Gồng mình chống bão

Cập nhật: 17-07-2010 | 00:00:00

 * Quảng Ngãi: Đã cứu được 71 ngư dân bị nạn ở quần đảo Hoàng Sa

 

Cho đến trưa nay (17-7), đã có 71/77 ngư dân trên 6 tàu đánh cá bị chìm khu vực quần đảo Hoàng Sa do ảnh hưởng bão số 1 được cứu - theo thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi.

 

Đây là nỗ lực từ chiều hôm qua đến nay của Ban chỉ huy PCLB, Bộ đội biên phòng khu vực Hoàng Sa, đặc biệt là bà con dân chài đánh cá.

 

 

Hàng trăm nhân khẩu cùng các lực lượng đã được huy động để gia cố đê biển nơi cửa biển xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy (Thái Bình)

 

Các ngư dân được cứu thuộc các tàu:

 

- Tàu của ngư dân Võ Văn Tâm mang số hiệu Qng-96615-TS ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn gồm 15 lao động đã được tàu của ngư dân Phan Thanh Bình cứu vớt an toàn.

 

- Tàu Qng-96219-TS của ngư dân Phạm Ngọc Tiến xã An Hải (huyện Lý Sơn) bị mắc cạn rồi bị chìm khi đang trên đường tránh bão, 16 ngư dân đang ở trên cabin của tàu  được tàu của ngư dân Nguyễn Năm cứu vớt.

 

- Tàu QNg-95904-TS của ngư dân Nguyễn Văn Trung ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm, 14 ngư dân trên tàu đã được tàu của ngư dân Võ Văn Lựu và Phan Thanh Bình cứu vớt.

 

- Tàu QNg-90028-TS của ngư dân Phạm Thơ cũng ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm, 10 lao động trên tàu đã bơi được vào đảo Xà Cừ an toàn.

 

- Tàu mang số hiệu QNg-95699-TS của ngư dân Trương Tây quê ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm,12 lao động trên tàu đã được tàu của ngư dân Nguyễn Thanh Biên cứu vớt.

 

Tuy vậy, tàu đánh cá mang số hiệu QNg- 55940-TS của ngư dân Nguyễn Văn Tấn ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm, 4 lao động trên tàu đã được tàu của ngư dân Trương Quang Trị cứu vớt được 4 lao động, còn 6 lao động chưa tìm thấy.

 

Trong sáng nay, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Khoa cùng phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi đã về xã Bình Châu cùng các xã ven biển động viên các gia đình bị nạn , đồng thời, chỉ đạo cho lực lượng biên phòng cùng các máy Icom cộng đồng tăng cường liên hệ với các ngư dân trong khu vực tập trung tìm kiếm cứu vớt 6 ngư dân chưa tìm thấy. 

 

* Tính đến 6g sáng nay đã có 6 tàu bị chìm, hư hỏng và 10 người mất tích do bão Côn Sơn. Trong đó 5 tàu của ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn ở quần đảo Hoàng Sa - theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương (BCĐ PCLBTƯ) và Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết

 

Trong số 5 tàu (67 người) của Quảng Ngãi bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã cứu được 29 người trên 2 tàu; còn 38 người/trên 3 tàu hiện đang được ngư dân các tàu xung quanh tìm cách tiếp cận, cứu vớt.

 

Trước đó, vào 23g đêm qua, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã điều hai tàu kéo của hải quân xuất phát từ Đà Nẵng ra quần đảo Hoàng Sa để cứu nạn các tàu này. Với tốc độ 12 hải lý/giờ, dự kiến trong đêm nay và rạng sáng mai tàu cứu nạn sẽ tiếp cận khu vực các tàu cá gặp nạn.

 

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có công hàm đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân.

 

Vào lúc 18g hôm qua, một tàu vận tải không biển kiểm soát tải trọng 20 tấn do anh Kiều Viết Hải (xóm 5, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làm thuyền trưởng trên đường tránh bão đã bị mắc cạn và chìm tại cửa Nhượng (Hà Tĩnh). Đồn biên phòng 168 đã cứu được toàn bộ 3 người trên tàu.

 

Đến sáng nay tổng số tàu thuyền đang di chuyển vào bờ và trong vùng nguy hiểm là 167 tàu/1.253 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 25 tàu/3297 người ở Hoàng Sa). Số tàu thuyền này vẫn đang giữ liên lạc.

