Góc nhìn của bạn đọc về tỷ lệ ly hôn gia tăng

Cập nhật: 04-01-2018 | 13:58:06

Vừa qua, Báo Bình Dương có bài viết phản ánh về thực trạng tỷ lệ ly hôn trong tỉnh trong năm 2017 gia tăng. Bên cạnh việc báo động về tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng, độ tuổi các đương sự gửi đơn ngày càng trẻ thì vấn đề bạo lực gia đình cũng là thực trạng đáng lo ngại. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số bạn đọc về vấn đề này.

Luật sư Hoàng Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:

Nên suy nghĩ thật thấu đáo khi có quyết định ly hôn

Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến ly hôn như: Tính tình không hòa hợp từ cách cư xử đến cách dạy con, kinh tế khó khăn... nhưng đáng kể nhất là lỗi của một bên. Thường thấy là lỗi của phía chồng như: Bạo hành, nhậu nhẹt, không chung thủy hoặc phá tán tài sản. Trong các án ly hôn, tài sản là một yếu tố quan trọng để dẫn đến quyết định ly hôn hoặc không ly hôn. Có một số đương sự nữ, khi cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc, không được chồng quan tâm, bị bạo hành thường xuyên nhưng vẫn chịu đựng vì “Không biết khi chia tay thì làm sao sống độc lập được”. Có những người lại quyết tâm ly hôn để được xác định phần tài sản và được tự do sử dụng, định đoạt phần tài sản của mình. Có người lại coi việc ly hôn, phân chia tài sản là cách bảo quản phần tài sản còn lại của gia đình.

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã đưa yếu tố lỗi vào làm căn cứ trong việc phân chia tài sản chung của vợ chồng. Tôi nghĩ quy định này ra đời để bảo đảm tính công bằng trong việc phân chia tài sản chứ không ngăn chặn được việc ly hôn.

Có thể trong suy nghĩ của các cặp vợ chồng khi cơm không lành, canh không ngọt thì ly hôn là sự giải thoát. Do thủ tục ly hôn ngày nay không phức tạp, trừ những cặp đôi có tài sản, giấy tờ sở hữu chưa rõ ràng. Sau ly hôn vẫn dễ dàng tái hợp. Tóm lại, theo tôi, các cặp vợ chồng nên suy nghĩ thật thấu đáo khi có quyết định ly hôn. Bởi khi ly hôn người phụ nữ và các con bao giờ cũng phải gánh chịu hậu quả nhiều hơn. Có khi đó là dấu ấn hằn sâu trong tâm trí đứa trẻ suốt cả cuộc đời.

Luật sư Nguyễn Thị Diễm Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh:

Cần tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống gia đình

Thông thường, nguyên nhân xảy ra hạnh phúc gia đình bị rạn nứt, đổ vỡ, chủ yếu phần lớn là do mâu thuẫn gia đình, kinh tế khó khăn, ngoại tình, bạo hành đánh đập vợ con và các loại tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn, xung đột làm rạn nứt tổ ấm.

Dù có nguyên nhân nào đi nữa thì người gánh chịu hậu quả thua thiệt phần lớn vẫn là chị em phụ nữ. Một khi mâu thuẫn âm ỉ kéo dài không được chia sẻ, giải bày để tìm hướng tháo gỡ, giải tỏa thì đến một lúc nào đó xung đột bộc phát dẫn đến hậu quả khôn lường, đáng tiếc cho gia đình và xã hội.

Để xây dựng mối quan hệ hôn nhân bền vững, hạn chế tình trạng ly hôn, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau: Bản thân các cặp vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng trẻ cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong xây dựng mối quan hệ hôn nhân, gia đình. Các ngành, các cấp địa phương thông qua họp tổ dân phố, họp chi đoàn, sinh hoạt chi bộ, họp hội phụ nữ cần tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống vợ chồng, đời sống gia đình, về các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc về hôn nhân, chú trọng vào những đối tượng có nhận thức thấp, vào địa bàn có tỷ lệ ly hôn cao. Thường xuyên mở các hội thảo, buổi thảo luận về kỹ năng sống, kỹ năng tiền hôn nhân cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng trẻ, cho những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Chính quyền cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác hòa giải, phát triển các hình thức tổ hòa giải để kịp thời hòa giải những mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong gia đình không trở thành mâu thuẫn trầm trọng, để các cặp vợ chồng muốn ly hôn có cơ hội đoàn tụ, cùng nhau xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái.

Ths. Luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương:

Cần có những hành động thiết thực để kéo giảm bạo lực gia đình

Hiện nay, theo thống kê của ngành tòa án thì tỷ lệ vụ việc xin ly hôn chiếm hơn 50% tổng số vụ việc dân sự mà ngành tòa án thụ lý, giải quyết. Thực trạng nêu trên rất đáng báo động về sự bền vững của các mối quan hệ hôn nhân, đồng thời đặt ra cho Nhà nước và xã hội cần phải cấp bách và nghiêm túc nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và các giải pháp để can thiệp nhằm hạn chế, kéo giảm tình trạng ly hôn, thông qua đó hạn chế những hệ lụy xấu mà tình trạng ly hôn gây ra cho xã hội. Theo tôi, có rất nhiều nguyên dẫn dẫn đến vợ chồng ly hôn, chủ yếu là 5 nhóm nguyên nhân chính: Vợ chồng không thủy chung với nhau; có sự can thiệp thô bạo, tiêu cực của gia đình bên chồng hoặc gia đình bên vợ vào mâu thuẫn của vợ chồng, đẩy mâu thuẫn càng bùng phát theo hướng ly hôn; tính ích kỷ, toan tính của người chồng, người vợ trong quan hệ hôn nhân ngày càng gia tăng; tính khoan dung, nhường nhịn, thông cảm giảm sút dẫn đến bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra, giết chết tình yêu; sự thiếu hiểu biết về hôn nhân, thiếu hiểu biết những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý những tình huống mâu thuẫn phát sinh trong thời kỳ hôn nhân của người vợ, người chồng; áp lực công việc, áp lực cuộc sống ngày càng tăng do xã hội phát triển mà người vợ, người chồng thiếu kiến thức, kỹ năng buông xả.

