Góp phần nhận diện và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người ở tỉnh Bình Dương thời kỳ mới - Bài 2

Cập nhật: 23-12-2022 | 12:58:54

Bài 2: Nhận diện hệ giá trị văn hóa, con người Bình Dương hiện nay

(BDO) Bình Dương xưa kia từng thuộc các tỉnh Thủ Dầu Một, Thủ Biên, Sông Bé, là vùng đất có truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc với lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển, được dựng xây bởi các thế hệ người Việt và một số tộc người nhập cư khác trong lịch sử. 

Vùng văn hóa giàu truyền thống

Tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa rất đa dạng về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ. Tỉnh có 3 bảo vật quốc gia là Tượng động vật Dốc Chùa, Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh, Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh; các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh là Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Nghề gốm và Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. Người Bình Dương đã hình thành nên hệ thống lễ hội đặc sắc, như lễ hội cúng đình, chùa, miếu, tổ nghề, dòng họ… Trong đó có một số lễ hội tiêu biểu, như lễ hội chùa Ông Bổn, lễ hội Kỳ Yên, lễ rước kiệu Bà của chùa Bà Thiên Hậu… thu hút đông đảo người dân cả nước tham gia. 


Các đại biểu tham quan Bảo vật quốc gia "Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh" của tỉnh Bình Dương tại một đợt trưng bày. Ảnh: Hồng Thuận

Thuộc chiến trường miền Đông, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh còn có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ; đặc biệt có căn cứ Chiến khu Đ, vùng Tam giác sắt. Đây là những “địa chỉ đỏ”, những di tích lịch sử khắc ghi giá trị về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần anh dũng chống ngoại xâm của quân, dân địa phương và lực lượng chủ lực dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Được tách ra từ tỉnh Sông Bé ngày 1-1-1997, Bình Dương ngày nay là một tỉnh công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 29 khu công nghiệp quy mô lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn thuộc tốp đầu cả nước. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có 2.685.513 người (tăng hơn 3,8 lần so với 1997). Trong đó, dân số thành thị 2.266.771 người, chiếm 84,4%; dân số nông thôn 418.742 người, chiếm 15,6%; là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất và có tỷ lệ dân nhập cư đông nhất trong cả nước (khoảng 1,4 triệu người). 

Tóm lại, Bình Dương là tỉnh có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng, đậm bản sắc dân tộc; vừa có nhiều nét chung của văn hóa Đông Nam bộ, vừa giữ được những nét độc đáo, làm nên bản sắc riêng. Có thể khái quát các giá trị cơ bản của con người Bình Dương xưa là: Kiên cường, cần cù, năng động, sáng tạo và nghĩa tình. Đây là những vốn quý để tạo đà phát triển, song cũng hàm chứa những hạn chế nhất định, nếu không biết khai thác, phát huy một cách khoa học.

Những giá trị về kinh tế, văn hóa, con người trong 25 năm qua

Sự phát triển rất hiệu quả các khu công nghiệp tập trung, với chính sách thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, cùng với chiến lược hội nhập toàn diện, mạnh dạn và hợp lý của lãnh đạo các cấp trong tỉnh, Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều mặt.   


Nghi thức rước sắc Thần - một nghi thức quan trọng trong “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An”. Ảnh: Hồng Thuận

Về kinh tế, công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24,6%/năm; kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Hiện nay, cơ cấu kinh tế tính theo GRDP công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, với tỷ trọng tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,11% - 7,67%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 1997-2020 tăng 26,1%/năm, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương đứng thứ 3 cả nước. Nhiều năm liền Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ xuất siêu lớn với bình quân khoảng 6 tỷ USD/năm. Nông nghiệp được cơ cấu lại, nâng cao giá trị sản phẩm, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Đến năm 2019, toàn tỉnh đạt 100% xã chuẩn nông thôn mới.

Về giá trị văn hóa, xã hội, con người, tỉnh đã giải quyết ngày càng tốt hơn quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Phúc lợi và an sinh xã hội ngày càng được nâng cao, bảo đảm đa số người dân đều được thụ hưởng các thành quả phát triển kinh tế; đi đầu trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Đầu tư phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật, hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngày càng tiên tiến hơn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Phát triển mạnh giáo dục với đầy đủ các bậc học, nhiều năm liền có tỷ lệ tốt nghiệp THPT vào tốp cao nhất nước. 

Tỉnh hiện có 8 trường đại học, trong đó Đại học Thủ Dầu Một là trường công lập đa ngành, đã đạt thứ hạng cao về thành tích nghiên cứu và tốp 30 về công bố quốc tế, hàng năm đào tạo và cung ứng 4.000 - 5.000 lao động có chất lượng cho xã hội. Về y tế, dù còn nhiều bất cập, song đã chăm sóc khá tốt cho sức khỏe nhân dân; góp phần to lớn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành công, tạo ra môi trường thấm đượm nghĩa tình trong hoạn nạn. Năm 2017, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương; hộ nghèo theo chuẩn (cao hơn) của tỉnh chỉ còn dưới 1%. Khoa học và công nghệ được đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. 

Tỉnh đã chính thức gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF); 3 năm liền được vinh danh là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu nhằm trao đổi học thuật, tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách cho địa phương, vùng và cả nước.

Những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, văn hóa và con người Bình Dương trong hơn 25 năm qua là rất đáng trân trọng và tự hào. Đó là kết quả của sự kế thừa và phát huy một cách tốt nhất những thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước; sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt mọi khó khăn để thực hiện khát vọng vươn lên chính là những giá trị cơ bản, động lực chủ yếu để phát triển nhanh, bền vững.

Tiến sĩ BÙI TRUNG HƯNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=642
Quay lên trên