Gốm sứ Bình Dương tìm đường vượt khó!

Cập nhật: 23-07-2013 | 00:00:00

Khó khăn tứ bề

Năm 2013, ngành gốm sứ đang đối mặt nhiều khó khăn. Mặc dù giá men màu, giá oxit, giá gas đã giảm nhưng giá đất sét tăng mạnh (đặc biệt là vào thời điểm cuối tháng 5-2013). Giá gas tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với kỳ vọng của DN (giá gas hiện nay hơn 1.000 USD/tấn). Ngoài ra, nghề gốm đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, bởi nghề có đặc thù cần lao động kỹ thuật cao, lại đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, niềm đam mê… trong khi nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của DN tại Bình Dương hiện nay rất thấp. Trong những năm gần đây, dù chấp hành đầy đủ lộ trình tăng lương tối thiểu của Chính phủ nhưng quỹ lương của DN cũng phình ra rất lớn, bởi ngành gốm sứ cần nhiều nhân công.

 

Sản xuất gốm sứ cao cấp tại Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I Ảnh: QUỐC CHIẾN

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của DN gốm sứ phải kể đến việc thị trường bị thu hẹp dẫn đến việc khan hiếm đơn hàng. Hơn 90% mặt hàng gốm sứ được xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Trung Đông, Nam Mỹ… nhưng do ảnh hưởng xấu của nền kinh tế thế giới nên giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gốm sứ sụt giảm nghiêm trọng. Các thị trường mới nổi như Brazil, Argentina, Kazakhstan... sức mua không tăng. Chính điều này khiến cho DN gốm sứ lao đao.

Do thị trường tiêu thụ yếu, lại không có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn nên các DN gốm sứ Bình Dương gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, hoặc có cũng chỉ là những hợp đồng nhỏ lẻ và giá trị rất thấp bởi nhà nhập khẩu cũng dè dặt theo kiểu tâm lý “ăn đong” là chính. Hiện nay, tuy các DN đều có hợp đồng đến hết tháng 8-2013 nhưng giá trị các đơn hàng giảm mạnh. Chẳng hạn, Công ty TNHH Gốm sứ Minh Phát giảm 25%, Công ty TNHH Phương Hạnh giảm 10%, Công ty TNHH Tân Hoàn Phát giảm 50%, Công ty TNHH Phước Dũ Long giảm 50%, DNTN Hoàng Việt giảm 60%... Dựa vào tình hình ký kết hợp đồng 6 tháng đầu năm 2013 của các DN gốm sứ, dự đoán năm 2013 doanh thu của ngành sẽ giảm 20 - 30% so với năm 2012.

Doanh nghiệp không nản

Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng các DN gốm sứ Bình Dương không vì thế mà bỏ cuộc, bỏ nghề truyền thống của gia đình, địa phương. Trong bối cảnh hiện tại, họ liên tục tìm đường gỡ khó để lèo lái DN vượt qua thời điểm xấu. Chẳng hạn, Công ty TNHH Minh Long I vẫn vừa xây dựng lại trụ sở, xưởng sản xuất vừa giữ vững doanh thu và đơn hàng xuất khẩu đạt 100% so với cùng kỳ. Hay như Công ty TNHH Cường Phát ký được đơn hàng đến hết tháng 12-2013, tăng 20% số lượng hợp đồng xuất khẩu. Đạt được điều này là nhờ vào công tác tìm kiếm khách hàng, dò tìm thị trường kinh doanh mới của công ty. Chính từ sự nhạy bén trong khâu marketing ở các thị trường mới mà một số khách hàng Nhật, châu Âu “quay lưng” với đối tác Trung Quốc để đặt bút ký hợp đồng với Cường Phát.

Sớm thay đổi phương thức kinh doanh cũ bằng cách tiếp cận khách hàng mới, tìm kiếm thị trường ngoài châu Âu và một số đối tác truyền thống… là cách mà các DN đang áp dụng để tự vượt qua những trở ngại trong kinh doanh. Chẳng hạn, trong những năm trước đây, do đơn hàng ổn định nên Công ty TNHH Phong Thạnh không quan tâm nhiều đến khâu marketing. Thay vào đó, công ty chờ đợi đối tác tìm đến và đặt hàng. Tuy nhiên, năm nay công ty chú trọng đến khâu marketing, tự làm mới mình bằng một số công tác quảng bá hình ảnh nên đã tăng doanh số bán hàng lên 10% so với cùng kỳ. Số hợp đồng có được vì thế mà cũng tăng lên đáng kể.

Và trong thời điểm hiện tại, sự giảm thiểu lãng phí trong sản xuất, thực hiện các chính sách tiết kiệm triệt để cũng được các công ty áp dụng. Giảm thiểu lượng khí đốt, giảm thiểu hao hụt trong việc dùng nguyên phụ liệu, màu… để sản xuất gốm sứ là các biện pháp mạnh tay mà các chủ DN yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm túc để giảm thiểu chi phí, duy trì hoạt động kinh doanh chờ đợi sự phục hồi mạnh mẽ của ngành gốm sứ Bình Dương trong thời gian tới. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết: “Trong thời điểm hiện tại, DN gốm sứ vừa phải thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất để giảm thiểu chi phí phát sinh. Ngoài ra, việc kiểm soát sản xuất sao cho giảm thiểu tối đa các sản phẩm lỗi cũng cần thực hiện nghiêm túc để duy trì lương, thưởng cho người lao động. Bởi nếu không giữ chân người lao động, khi thị trường xuất khẩu phục hồi, DN sẽ không dám ký hợp đồng với đối tác”.

“Thời điểm vàng” mà ông Lý Ngọc Bạch và các DN gốm sứ đang chờ đợi và hy vọng chính là quãng thời gian “vào mùa” của nghề gốm từ tháng 9-2013 đến tháng 2-2014. Đó là thời gian quý giá để DN gốm sứ ký nhận các đơn hàng từ đối tác nước ngoài và có thể tiếp tục các hoạt động sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận.

Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương hiện có 52 thành viên, giảm 7 thành viên so với năm 2011. Hiện có khoảng 11.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực gốm sứ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Các DN, cơ sở sản xuất gốm sứ ở Bình Dương chủ yếu là thành phần kinh tế dân doanh, chiếm tới hơn 95%, còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Gốm sứ là ngành nghề truyền thống từ lâu đời của Bình Dương và ở thời điểm cực thịnh, nghề này mang lại hàng chục triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, ngành gốm sứ liên tục hứng chịu nhiều tác động xấu do giá nguyên phụ liệu tăng, gas tăng và đặc biệt là thị trường xuất khẩu thu hẹp.

• KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1519
Quay lên trên