Để hạn chế tình trạng ly hôn thì cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu, ứng dụng và tôn vinh hành vi đạo đức; hiểu được sự vô giá của tình cảm, tình yêu; hiểu biết về kỹ năng sống và kỹ năng xử lý những mâu thuẫn có khả năng sẽ phát sinh giữa vợ và chồng sau khi kết hôn; tăng cường những giải pháp để mọi người “xả” áp lực công việc, áp lực cuộc sống.

Qua vụ án liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng chấn động dư luận vừa qua, tôi thấy đằng sau vụ án này có thể là một chuỗi những ngày tháng vợ chồng đã xảy ra bạo lực gia đình, cộng với áp lực công việc, áp lực cuộc sống mà hai bên không “xả” được nên mâu thuẫn càng ngày càng sâu, đi lên đến đỉnh điểm nhưng đoàn thể, cơ quan Nhà nước và xã hội chưa kịp thời phát hiện để tháo gỡ. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta cần phải hành động thiết thực hơn nữa để kéo giảm bạo lực gia đình, xả căng thẳng trong mỗi con người, kéo giảm mâu thuẫn xuống mức thấp nhất, chú trọng và chung tay xây dựng gia đình, xã hội hạnh phúc. Có như vậy mới kéo giảm những vụ trọng án đau lòng như vừa xảy ra.

Bà Lê Thị Hiền, Chuyên viên Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh:

Cần trang bị kỹ năng sống cho các cặp vợ chồng trẻ!

Thực trạng ly hôn ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và phần lớn số vụ ly hôn thuộc về gia đình trẻ. Theo tôi, đây là kết quả của quá trình phát triển xã hội, chúng ta ngày càng xem trọng giá trị đời sống tinh thần của cá nhân. Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản đó là chúng ta đang thiếu kiến thức, kỹ năng về hôn nhân. Nội dung chương trình giáo dục của Việt Nam chưa thật sự chú trọng đến việc giáo dục tâm sinh lý vợ/chồng, giao tiếp ứng xử trong gia đình và các mối quan hệ liên quan kỹ năng nuôi dạy con và xử lý các mâu thuẫn gia đình. Đặc biệt, chưa có sự giáo dục nhận thức sâu sắc về hôn nhân.

Trước thực trạng nhiều vụ án liên quan đến vấn đề mâu thuẫn trong hôn nhân, tôi tự hỏi tại sao những người trong cuộc không chọn giải pháp ly hôn? Rõ ràng, mặc dù số vụ ly hôn ở nước ta ngày càng gia tăng, xã hội đã có nhiều đổi mới, nhưng không riêng phụ nữ mà đối với đàn ông cũng vậy, khi ly hôn, chúng ta vẫn còn phải đối diện với nhiều thành kiến, định kiến của xã hội. Chúng ta vẫn còn tư tưởng ly hôn là bất hiếu với cha mẹ, là điều gì đó thất bại…; từ đó dẫn đến hậu ly hôn là những dư luận xã hội và những thành kiến, định kiến trong việc đi tìm cuộc hôn nhân mới cũng như sự ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ và hoạt động xã hội... Vấn đề con cái, những quy định của luật pháp chế tài trách nhiệm sau ly hôn cũng như ý thức tự chủ trách nhiệm của chính người làm cha làm mẹ vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến các con là hệ quả của cuộc hôn nhân tan vỡ. Cho nên, khi ly hôn, chúng ta chịu áp lực từ chính mình, từ các con, gia đình và xã hội, dẫn đến nhiều cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng lại không chọn giải pháp ly hôn, từ đó đã dẫn đến nhiều chuyện phạm pháp và thương tâm. Thiết nghĩ, khi giá trị đời sống tinh thần của cá nhân ngày càng được đề cao, bên cạnh nhận thức đúng đắn về hôn nhân thì cũng cần có cái nhìn mới về ly hôn và ly hôn văn minh.

Nên chăng, cũng cần có một yêu cầu bắt buộc các cặp vợ chồng ly hôn phải thông qua lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con sau ly hôn nhằm hạn chế những hệ lụy đáng tiếc.


Bài báo đăng ngày 23-12 đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc

Theo thống kê của TAND tỉnh, trong năm 2017, số vụ án dân sự tăng 803 vụ, số án giải quyết tăng 794 vụ. Án tăng tập trung chủ yếu các loại án hôn nhân và gia đình (thụ lý tăng 700 vụ tăng 8,87%, giải quyết tăng 694 vụ, tăng 8,8%). Án hôn nhân và gia đình phát sinh nhiều nhất là ly hôn (6.759 vụ, chiếm 94,07% án hôn nhân gia đình sơ thẩm), thụ lý nhiều nhất ở TAND TX.Thuận An, Dĩ An, TP.Thủ Dầu Mộta. Đáng báo động là độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa, các vụ án ly hôn nhiều nhất có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.

Các nguyên nhân ly hôn được ghi nhận chủ yếu tập trung vào các vấn đề mâu thuẫn gia đình, do bị đánh đập, ngược đãi, do ngoại tình, do nghiện ma túy, rượu, bài bạc…

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2002
Quay lên trên