Bài 7: Trận Bến Cát: Trận tập kích quyết liệt
Trận đánh Bến Cát năm 1968 là trận tập kích quyết liệt của lực lượng ta vào Chi khu Bến Cát. Trận đánh đã thể hiện được ý chí chiến đấu, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Bến Cát trong điều kiện lực lượng ít hơn so với địch lại không có hỏa lực tăng cường nhưng vẫn tổ chức trận đánh theo kế hoạch.
Bến Cát ngày nay đã trở thành một đô thị công nghiệp phát triển năng động Ảnh: Q.C
Chi khu Bến Cát nằm sát trục đường quốc lộ 13. Sau đợt 1 tổng tiến công và nổi dậy của ta vào các thành phố, thị xã, địch tại Chi khu Bến Cát đã tăng cường phòng thủ, đề phòng ta tấn công. Cùng với việc cấu trúc bố phòng chặt chẽ, địch còn chia chi khu làm 4 khu vực riêng biệt để tiện cho việc tổ chức đối phó phản kích khi bị ta tấn công. Để tăng cường phòng thủ cho Chi khu Bến Cát, địch còn thiết lập hệ thống tua, bốt trên các hướng trọng yếu như tua Cầu Đò, Cầu Cây É, bốt ngã tư Kiên Điền, bốt sở Ông Chánh ở các hướng.
Lực lượng địch ở mỗi tua có từ 1 đến 2 tiểu đội bảo an. Riêng bốt Ông Chánh, địch bố trí 1 đại đội bộ binh thuộc Đại đội 8, Sư đoàn 5 đóng giữ. Ông Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Cát nhớ lại, chấp hành chỉ thị của Tỉnh ủy là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiến công địch, phối hợp với lực lượng vũ trang toàn phân khu thực hiện 2 đợt tổng tiến công và nổi dậy, Huyện ủy Bến Cát chủ trương tấn công tiêu diệt Chi khu Bến Cát. Huyện ủy xác định, địch ở Chi khu Bến Cát đông, có hệ thống phòng thủ chặt chẽ, đặc biệt lại được hỏa lực pháo binh của Mỹ đóng ở Lai Khê sẵn sàng chi viện tối đa. Song, địch cũng có điểm yếu như lực lượng trú đóng của nhiều đơn vị nên công tác hiệp đồng tác chiến sẽ gặp khó khăn. Số đông địch là bảo an, dân vệ và lính văn phòng nên tinh thần, khả năng chiến đấu kém.
Thực hiện quyết tâm đánh chi khu, ta sử dụng toàn bộ lực lượng của huyện gồm 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội trợ chiến, 1 trung đội nữ phục vụ và lực lượng du kích các xã bí mật tiếp cận tập kích tiêu diệt địch làm chủ Chi khu Bến Cát nhằm đẩy mạnh thế tiến công nổi dậy và phá rã hệ thống kìm kẹp của địch ở Bến Cát. Lực lượng tiến hành trận đánh có 169 cán bộ chiến sỹ, trang bị 2 súng cối 82mm, 12 súng B40, 4 đại liên, 4 trung liên, 110 súng AK, súng CKC và 12 bộc phá sào, 5 mìn ĐH10, được tăng cường 1 trung đội ĐKP (15 trái) thuộc đơn vị hỏa lực của tỉnh, chia thành 4 bộ phận chiến đấu. Bộ phận trực tiếp tiến công chi khu gồm Đại đội 1, Đại đội 2, Đại đội Đặc công, Đội 13, quân số 87 cán bộ chiến sỹ, hình thành 4 mũi tiến công, mở 3 cửa mở đột phá từ hướng đông nam và hướng nam tiêu diệt địch bên trong chi khu. Bộ phận tiến công các tua, bốt ở bên ngoài chi khu chia làm 3 phân đội. Ta còn bố trí bộ phận hỏa lực và bộ phận phòng không.
Ông Nguyễn Hữu Tâm nhớ lại: Thời gian thực hiện tiến công dự kiến vào đêm 23- 5-1968, nhưng trong quá trình chuẩn bị trận đánh, địch bung ra càn quét vào vị trí tạm dừng của các đơn vị, ta phải chuyển vị trí nên kế hoạch tiến công phải lùi lại 1 ngày. Do liên lạc đưa lệnh hoãn tiến công đến chậm, phân đội ĐKP vẫn triển khai chiếm lĩnh theo hiệp đồng. 22 giờ ngày 23-5, phân đội ĐKP bắn 15 trái đạn vào chi khu, phá hủy một số doanh trại, diệt và làm bị thương 47 tên, sau đó rút lui an toàn. Trước diễn biến không có lợi cho trận đánh, Ban chỉ huy Huyện đội Bến Cát vẫn giữ vững quyết tâm, tiến công tiêu diệt Chi khu Bến Cát dù không có hỏa lực chi viện của cấp trên.
