãi suất như hiện nay thì yêu cầu hiện đại hóa ngành gỗ sẽ khó thành hiện thực vì không có máy móc nào có tỷ lệ khấu hao từ 17 - 19%/năm được! Trong ảnh: Các học viên Nam Phi tại nhà máy gỗ Trường Thành

 “Chảy máu” nguyên liệu

Đại diện Bifa dẫn nguồn từ số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước đến hết tháng 8 năm 2011 là 2,48 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì kim ngạch xuất khẩu chung có tăng, nhưng nếu xác định chủng loại, mặt hàng đã qua tinh chế, thành phẩm có hàm lượng kỹ thuật lao động cao thì chỉ đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2% so cùng kỳ. Mức tăng này cũng thấp hơn mức tăng giá bán trên thị trường bình quân năm qua là 8%. Như vậy ngành chế biến gỗ Việt Nam đang giảm mạnh về sản lượng.

Trong số 2,48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ của 8 tháng qua thì lượng gỗ hàng hóa đã qua chế biến chỉ chiếm hơn 50%. 50% còn lại được xuất khẩu dưới dạng gỗ dăm, gỗ mảnh để làm nguyên liệu giấy xuất khẩu sang đảo Hải Nam (Trung Quốc), kế đến là Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc; gỗ xẻ bán thành phẩm như ván ghép thanh xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ; gỗ tròn nhập khẩu từ Lào tiếp tục được tái xuất đến các thị trường trên... Nguyên nhân của việc “chảy máu” nguyên liệu là do: “Dù đơn hàng đến với DN rất nhiều nhưng lãi suất ngân hàng quá cao từ 17 - 19%/năm; lạm phát vẫn còn tiếp diễn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đến 23% trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng 8%. Giá nguyên liệu thô từ 90 - 100 USD/tấn đã tăng lên 120 - 130 USD/tấn nên nhiều DN đã chọn giải pháp “bảo toàn lực lượng” hoặc “án binh bất động” bằng cách bán nguyên liệu để hưởng lãi trực triếp vừa lấy tiền “tươi”, vừa không phải trả lương công nhân và không lo hao phí sản xuất...

Ưu thế nghiêng về DN FDI

Theo Bifa thì trong số khoảng 2.500 DN chế biến, xuất khẩu gỗ trên cả nước, cho đến nay đã có 55% DN bị lỗ, trong đó số lượng DN “bỏ cuộc” chiếm tỷ lệ khá lớn! Số còn lại phải cầm cự để tái cơ cấu và... chờ thời! 30% DN sản xuất hòa vốn và 10% có lãi.

Trong số 10% có lãi đó thì DN FDI chiếm đến 58% về số lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu và hoàn toàn không có chuyện lỗ hoặc hòa vốn đối với khu vực DN này? Bởi vì DN FDI đang giữ lợi thế rất vững chắc so với DN trong nước là lãi vay ở nước sở tại cao nhất chỉ 3 - 3,5%/năm. Trong khi DN trong nước phải trả từ 17 - 19%/năm. Chưa kể DN FDI phần lớn nằm trong hệ thống tập đoàn, công ty mẹ - công ty con, nên dễ dàng thực hiện các kỹ xảo khác là chuyển vốn, chuyển giá để tăng “lợi nhuận” bất minh; tận dụng lợi thế xuất xứ hàng hóa (C/O) để xuất khẩu đi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Vì hiện nay sản phẩm gỗ của Trung Quốc đang bị đánh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ và bị dè dặt “lựa chọn” tại thị trường châu Âu do nhiều vấn đề. Việc chuyển vốn, chuyển giá còn “giúp” DN “né” được thuế thu nhập DN và “lách” thêm nhiều nghĩa vụ khác với Nhà nước. Nên trong số Top 20 DN dẫn đầu ngành gỗ cả nước thì hết 70% là DN FDI và các DN này đều có mức tăng trưởng trên 30%. Còn DN trong nước “đã non về tuổi tác lại yếu về thế lực, nguồn vốn, nên đã... thua ngay trên sân nhà”.

Dịch chuyển lao động vì cạnh tranh không cân sức

Chủ tịch Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, ông Võ Trường Thành cho biết: “Trường Thành là DN chế biến gỗ có vốn trong nước duy nhất hiện nay phát triển doanh số và lãi sau thuế trên 20 tỷ đồng. Con số này so với cổ đông hiện hữu sẽ không là bao. Nếu không sớm xoay chuyển được tình hình thì chiếc ghế chủ tịch tập đoàn sẽ bị cổ đông giao cho người khác”! Trước năm 2007, Trường Thành có khoảng 5.000 lao động thì nay tăng lên 6.500 người, trong đó các nhà máy ở Bình Dương thu hút trên 3.000 người, vì ngành gỗ là ngành sử dụng nhiều lao động phải qua đào tạo.

Ngoài lý do chủ quan là bất lợi về vốn, tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận cộng với nguyên nhân khách quan là tăng lương cơ bản từ ngày 1-10 mà một bộ phận lớn lao động ngành gỗ, trong đó có nhân sự cấp cao đã dịch chuyển mạnh từ khu vực DN có vốn trong nước sang DN FDI. “Dù đã có luật với rất nhiều quy định rõ ràng, cụ thể, nhưng thực tế từ trước đến nay chỉ có người lao động đi kiện DN chứ chưa có DN nào kiện người lao động do bội ước, không làm đúng hợp đồng! Trường Thành cũng tự hào là từ khi thành lập đến giờ chưa xảy ra đình công, nhưng vấn đề dịch chuyển lao động như hiện nay cần phải được lên tiếng để các cơ quan chức năng quan tâm, có hướng hỗ trợ, giúp đỡ”. Ông Thành trần tình. Nguyên nhân của dịch chuyển này là do sự cạnh tranh không cân sức đã kéo dài, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không kịp thời có những điều chỉnh hợp lý sẽ khiến DN trong nước mất đi cơ hội, lợi thế cạnh tranh mà Chính phủ đã kiên trì đấu tranh, đàm phán quốc tế, tạo điều kiện cho cộng đồng DN nước nhà hội nhập và phát triển.

-Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Đỗ Thị Kim Loan:

Phải xem nguyên liệu là “tài nguyên quốc gia”

Nguyên nhân của việc “chảy máu nguyên liệu” là do DN không xây dựng được hoặc vì quyền lợi trước mắt mà không thực hiện quy trình sản xuất dài hạn, nên dẫn đến tình trạng chụp giật, tranh mua tranh bán nguồn nguyên liệu. Trong khi đó có nguyên liệu thì nhà máy mới hoạt động, công nhân mới có việc làm...

Trong số nguyên liệu bị đem bán thô có cả nguyên liệu gỗ cao su. Nguyên liệu này chỉ riêng Việt Nam mới có vì vậy cần xem nguyên liệu là “tài nguyên quốc gia”, nếu bán thì phải chịu thuế suất cao, nhằm bảo vệ lâu dài nguồn tài nguyên.

- Giám đốc Công ty gỗ Hiệp Long, TX.Thuận An:

Bộ máy càng lớn càng khó xoay trở

Rõ ràng tình hình thị trường như hiện nay thì mọi dự đoán đều có thể không chính xác! DN càng lớn càng khó xoay trở một khi diễn biến thực tế không đúng với kế hoạch đề ra. Một năm trung bình có 4 chu kỳ sản xuất, mỗi chu kỳ là 3 tháng. Nếu lấy lãi suất trung bình là 20%/năm thì mỗi chu kỳ sản xuất DN phải trả lãi ngân hàng hết 5%/chu kỳ, chưa kể chi phí sản xuất, lương công nhân... trong khi lãi của ngành gỗ cũng chừng 5% thì càng làm càng khổ nếu không thay đổi.

 

Bài 2:Tinh thần doanh nhân Việt

DUY CHÍ