Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp cũng khó tiếp cận

Cập nhật: 14-06-2013 | 00:00:00

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ký Thông tư 11 hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP với Bộ Xây dựng và 5 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Viecombank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng lấy từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước dùng để hỗ trợ cho người mua, thuê nhà ở xã hội và doanh nghiệp (DN) được quy định tại thông tư này.

Khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, phường Hòa Phú, TP.TDM do Becamex IDC đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu của người lao động trên địa bàn. (Ảnh: TRỊNH BÌNH)

Theo tinh thần của thông tư mới ban hành, các đối tượng DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; DN là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội sẽ nhận được tối đa 30% trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 9.000 tỷ đồng, thời hạn giải ngân tối đa 36 tháng, thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 5 năm nhưng không vượt quá thời điểm 1-6-2013. Thông tư 11 cũng quy định điều kiện để được xem xét vay vốn. Đó là các DN cần vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh từ ngày 7-1-2013 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Lãi suất cho vay cũng là một điểm quan trọng của thông tư. Mức lãi suất này không cố định mà được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm. Cụ thể, trong năm 2013, lãi suất “chốt” ở mức 6%/năm. Sau đó, định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo. Lãi suất này bằng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm.

Tuy vậy, sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ có hiệu lực kể từ ngày 1-6, tính đến thời điểm này, mới chỉ một vài “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi trên, còn đa số các DN trên cả nước cũng như tại Bình Dương vẫn chưa thể tiếp cận được. Trên thực tế, việc quy định điều kiện xem xét cho vay vốn với các DN cần vốn để chi trả cho các chi phí phát sinh kể từ ngày 7-1-2013 đã khiến các DN khá loay hoay vì trong khoảng thời gian từ đó đến nay, hầu như rất ít DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mới do áp lực về hàng tồn kho bất động sản là quá lớn.

Ông Nguyễn Đình Nhuần, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình cho biết, Công ty Cổ phần Địa ốc Areco, một đơn vị trực thuộc của đơn vị này cũng đang triển khai một số dự án thuộc diện nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong đó có dành hỗ trợ cho DN là một giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn. Tuy vậy, tính đến thời điểm này Areco cũng chưa vay được đồng nào từ nguồn vốn ưu đãi này mà vẫn chỉ đang trong giai đoạn tìm cách tiếp cận.

Có vẻ gói hỗ trợ sẽ tác động tích cực ngay đối với những DN có các dự án nhà ở thương mại xin chuyển công năng thành nhà ở xã hội với diện tích dưới 70m2/căn và giá dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, một số DN cho rằng, vềlý thuyết, DN cóthểxin chẻnhỏ căn hộxuống 70m2 vàhạgiábán từ 15 triệu đồng mỗi m2 trở xuống nhưng trên thực tếthời gian điều chỉnh dự án khádài nên hiện các DN này cũng vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi ít ỏi này.

Bên cạnh đó, khi đã xác định được thuộc diện cho vay, các DN cũng còn phải trải qua một quá trình “sát hạch” khắt khe từ phía các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu vẫn còn ở mức cao như hiện nay. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng với các DN cũng không phải là một điều dễ dàng… Mặt khác, với tỷ lệ 30% trong gói 30.000 tỷ đồng, chỉ tương đương với khoảng 9.000 tỷ đồng dành cho DN, trong khi theo tính toán, đông đảo các DN bất động sản cả nước phải cần đến khoảng 50.000 tỷ đồng để giải quyết bài toán tồn kho, khoản hỗ trợ cũng chỉ như “một miếng ăn khó bày ra giữa làng”…

Trên thực tế, DN có hàng tồn kho bất động sản lại trông chờ nhiều hơn ở phần 70% trong gói 30.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng vay mua, thuê nhà ở xã hội, qua đó tạo ra một sự kích cầu để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi gói hỗ trợ có hiệu lực, người có nhu cầu vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội tiếp cận được nguồn vốn này cũng đang vấp phải quá nhiều rào cản. DN khó tiếp cận vốn, “cầu” cũng chưa kích lên được, nguồn vốn từ gói hỗ trợ có khi lại chạy lòng vòng trong các ngân hàng…

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=279
Quay lên trên