Gói 30.000 tỷ đồng: Lãi suất không được vượt 6%

Cập nhật: 16-05-2013 | 00:00:00

Trong thời gian 10 năm, nếu lãi suất trên thị trường xuống thì mức lãi suất này cũng sẽ được điều chỉnh giảm.

 Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong gói hỗ trợ này sẽ dành khoảng 30% nguồn tiền cho các DN xây nhà ở xã hội được vay để tạo ra nguồn cung. 70% còn lại để tăng cầu bằng việc hỗ trợ cho người dân mua nhà.

Như vậy là chúng ta vừa tạo ra nguồn cung và vừa tạo ra sức mua làm tăng thanh khoản của hàng hóa trong lĩnh vực này. Ông Nam cũng bày tỏ hy vọng, sau động thái này sẽ làm ấm lên giao dịch trong phân khúc này và sẽ lan tỏa ra các phân khúc khác.“Với lãi suất 6%/năm, cho vay trong 10 năm, với các hộ gia đình ở thành phố lớn hoàn toàn có đủ khả năng vay và trả. Về lâu dài, chúng ta sẽ có các chính sách khác để tạo được cung và khả năng thanh toán cho người mua nhà”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói về gói hỗ trợ 30.000 tỷ.

PV: Thưa Thứ trưởng, dư nợ BĐS hiện đang là 200 ngàn tỉ đồng. Vậy khoản hỗ trợ này chỉ với 30 ngàn tỉ đông có quá nhỏ bé?

- Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Tôi nghĩ, đây là con số rất là đáng kể. Vì tăng trưởng tín dụng chung của năm 2012 và 4 tháng 2013 rất thấp. 4 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng tín dụng chi 1,44%. So với tăng trưởng tín dụng chung thì mức tăng 15% của 30 ngàn tỉ so với 200 ngàn là cao hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của cả nước trong năm nay (theo kế hoạch là 12%).

Nếu dòng tiền này được các NHTM nhà nước trển khai tốt và đúng đối tượng thì đây sẽ là cú hích cho thị trường BĐS vào phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá rẻ. Tất nhiên là so với nhu cầu, với mong muốn của người dân và DN thì gói hỗ trợ này chưa đáp ứng được nhiều. 

- Thị trường mong đợi gói hỗ trợ này từ rất lâu. Thế nhưng đến giờ NHNN mới ra đời thông tư hướng dẫn, ông đánh giá như thế nào?

- Thông tư ra đời rất đúng lúc vì kinh tế đã có tín hiệu tốt lên. Đặc biệt đối với thị trường BĐS theo chúng tôi đánh giá hay như các công ty nghiên cứu thị trường như CRVA, Savills thì có mấy loại hàng hóa sau có tính thanh khoản tốt.

Thứ nhất: đối với hững hàng hóa sắp hoàn thiện hoặc đã hoàn thiện. Người mua tìm thấy hàng hóa cụ thể và có thể vào ở ngay.

Thứ hai: đối với hàng hóa có diện tích dưới 70m2, giá bán thấp dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đối với người thu nhập thấp đang có nhu cầu về nhà ở thực sự thì cũng khó.

Do vậy, gói hỗ trợ tung ra vào thời điểm này vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân và vào đối tượng cụ thể nên sẽ có tác dụng cộng hưởng với việc ấm lên của thị trường BĐS.

- Theo ông, nguồn cung hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của người dân?

- Chúng ta phải tác động cả hai đầu là cung và cầu. Đến nay, theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước có khoảng 60 dự án nhà ở xã hội đang trong quá trình triển khai.

Trong số này có cả dự án làm từ đầu và chuyển từ nhà thương mại sang nhà xã hội với quy mô vài chục ngàn căn nhà.

Và trong cuối tháng 5, đầu tháng 6, ở Hà Nội chắc chắn sẽ khởi công và động thổ 5-7 dự án nhà ở xã hội, không kể các dự án đang làm.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, riêng các bộ, ngành, trung ương đăng ký nhà ở xã hội lên đến gần 100 ngàn căn. Đây là thị trường rất rộng lớn và chúng ta bước đầu đã tạo được nguồn cung.

- Nếu gói hỗ trợ này giải ngân tốt thì Bộ Xây dựng và NHNN có tính tiếp đến việc triển khai một gói nữa, thưa ông?

- Trước mắt, quan điểm của hai bên là sẽ tập trung triển khai tốt cho vay đúng địa chỉ, nhanh và thuận tiện cho các đối tượng được vay là DN và những người có khó khăn về nhà ở.

Trong quá trình thực hiện sẽ theo dõi đánh giá và tổng kết, trên cơ sở hiệu quả của gói 30 tỉ này hai cơ quan sẽ tính toán, đồng thời còn căn cứ vào khả năng của ngân sách, vốn và nhu cầu của thị trường. Song, không ngoại trừ là chúng ta có thể tăng thêm nguồn cho gói hỗ trợ.

-  Thực tế hiện nay, nhiều người dân khi mua nhà thường phải trả thêm chênh lệch so với giá hợp đồng. Liệu đối với nhà ở xã hội có tình trạng này hay không, thưa ông?

- Trong trường hợp này sẽ không có chuyện chênh lệch đối với nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại.

- Với các tiêu chuẩn đưa ra khá khắt khe, có nghĩa đối tượng được mua nhà ở xã hội sẽ rất hạn chế, thưa ông?

- Đối tượng rất mở rộng, là những người có hợp đồng thu nhập thấp gồm cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, những người lao động trong DN ở các thành phần, người lao động tự do…

Còn đối với người mua nhà ở thương mại thì có giới hạn một chút là phải có hộ khẩu thường trú hoặc là hộ khẩu tạm trú và đã có đóng bảo hiểm ở các đơn vị sử dụng lao động 1 năm trở lên. Trước mắt chỉ hướng đến việc giải quyết khó khăn về nhà ở cho những người đang sống và làm việc tại đô thị. Nếu việc này làm không khéo thì lại dẫn đến tình trạng di dân tự do… Vì lực của ta hạn chế.

Mức thu nhập thấp để được mua nhà ở xã hội là những người không phải đóng thuế thu nhập, tức là có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=361
Quay lên trên