 

Về tình hình sơ tán dân đến 6 giờ sáng nay số dân đã di dời là 3.394 người, trong đó Hải Phòng 1.200 người, Thái Bình 434 người; Nam Định 1.660 người, Ninh Bình 100 người. Tổng số dân dự kiến theo kế hoạch của các địa phương sẽ di dời là 151.455 người (Hải PHòng 4.756 người; Nam Định 2.525 người; Thái Bình 6.019 người; Ninh Bình 1.100 người; Thanh Hóa 137.055 người). Dự kiến trong sáng nay các địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch sơ tán dân. Tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An chưa triển khai việc sơ tán dân.

 

Mặc dù mưa chưa xuất hiện nhiều và cường độ lớn như dự báo trước đó nhưng từ 19g tối qua đến 1g sáng nay, tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có mưa nhỏ. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi: lượng mưa phổ biến từ 3mm đến 10 mm. Riêng Khe Sanh (Quảng Trị) 44mm.

 

Sáng nay tại đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, tại đảo Cô Tô có gió cấp 5. Vùng ven biển Thái Bình, Nam Định đã có gió cấp 6, cấp 7.

 

Đường đi của bão (Ảnh: VNN)

Theo ông Trần Quang Hoài, Chánh văn phòng BCĐ PCLBTU thông tin mới nhất đến sáng nay đã liên lạc thêm được một tàu cá tại khu vực Hoàng Sa. Hiện nay tại khu vực này đang có 3 tàu mắc cạn, 3 tàu chìm, trong đó tàu QNg 95699 (12 người) của ông Trương Tây ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi (bị chìm) hoàn toàn mất liên lạc. Riêng tàu QNg 55940 của ông Nguyễn Văn Tẩn (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị đứt neo trôi dạt lúc 2g ngày 16-7 tại đảo Xà Cừ đã được tàu khác  vớt được 4/10 người gặp nạn.

 

Nam Định: Hàng trăm người đang chạy đua với bão

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chung cùng đoàn công tác chỉ đạo công nhân Công ty Cổ phần xây dựng nông thôn 6 (Bộ NN&PTNT) gia cố kè Gót Tràng (thị trấn Thịnh Long). Theo ông Hà Xuân Lập, chủ nhiệm chỉ huy công trình này, đây là đoạn kè đã bị vỡ từ trận bão tháng 9-2005.

 

Ngay sau khi có tin khả năng bão Côn Sơn sẽ đổ vào Nam Định, từ ngày 16-7 tỉnh đã chỉ đạo phải gia cố lại toàn bộ các điểm đê, kè xung yếu của Hải Hậu, trong đó có hơn 200 m kè Gót Tràng, với mục tiêu phải hoàn thành gia cố, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ vào chiều tối hôm nay. Máy móc, và hơn 100 con người đang khẩn trương chạy đua với bão…

 

Theo ông Lập, hàng ngàn cọc tre, trên 300 m3 đá được cho vào hàng trăm rọ sắt đưa xuống kè. Phía trong đê kè Gót Tràng, bộ đội biên phòng cùng dân cũng đang khẩn trương đưa thuyền, mủng vào sâu trong đất liền…

 

Phó chủ tịch tỉnh Trần Văn Chung, cho biết đến 10g sáng nay, mọi công tác phòng chống bão vẫn đang được triển khai khẩn trương. Toàn bộ hơn 2.300 tàu thuyền của tỉnh đã được kêu gọi và vào bờ trú tránh, neo đậu bảo đảm an toàn trên địa bàn tỉnh. Số ít còn lại thì cũng đã được liên lạc, các tàu thuyền này đều đã vào bờ và đang trú tránh tại các tỉnh lân cận như Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng.

 

Về người dân, ông Chung nhấn mạnh chủ trương “cấm biển”, tất cả tàu thuyền và ngư dân phải vào trong đất liền. Người dân sống, kinh doanh tại các khu du lịch ven biển cũng phải được đưa vào phía trong đê. Đến lúc này, hơn 400 hộ dân nuôi ngao, vạng phía ngoài đê Giao Thủy đã, đang thực hiện di dân. Đến trước 18g, mọi người dân, kể cả khách du lịch ở những khu vực nguy hiểm sẽ đều được di dời. Các khách sạn, nhà nghỉ sẽ phải đóng cửa, bảo đảm không còn khách. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, toàn bộ khu vực du lịch Thịnh Long nằm sát bờ biển vẫn khá nhộn nhịp. Ngay tại khách sạn Hoàng Anh-nơi chúng tôi ở, anh Mai Chí Nguyện, phụ trách khách sạn cho biết khách sạn vẫn hoạt động bình thường, bởi họ chưa nhận được thông báo nào về việc "đuổi" khách, đóng cửa trước 18g.

