Vừa đảm nhận nhiệm vụ trực chiến, vừa tham gia công tác trực tổng đài 114, các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với nhiệm vụ trực tổng đài 114, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi, trong đó có không ít cuộc gọi quấy rối, chọc ghẹo...
Các chiến sĩ thuộc Đội cảnh sát PCCC&CNCH trên sông tham gia trực tin báo cháy tại trụ sở đơn vị PC07
Muôn kiểu “gây rối” tổng đài 114
Có mặt tại Trung tâm thông tin chỉ huy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an tỉnh mới thấy hết những vất vả của các chiến sĩ nơi đây. PV có mặt khoảng 10 phút mà đã có đến hàng chục cuộc điện thoại gọi đến tổng đài, tất cả đều là cuộc gọi quấy rối (?!). Sau tiếng “A lô PCCC Bình Dương xin nghe” là tiếng “tít” vang lên. Cứ như vậy, vài giây sau lại có cuộc gọi khác tiếp tục gọi đến. Đem thắc mắc này hỏi hai chiến sĩ đang tham gia trực tin báo cháy thì được biết đây là “câu chuyện cơm bữa ” xảy ra mỗi ngày và khiến họ căng thẳng, mệt mỏi. Biết là cuộc gọi quấy rối, phá phách từ đủ mọi đối tượng nhưng họ không thể vì vậy mà không nghe máy.
Trung úy Huỳnh Thanh Trước, chiến sĩ Đội cảnh sát PCCC&CNCH trên sông, thuộc Phòng PC07 nhận nhiệm vụ trực tin báo cháy đã được 7 năm. Mỗi ngày, trung úy Trước cùng đồng đội tiếp nhận khoảng 400 đến 500 cuộc gọi nhưng chỉ có vài tin báo cháy có giá trị, tức là tin thật, số còn lại đều là tin báo giả và các cuộc gọi quấy rối.
Thời điểm các cuộc gọi quấy rối, phá phách nhiều nhất trong ngày là vào giờ nghỉ trưa, từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ, buổi tối từ 23 giờ đêm đến 1-2 giờ sáng. Đối tượng quấy rối thì đủ mọi thành phần, từ phụ nữ cô đơn, những cô gái thất tình, các “ma men” say xỉn cho đến các bé thiếu nhi.
Có những đêm, khi anh em chiến sĩ nhấc điện thoại tổng đài lên thì “bất đắc dĩ” trở thành tổng đài để các chị em kể lể chuyện tình cảm. Những lúc như vậy, tùy theo tình huống, cán bộ, chiến sĩ có cách từ chối, kết thúc cuộc gọi khéo léo. Chưa kể vào thời điểm đêm khuya thanh vắng, các đấng mày râu say xỉn lại gọi điện về tổng đài để... chửi. Trước các tình huống này, người trực bình tĩnh khuyên người gọi nên tắt máy, nghỉ ngơi. Chưa kể, một số người dân vô tư gọi điện đến tổng đài 114 để hỏi vì sao gọi cho tổng đài 115 mà không thấy tín hiệu, hoặc gọi để xin số điện lực, xin số địa điểm này, cơ quan nọ... Tình hình càng “căng” vào những ngày cuối tuần.
Cần có biện pháp xử lý nghiêm
Hiện phòng trực thông tin báo cháy có 4 đầu số tiếp nhận thông tin báo cháy. Nhiều lúc có 2 - 4 cuộc gọi cùng lúc đổ chuông, các chiến sĩ trực tin luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Mỗi ngày có 4 cán bộ, chiến sĩ được phân công giao nhiệm vụ trực tin báo liên quan đến các sự cố cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, Trung tâm thông tin Chỉ huy được thành lập, đến năm 2018 do Sở Cảnh sát PCCC&CNCH sáp nhập vào Công an tỉnh, Đội cảnh sát PCCC&CNCH trên sông, thuộc Phòng PC07 bắt đầu tiếp nhận phòng xử lý thông tin báo cháy cho đến nay. Đây chính là nơi đã tiếp nhận nhiều nguồn tin cấp báo có giá trị. Vào thời điểm mùa khô nắng nóng, trong một tuần Đội có thể nhận tới gần 30 vụ cháy, nổ; tương đương khoảng 100 vụ/tháng. Ghi nhận trong tháng 1-2020 có đến 80 vụ cháy; tháng 2 có 103 vụ, đa phần là các vụ cháy cỏ, chập điện, cháy kho quy mô nhỏ.
Vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phối hợp với Viễn thông Bình Dương định tuyến lại tổng đài 114. Theo đó, sau khi được định tuyến, 9 đơn vị công an cấp huyện, thị, thành phố chính là đơn vị tiếp nhận thông tin báo cháy. Việc này sẽ bảo đảm công tác triển khai chữa cháy và CNCH ở địa phương diễn ra nhanh chóng, đồng thời giảm áp lực trong việc trực tin tổng đài 114 cho đơn vị PCCC cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại phòng tiếp nhận thông tin báo cháy của Phòng PC07 số cuộc gọi điện mỗi ngày vẫn không giảm nhiều do một số cuộc gọi bị... lạc hướng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng PC07, Công an tỉnh, cho rằng “Hành vi gọi điện thoại tới tổng đài để báo cháy giả là hành vi mang tính phá hoại, hết sức nguy hiểm bởi nó không chỉ làm tốn nguồn lực, nhân lực mà còn có thể dẫn đến việc chỗ cháy thật thì lực lượng chức năng không tới được mà phải điều người, xe tới những chỗ cháy giả. Với 4 đường dây trực tiếp nhận cuộc gọi đến, nếu các cuộc gọi cấp cứu quấy rối quá nhiều như đang xảy ra có thể khiến đường dây bận liên tục, ảnh hưởng việc tiếp nhận những trường hợp có tin báo cháy thật. Chúng tôi mong rằng người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thông tin đến cơ quan chức năng bất cứ tin báo gì.”
Nói về hành vi gọi điện thoại đến Cảnh sát PCCC quấy rối, luật sư Nguyễn Thị Diễm Hương, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Cần tăng mức xử phạt để răn đe, thậm chí xử lý hình sự do cản người thi hành công vụ và thực hiện công vụ của họ. Nếu hậu quả xảy ra lớn và lặp đi lặp lại, ở tội danh này mức phạt sẽ là bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù”. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 167/2013, Bộ Công an bổ sung thêm rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình. Điển hình, hành vi gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm, sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng. |
TÂM TRANG