18 giờ ngày 24-5-1968, các đơn vị của ta từ căn cứ Long Nguyên hành quân về điểm tập kết tại Mỹ Phước. Do có lực lượng du kích xã dẫn đường thông thạo địa hình, cắt tránh các chốt gác của địch nên đến 22 giờ 30 phút toàn bộ lực lượng đã đến vị trí an toàn. 23 giờ, ta thực hành chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. Ở hướng mũi 1, trinh sát dẫn đường đụng một tốp tuần tra của địch, chúng nổ súng sau đó chạy vào chi khu, toàn mũi 1 ém địa hình không nổ súng. Địch cho là du kích vào thăm dò nên không bắn pháo. 23 giờ 30 phút, các tổ phá rào của ta đã kết nối xong bộc phá, chỉ huy trận đánh lệnh nổ súng, 2 khẩu cối 82mm tập trung đánh vào dinh quận trưởng và sở chỉ huy Trung đoàn 8. Tổ đánh rào điểm hỏa mở cửa mở. Mũi 1 xung phong vào bên trong tiêu diệt địch ở tuyến tiền duyên, dùng B40 diệt 2 lô cốt, tạo điều kiện cho mũi 2 thọc sâu đánh vào khu hành chính quận. Mũi 3 đánh chiếm tiền duyên sau đó thọc sâu đánh vào trận địa pháo của địch. Mũi 4 tiêu diệt lô cốt tại cửa ra vào hướng nam chi khu, đánh chiếm khu nhà làm việc Mỹ Phước.
Bằng lối đánh bất ngờ, đồng loạt, áp sát, các mũi tiến công của ta tiêu diệt được lực lượng lớn của địch ở tuyến tiền duyên. Địch lùi về khu trung tâm chống cự, dùng cối tại sở chỉ huy Trung đoàn 8 và hỏa lực từ lô cốt ngã tư Ông Chánh ngăn chặn các mũi tiến công của ta. Địch cho máy bay lên thả pháo sáng, bắn vào khu vực chiếm lĩnh và chỉ huy của ta. Các mũi tiến công của ta sức chiến đấu giảm, đạn hỏa lực B40 đã hết. Ban Chỉ huy trận đánh nhận định khả năng dứt điểm hoàn toàn mục tiêu không thực hiện được, lệnh các mũi củng cố đội hình, đưa thương binh, tử sỹ ra khỏi trận địa. Bộ phận an ninh tuyên truyền tiếp tục truy lùng các tên tề điệp ác ôn, làm công tác tuyên truyền cách mạng. Ta làm chủ thị trấn Bến Cát đến 3 giờ sáng ngày 25-5-1968.
Qua trận tập kích, ta phá sập 4 lô cốt, 7 nhà làm việc và 12 nhà kho, nơi ở của địch, diệt và làm bị thương 70 tên địch. Tổ chức tuyên truyền cách mạng và làm chủ thị trấn Bến Cát trong nhiều giờ. Trận tập kích Chi khu Bến Cát đạt được yêu cầu nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang toàn Thủ Dầu Một thực hiện đợt 2 Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đánh tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, đưa phong trào cách mạng của địa phương tiếp tục phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Tâm cho hay, trận đánh đã thể hiện được ý chí chiến đấu, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Bến Cát trong điều kiện lực lượng ít hơn so với địch lại không có hỏa lực tăng cường nhưng vẫn tổ chức trận đánh theo kế hoạch. Quá trình tổ chức chiến đấu, chỉ huy trận đánh kết hợp việc sử dụng lực lượng tập trung và du kích tạo sức mạnh chiến đấu cho các đơn vị. Công tác điều nghiên, xây dựng quyết tâm chiến đấu tiến hành sâu sát, đúng đắn, vận dụng cách đánh linh hoạt trong giai đoạn đánh chiếm cửa mở, diệt địch ở tiền duyên.
Bến Cát là vùng đất anh hùng dù phải chịu nhiều mất mát, hi sinh trong kháng chiến. Sau giải phóng, công tác khai hoang, phục hóa, khắc phục hậu quả chiến tranh vô cùng gian nan, nhất là tại các vùng đất dằng dai giữa ta và địch. Với truyền thống của miền Đông gian lao mà anh dũng, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Bến Cát đã luôn cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng phát triển ấm no, hạnh phúc như ngày nay. Đó là truyền thống, là niềm tự hào của Bến Cát”, ông Nguyễn Hữu Tâm nói. (Còn tiếp)
42 năm kể từ khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất giang sơn, Bến Cát ngày nay đã vươn lên trở thành vùng đất đầy năng động. Kinh tế phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Bến Cát đã được nâng lên đáng kể. Đến cuối năm 2016, TX.Bến Cát có 8 khu công nghiệp với diện tích trên 4.000ha, có 2.435 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vố trên 23.000 tỷ đồng và 5 tỷ đô la Mỹ. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ của TX.Bến Cát cũng có bước phát triển tích cực. Vùng chiến khu xưa nay đã đổi thay mạnh mẽ với việc triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác chăm lo cho người có công được Đảng bộ, chính quyền TX.Bến Cát thực hiện bảo đảm…
CAO SƠN