Bài 1: Trận Dầu Tiếng mở màn làm chấn động miền Nam
Trong hơn 260 trận đánh lớn của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì trận Dầu Tiếng đêm 11- 8-1958 là trận đánh lớn đầu tiên kể từ sau năm 1954, gây chấn động miền Nam. Trận đánh thắng lợi đã làm thất bại một bước kế hoạch bình định của địch ở tỉnh Thủ Dầu Một, hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh ở Đông Nam bộ lúc bấy giờ.
Ông Trần Minh Phú, nguyên Tham mưu trưởng Huyện đội Dầu Tiếng trò chuyện với phóng viên Báo Bình Dương về trận đánh Dầu Tiếng tháng 8-1958 Ảnh: Q.CHIẾN
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp tìm về thăm lại Dầu Tiếng, nghe âm vang của chiến thắng Dầu Tiếng đang vọng về. Tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện, ông Trần Minh Phú, nguyên Tham mưu trưởng Huyện đội Dầu Tiếng tự hào cho biết, vùng đất Dầu Tiếng, chiến công nối tiếp chiến công. Trên mảnh đất này có biết bao trận đánh oanh liệt, gây tiếng vang lớn.
Ngược dòng thời gian về những năm 1958, ông Trần Minh Phú, kể: Sau khi kết thúc chiến dịch “Trương Tấn Bửu”, địch mở tiếp cuộc càn “Sao Mai” đánh phá vùng nông thôn và vùng căn cứ cũ 8 tỉnh miền Đông, trong đó có Dầu Tiếng, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Chúng thực hiện kế hoạch gom dân lập các “Khu trù mật”, ráo riết lùng bắt thanh niên đi lính; thúc ép quần chúng vào các tổ chức phản động như “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới” và tham gia lực lượng bán vũ trang “Phòng vệ quốc gia”. Đến đầu tháng 6-1958, bọn chủ tìm cách sa thải những công nhân chúng nghi là “Việt cộng”. Đầu tháng 8-1958, Ngô Đình Diệm cho đổi tên quận Dầu Tiếng thành quận Trị Tâm với ý đồ sẽ đè bẹp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của nhân dân Dầu Tiếng.
Trước tình hình đó, Ban quân sự miền Đông chủ trương đánh vào chi khu Dầu Tiếng nhằm hạ uy thế địch, gây thanh thế cho lực lượng cách mạng, cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng đang sôi sục; đồng thời lấy vũ khí, vật chất của địch để trang bị, xây dựng LLVT của ta đang trong những ngày đầu xây dựng. Ông Trần Minh Phú cho biết, những người trực tiếp tham gia trận đánh đêm 11-8-1958 ở Dầu Tiếng hầu như không còn ai. Ông có may mắn là từng tham gia nhiều lần viết về lịch sử, được tiếp xúc với nhiều nhân chứng khi họ sống, chiến đấu trên mảnh đất thân yêu này. Chi khu Dầu Tiếng năm xưa nằm giữa vùng tiếp giáp hai căn cứ Dương Minh Châu và căn cứ Bến Cát. Tại chi khu Dầu Tiếng, địch bố trí 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 13 ngụy Sài Gòn trong trại Nguyễn Huệ ở phía Tây dinh quận trưởng; 1 đại đội cảnh sát hiến binh trong khu vực dinh quận trưởng. Lực lượng này thường xuyên phối hợp với 1 Đại đội Bảo an đóng tại đồn Bến Củi ở Tây Nam chi khu, tiến hành càn quét đàn áp phong trào cách mạng ở Dầu Tiếng. Lúc này, địch có 900 tên, trang bị 4 súng cối 81mm, 2 súng ĐKZ57, 5 đại liên và đầy đủ vũ khí cá nhân. Tuy lực lượng đông, trang bị vũ khí mạnh, nhưng chưa bị tiến công nên quân địch ở Dầu Tiếng rất chủ quan, sơ hở. Ban đêm, chúng canh gác, tuần tra lỏng lẻo, chỉ bố trí một đại đội trực chiến, số còn lại nghỉ theo chế độ thời binh. Vũ khí tập trung cất trong kho của tiểu đoàn.
Còn lực lượng của ta tham gia trận đánh gồm có Đại đội 60, Đại đội 70 thuộc Ban Quân sự miền Đông, Đại đội 20, “Lực lượng Bình Xuyên ly khai”… Lúc này, tổng số quân của ta là 1.500 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị súng trung liên, súng trường, thủ pháo, trái nổ tự tạo. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến và Lê Thanh chỉ huy trận đánh. Kế hoạch chiến đấu của ta là lợi dụng sự chủ quan, sơ hở của địch bí mật tiềm nhập áp sát mục tiêu rồi đồng loạt tiến công địch cả ở trại tiểu đoàn cộng hòa, khu hành chính quận, đồn cảnh sát hiến binh và đồn Bến Củi.
Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng hơn 200 tên địch, thu 650 súng các loại (trong đó có 4 súng cối 81mm, 2 súng ĐKZ 57mm, 5 đại liên, 15 trung liên, 12 súng ngắn…) và hơn 2 tấn đạn các loại, 5 xe ô tô vận tải, 2 xe Jeep cùng hơn 1 triệu đồng tiền Sài Gòn, 300 USD và nhiều lương thực, thực phẩm. |
Và giờ G đã điểm. 0 giờ ngày 11-8-1958, các đơn vị của ta bí mật áp sát các mục tiêu tiến công. Mũi tiến công của Đại đội 70 phát hiện địch chỉ có một vọng gác ở cổng ra vào trại Nguyễn Huệ, đã chớp thời cơ nổ súng diệt lính gác rồi đồng loạt xung phong vào trong trại. Địch hoàn toàn bất ngờ, không kịp phản ứng, một số bỏ chạy, số còn lại xin đầu hàng. Sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 60, 70 làm chủ mục tiêu, tiếp tục đánh sang khu nhà chủ sở cao su, bắt sống tên chủ đồn điền Ăngđeolanh và Giám đốc trồng tỉa Vôgel. Mũi tiến công của “Lực lượng Bình Xuyên ly khai” do hiệp đồng với bộ phận dẫn đường không chặt chẽ, bị lạc đường vào mục tiêu chậm nên để tên Đào Sanh Huê, quận trưởng và tên cảnh sát trưởng có thời gian trốn thoát. Mũi tiến công đồn Bến Củi nghe tiếng súng nổ ở trong chi khu cũng đồng thời hình thành 2 mũi đánh vào phía Bắc, Tây Bắc của đồn. 2 giờ 30 phút ngày 11- 8-1958, ta hoàn toàn làm chủ chi khu Dầu Tiếng.
Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng hơn 200 tên địch, thu 650 súng các loại (trong đó có 4 súng cối 81mm, 2 súng ĐKZ 57mm, 5 đại liên, 15 trung liên, 12 súng ngắn…) và hơn 2 tấn đạn các loại, 5 xe ô tô vận tải, 2 xe Jeep cùng hơn 1 triệu đồng tiền Sài Gòn, 300 USD và nhiều lương thực, thực phẩm.
Nói về trận đánh Dầu Tiếng năm xưa, ông Trần Minh Phú cho biết, có thể nói trận tiến công vào chi khu Dầu Tiếng đã gây chấn động toàn miền Nam lúc bấy giờ. Đây là trận đánh lớn đầu tiên của LLVT cách mạng ở miền Đông Nam bộ kể từ sau năm 1954, làm thất bại một bước kế hoạch bình định của địch ở tỉnh Thủ Dầu Một, hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh ở Đông Nam bộ. Đặc biệt, lượng vũ khí, lương thực thu được sau trận đánh có ý nghĩa rất quan trọng cho ta trong xây dựng, phát triển LLVT miền Đông Nam bộ trong những năm đầu khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Trận đánh giành thắng lợi là do ta đã triệt để khai thác được yếu tố bí mật, bất ngờ, đánh đúng lúc địch chủ quan sơ hở nhất. Đồng thời, ta xác định được cách đánh thích hợp bằng cách tiến công đồng loạt các mục tiêu, khống chế không cho địch tổ chức ứng cứu, chi viện cho nhau dẫn đến hoảng loạn, tự bỏ chạy và đầu hàng.
Sau khi lực lượng cách mạng tiến công vào quận lỵ Dầu Tiếng, địch báo động toàn miền Nam; đồng thời tập trung lực lượng tiếp tục thực hiện chiến dịch “Nguyễn Trãi”, đánh phá phong trào cách mạng các tỉnh Đông Nam bộ quyết liệt hơn. Ngày 23-3-1959, Ngô Đình Diệm tuyên bố miền Nam trong tình trạng chiến tranh và sau đó là ban hành Luật 10/59, một thứ luật dã man như tội ác của thời trung cổ. (còn tiếp)
Ngày 11-8-1958, các đơn vị của ta bí mật áp sát các mục tiêu tiến công. Mũi tiến công của Đại đội 70 phát hiện địch chỉ có một vọng gác ở cổng ra vào trại Nguyễn Huệ, đã chớp thời cơ nổ súng diệt lính gác rồi đồng loạt xung phong vào trong trại. Địch hoàn toàn bất ngờ, không kịp phản ứng, một số bỏ chạy, số còn lại xin đầu hàng. Sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 60, 70 làm chủ mục tiêu, tiếp tục đánh sang khu nhà chủ sở cao su, bắt sống tên chủ đồn điền Ăngđeolanh và Giám đốc trồng tỉa Vôgel...
THU THẢO