Hà Tĩnh: Đề phòng bão chuyển hướng

 

Sáng 17-7, ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng chỉ huy Ban PCLB Hà Tĩnh - cho biết vào lúc 4g sáng, tâm bão Côn Sơn đã vượt qua vùng biển Hà Tĩnh và đi vào vùng biển Nghệ An. Tuy nhiên để phòng bão chuyển hướng các địa phương Hà Tĩnh vẫn đang chủ động mọi công tác phòng chống, đối phó với cơn bão này.

 

Theo ông Bắc, huyện miền biển Nghi Xuân, tiếp giáp với Nghệ An ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão Côn Sơn. Sáng ngày 17-7, ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch huyện Nghi Xuân, cho biết ngay sau khi có công điện khẩn phòng chống bão lụt của UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện này đã có công văn, chỉ đạo xuống tất cả các xã, thị trấn không được lơ là công tác phòng chống, đối phó với bão.

 

UBND huyện Nghi Xuân đã nhận được báo cáo của các xã vùng biển hơn 1200 tàu thuyền của huyện này đã vào các cửa lạch, âu tàu neo đậu, trú ẩn an toàn. Huyện Nghi Xuân đã nghiêm cấm mọi tàu thuyền ra khơi đánh bắt vào thời điểm bão Côn Sơn đang diễn biến phức tạp.

 

Đến sáng 17-7, 4 tàu thuyền đánh cá của xã Thạch Kim mất liên lạc trên đường tránh bão đã vào bờ neo đậu. 22 thuyền viên trên 4 tàu đã về nhà toàn. Có hơn 169 tàu thuyền của xã này đã vào âu tránh bão.

 

Thái Bình: Còn hơn 5.000 dân chưa được di chuyển

 

Từ 11g trưa 17-7, tại các xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) đã có mưa lớn, gió giật tới cấp 5-6.

 

Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hạnh Phúc, toàn tỉnh phải di chuyển, sơ tán khoảng hơn 6000 dân, trong đó nhiều nhất là Thái Thụy phải di chuyển hơn 5.370 dân, tiếp đó là huyện Tiền Hải hơn 450 người.

 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, đến 11g trưa tại huyện Tiền Hải mới có hơn di chuyển được hơn 300 dân. Còn thực tế ghi nhận tại huyện Thái Thụy cho thấy, số đông các hộ dân nằm trong vùng phải di chuyển theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh vẫn "án binh" tại chỗ, đặc biệt là tại khu ngoài đê thị trấn Diêm Điền vẫn còn tới 5.000 dân chưa di chuyển.

 

Toàn tỉnh có 1411 tàu đã vào bờ trú ẩn tránh bão 100%.

 

Theo ghi nhận của phóng viên tại xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) sáng 17-7, một trong những xã xung yếu với địa hình giáp biển, nơi mà năm 2005 tuyến đê bồi (đê phụ) tại xã này đã xảy ra tràn đê, đến 10g trưa công tác di dời dân vẫn diễn ra khá chậm.

 

Chủ tịch UBND xã Hồng Quỳnh cho biết toàn xã có 372 nhân khẩu thuộc diện phải di chuyển nhưng đến 17g chiều qua (16-7) mới chỉ có 2/92 hộ chịu tránh bão.

 

Còn tại khu ngoài đê của thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), nơi có số hộ dân phải di chuyển nhiều nhất lên tới hơn 5000 hộ, chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Đức Nam nói: “Không phải chúng tôi chủ quan nhưng số hộ dân ngoài đê này hiện nay nhà ở đều đã rất kiên cố. Việc thực hiện di chuyển sẽ thực hiện theo cách chuyển các cụ già, trẻ em và những gia đình nhà còn đơn sơ sang tạm trú tại các khu vực liền kề có nhà kiên cố”.

 

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thực tế tại các khu vực ngoài đê này, phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đàm Văn Vượng đã yêu cầu các lực lượng của thị trấn Diêm Điền và UBND huyện Thái Thụy phải lập ngay phương án di chuyển dân tại các khu vực xung yếu vào đầu giờ chiều.

 

“Mọi phương án đều không được chủ quan, các đơn vị phải bám sát tình hình thực tiễn và phải thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả những trường hợp nhà còn đơn sơ, người già và trẻ em phải đưa ngay vào trụ sở nằm trong đất liền”-ông Vượng chỉ đạo.

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên