Góp phần bảo vệ môi trường

Cập nhật: 11-03-2010 | 00:00:00

Hành trang của những người mua ve chaiTừ đầu đường, con hẻm, đâu đâu người ta cũng nghe tiếng rao “Ve chai đây, bán không?”. Ngày ngày, những người đi mua đồ phế liệu đã đi sâu vào từng góc phố, ngõ hẻm. Điều quan trọng hơn, đây không chỉ là một nghề mưu sinh mà còn góp phần trong công tác bảo vệ môi sinh, môi trường...

Chị Vũ Thị My, quê ở Nghệ An, rời quê cùng chồng vào Nam sinh sống từ năm 2006. Làm nghề mua ve chai đã được 3 năm, chị kể rằng lần đó, một bác chủ nhà tốt bụng không những mời chị vào nhà chơi mà còn lấy khoai cho chị ăn. Chị không hiểu vì sao có người đối xử tốt với chị như vậy. Chị ngại nên ra về khi trời vẫn còn mưa.

Đa số các chị mua ve chai quê ở miền Bắc, Trung vào Nam mưu sinh lập nghiệp vì ở quê, đồng ruộng không nuôi nổi họ nhất là khi mất mùa vì gió chướng... Chị Phùng Thị Hoa (quê Bắc Ninh) tâm sự: “Tôi mới vào nghề này được gần 2 tháng, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được 50.000 đồng. Tôi vào đây mua ve chai theo lời của chị bạn cùng quê, nghề này hơi vất vả nhưng cũng nhẹ nhàng hơn là đi làm thuê cuốc mướn như ngoài quê mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Hàng ngày cố gắng ky cóp để có tiền gửi về quê để gia đình lo cho đứa con trai ăn học đàng hoàng”.

Có người mua ve chai mà nuôi con đến nơi đến chốn. Chị Hoa (quê Thanh Hóa) một thân một mình vào Nam làm nghề mua ve chai cho biết, chị có đứa con gái lớn đang học đại học năm thứ nhất, chị vui lắm, dù vất vả thế nào cũng cố gắng làm kiếm tiền lo cho con mình để sau này chúng không phải vất vả như bây giờ. Nghề ve chai thường bị những người ở quê chế giễu nhưng dẫu sao thu nhập vẫn khá hơn làm ruộng ở quê. Chị Hoa kê,í lúc đầu, người ta bảo ve chai tức là đi móc bao ở cống rãnh, ở đường phố...

Theo lời chị Hoa, một ký sắt, nhựa các chị lời 2.000 đồng, một ký giấy lời 500 đồng. Làm sao đủ sống khi mỗi ngày chỉ có vài nhà bán ve chai, vậy mà thu nhập hàng ngày của họ gần cả trăm ngàn.

Người mua ve chai, dường như được cho đôi mắt tinh tường, nhìn đâu cũng có thể thấy ve chai. Từ những thùng các-tông bị ướt mưa phơi trong sân đến chiếc ghế nhựa hỏng, những túi ni-lông, những vỏ bia...

Có những thứ người ta bỏ đi nhưng biết tận dụng vẫn có thể tái chế sử dụng được. Vì thế, nghề mua bán ve chai có cơ hội tồn tại và phát triển. Những người mua phế liệu dạo cũng đã góp phần bảo vệ môi trường. Những vỏ bia, những túi ni-lông, những khúc ống nhựa cũ... nếu thải ra môi trường sẽ rất khó phân hủy. Vì thế, nếu được tập trung tái chế sẽ không chỉ góp phần hạn chế ô nhiễm mà còn tận dụng để sản xuất hàng hóa phục vụ cộng đồng.

Mỗi ngày, nghề ve chai có thu nhập khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng. Và để kiếm được chừng ấy tiền, nhiều lúc các chị phải lội vào những bãi rác thải để nhặt nhạnh hết tất cả những gì có thể bán được. Ngoài nghề ve chai, hễ lúc nào rỗi là chị đi gánh thuê cho người ta. Chị Hoa tâm sự: “Cứ việc gì kiếm ra tiền là chị lao vào nhận làm ngay, may mà ít khi bị ốm đau”. Những đồng tiền góp nhặt từng ngày của chị, phần lo nộp viện phí và thuốc thang hàng tháng cho mẹ già, phần lo cho các con và chạy bữa cho ngày hôm sau. Chưa bao giờ chị dám cầm những đồng tiền kiếm được mua cho mình một cái áo mới. Những điều giản dị ấy, với chị lại trở nên xa xỉ. Lo toan cứ oằn lên vai chị mỗi ngày một nặng hơn...

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên