Gốm sứ Bình Dương – Giá trị văn hoá từ truyền thống đến hiện đại
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng là nơi lưu giữ và phát triển một trong những dòng gốm sứ đặc sắc nhất miền Nam. Không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gốm sứ Bình Dương còn là kết tinh của văn hoá, nghệ thuật và tinh thần lao động bền bỉ, không ngừng đổi mới của người dân nơi đây.
Di sản làng nghề truyền thống
Gốm sứ Bình Dương có lịch sử hình thành, gắn liền với quá trình khai phá và định cư của người Việt ở phương Nam. Những làng nghề gốm nổi tiếng như Tân Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu (Thuận An) hay Chánh Nghĩa (Thủ Dầu Một) từng là trung tâm sản xuất gốm sầm uất, với hàng trăm lò nung đỏ lửa ngày đêm.

Đặc trưng của gốm Bình Dương là sự giao thoa giữa kỹ thuật truyền thống của người Việt và ảnh hưởng mỹ thuật từ Trung Hoa, Kh'me. Những sản phẩm như chum, vại, bình, lọ, tượng… không chỉ có công năng sử dụng mà còn mang nét đẹp riêng biệt, với hoa văn rồng phượng, sen, cá chép – biểu tượng cho sự phồn vinh, may mắn. Đặc biệt, kỹ thuật phủ men tro, men rạn, men lam cổ điển là điểm nhấn giúp gốm Bình Dương có chất riêng không lẫn với các dòng gốm khác.

Tại nhiều cơ sở gốm sứ, hiện vẫn duy trì vừa sản xuất, kinh doanh vừa làm nơi trải nghiệm cho nhiều người thích gốm sứ đến học làm gốm. Họ sẽ tự tay nhào nặn những sản phẩm mình ấp ủ, sáng tạo rồi vẽ lên sản phẩm, đem đi nung và coi như đó là một vật lưu niệm ý nghĩa.
Tại Vườn nhà gốm (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An), chúng tôi gặp nghệ nhân Dương Minh Tâm, anh cho biết đã có hơn 20 năm trong nghề gốm. Anh quê ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, từng làm gốm khắp các vùng từ Bến Cát đến Tân Uyên và nhiều cơ sở khác. Hiện anh thường xuyên hướng dẫn khách làm gốm trực tiếp tại xưởng.
Anh cho biết, các sản phẩm ở đây là gốm Nam bộ bao gồm các dòng gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương). Gốm Nam bộ luôn làm cho mọi người thích thú bởi sự đa dạng về loại hình, công dụng cũng như về kiểu dáng và màu men, phong phú về đề tài thể hiện…

Người trẻ với hành trình gìn giữ nghề xưa
Giữa thời đại công nghiệp hoá, nhiều làng nghề truyền thống dần mai một. Tuy nhiên, gốm sứ Bình Dương vẫn giữ được sức sống nhờ vào những người trẻ đam mê, sẵn sàng kế thừa và đổi mới.
Không ít sinh viên mỹ thuật, thiết kế công nghiệp cũng chọn thực tập và khởi nghiệp với gốm Bình Dương. Họ mang đến những ý tưởng mới – từ bình gốm trang trí mang hơi thở đương đại, đến sản phẩm ứng dụng như bộ ly tách, gạch ốp nghệ thuật. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nghề gốm không chỉ là quá khứ mà đang sống động trong hiện tại.
Các sản phẩm gốm hiện đại thường được thợ vẽ tay ngẫu nhiên, đường nét mộc mạc. Điểm nhấn vẫn là sự mộc mạc, đơn sơ, không cầu kỳ, trau chuốt, mang yếu tố thủ công và gửi chút hoài niệm cho những điều xưa cũ.

Tại các cơ sở làm gốm, sứ ở Bình Dương, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật hay các trường nghề, thậm chí đơn giản chỉ là có năng khiếu với mỹ thuật cũng đã chọn cho mình con đường mưu sinh với gốm sứ. Họ vừa học, vừa làm với ngành nghề truyền thống này với mong muốn ngày càng tiến bộ hơn với đam mê của mình.
Giá trị văn hoá – mỹ thuật được nâng tầm
Gốm sứ Bình Dương không chỉ có giá trị kinh tế mà còn là di sản văn hoá cần được gìn giữ. Mỗi sản phẩm gốm là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn văn hoá bản địa – từ chất liệu đất, kỹ thuật nung cho đến hoạ tiết, kiểu dáng. Qua từng đường nét chạm khắc, người xem cảm nhận được bàn tay tài hoa và tâm hồn sáng tạo của nghệ nhân.
Ngoài các cơ sở làm gốm sứ lớn như Minh Long, Minh Sáng, Vườn nhà gốm… nhiều doanh nghiệp làm du lịch tại địa phương cũng bắt đầu khai thác yếu tố văn hoá gốm vào các tour trải nghiệm – nơi du khách có thể tự tay làm gốm, hiểu về lịch sử và quá trình sáng tạo phía sau từng sản phẩm. Điều này không chỉ tạo nguồn thu mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của nghề thủ công truyền thống.

Trong dòng chảy hiện đại, gốm sứ Bình Dương vẫn giữ được bản sắc – như một nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Giá trị của gốm không chỉ nằm ở hình dáng hay công dụng, mà còn là câu chuyện văn hoá, là dấu ấn thời gian còn đọng lại trong từng thớ đất, lửa và bàn tay người thợ.
Gốm sứ Bình Dương hôm nay không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là minh chứng sống động cho sức sống của văn hoá truyền thống trong lòng hiện đại.

Giải thích thêm cho niềm đam mê và cần thiết phải lưu giữ sản phẩm thủ công truyền thống cũng như nét mỹ thuật trên sản phẩm gốm, ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cổ vật TP.Thuận An cho hay, hiện nay câu lạc bộ của ông có gần 50 thành viên có chung niềm đam mê đồ xưa, cổ ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây. Mọi người đến với nhau bởi thích sưu tập đồ cổ nhiều thể loại: Đồ gốm, đồ gỗ, tranh, ảnh... Đồ gốm xưa thường được ứng dụng trong trang trí nhà cửa, là những bình hoa, lục bình hay những bức tranh gốm đẹp, gạch… Gốm có nhiều loại từ đồ dùng gia dụng, đồ thờ tự, đồ dùng trong các gia đình trí thức, quý tộc xưa và cái quý của gốm là độc bản. Có những loại người ta chỉ làm 1 - 2 mẫu hoặc làm để biếu, tặng nên giá trị của nó ngày càng cao.
Nghề gốm có trên vùng đất Bình Dương từ hàng ngàn năm trước, qua việc khai quật hàng loạt các di tích khảo cổ như Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc, Dốc Chùa, Phú Chánh… có niên đại cách ngày nay từ 2.000 đến 3.500 năm. Đến giữa thế kỷ XIX, gốm sứ Bình Dương với danh xưng gốm Lái Thiêu đã theo những thương thuyền đi khắp lục tỉnh Nam kỳ và sang tận Campuchia. Những trung tâm gốm sứ thời thịnh đó là Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), Lái Thiêu (TP.Thuận An) và Phú Cường, Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một). Đây là 3 trung tâm được xem là cái nôi gốm sứ truyền thống ở Bình Dương, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng của tỉnh Bình Dương. |
Xuất phát từ những cái nôi gốm sứ truyền thống, gốm sứ Bình Dương đã tạo nên nhiều thương hiệu nổi tiếng, không những chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và cứ như thế, dòng chảy của gốm sứ vẫn còn mãi với thời gian.
Quỳnh Như