GS Ngô Bảo Châu và 2 kỹ năng sống

Cập nhật: 19-08-2010 | 00:00:00

Hôm nay, 19-8, tại Ấn Độ, Đại hội Toán học thế giới 2010 khai mạc. Theo chương trình, tại đây GS Ngô Bảo Châu sẽ đọc báo cáo trước toàn thể đại hội. Và cũng tại đây, nếu GS Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields (được xem là giải Nobel của ngành toán học thế giới), Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 2 tại châu Á và thứ 14 trên thế giới có nhà khoa học đoạt giải thưởng danh giá này. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với GS Ngô Bảo Châu ngày 8-8.

Từ “Bổ đề cơ bản” đến cơ hội lớn của Việt Nam

Vào đầu tháng 12-2009, Tạp chí Time (Mỹ) công bố 10 công trình khoa học nổi bật, mang tính lịch sử của năm 2009. Trong đó, công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” của GS Ngô Bảo Châu và GS Gerard Laumon (người Pháp) được xếp thứ 7 trong danh sách này.

Trong một lần trả lời báo chí, GS Ngô Bảo Châu đã giải thích: “Bổ đề cơ bản” là một bài toán có tính kỹ thuật, nhưng lại có tính mấu chốt trong Chương trình Langlands. “Bổ đề cơ bản” là chìa khóa để nối liền, ứng dụng các lý thuyết toán học vào thực tế đời sống. Các vệ tinh khó mà phóng được nếu ta không giải được các hệ phương trình rắc rối xác định quỹ đạo của nó. Để nén thông tin, nén ảnh cũng phải nhờ đến những thuật toán của toán học... Tất cả đều xuất phát từ “Bổ đề cơ bản” của toán học. Và điều cốt yếu phải chứng minh được sự tồn tại “Bổ đề cơ bản” của toán học trong phạm vi hẹp của các định lý cơ bản đến những trường hợp tổng quát.

Trong 2 năm gần đây, GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra một chứng minh xuất sắc cho “Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát”. Chứng minh đó đã được cộng đồng toán học thế giới kiểm tra và khẳng định chính xác. Đánh giá về các công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học Peter Sarnak (Viện Nghiên cứu cao cấp tại Princeton) khẳng định: “Điều này giống như việc có người làm việc ở phía xa bên kia bờ sông, đợi ai đó bắc một chiếc cầu qua sông và giúp họ chứng minh được sự tồn tại của mình...”.

GS Hà Huy Khoái, Viện Toán học, thuộc Viện KH-CN Việt Nam cho rằng, với những kết quả đó, gần như chắc chắn là GS Ngô Bảo Châu sẽ được nhận Giải thưởng Fields tại Đại hội Toán học thế giới năm 2010 này.

Bước ngoặt cho ngành toán học Việt Nam

GS Ngô Bảo Châu hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ), tham gia giảng dạy tại Đại học Chicago, đồng thời là GS của Viện Toán học Việt Nam. Trên blog của mình, ông tự nhận là “Hòa thượng thích toán học”.

GS Châu đã từng tâm sự: “Có hai kỹ năng sống mà tôi mất nhiều thời gian mới học được. Một là cách khen ngợi người khác thật lòng, khen vô tư, không có ý gì ở đằng sau. Hai là cách tiếp nhận lời khen: phải trân trọng nó như một món quà nho nhỏ của cuộc sống. Nhưng không nên đặt quá nhiều quan trọng vào một lời khen: không phải vì người ta khen mình một câu mà bỗng nhiên mình trở nên thông minh hơn. Nếu cái tin giật gân này cũng đem đến cho bạn một chút vui, một chút tự hào, thì đó là điều tôi mong muốn nhất”.

Điều đáng chú ý là mới đây, khi GS Ngô Bảo Châu về nước (trước khi qua Ấn Độ tham dự Đại hội Toán học thế giới), nhân dịp đến thăm nhà GS Ngô Bảo Châu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn GS Ngô Bảo Châu sẽ đảm đương vai trò đầu đàn của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020, trong đó cụ thể là Viện Nghiên cứu cấp cao về toán.

Mới đây nhất, ngày 17-8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình là phát triển nền toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt. Một trong các giải pháp đầu tiên để thực hiện mục tiêu đó là xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về toán.

Tại Đại hội Toán học thế giới 2010, ngoài GS Ngô Bảo Châu, còn 5 người khác cũng có cơ hội đoạt giải Fields, gồm: Christopher Hacon (Anh, 40 tuổi); Artur Avila (Brazil, 31 tuổi); Ben Joseph Green (Anh, 33 tuổi); Manjul Bhargava (Canada, 36 tuổi); Danny Calegari (Australia, 38 tuổi). Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học Việt Nam và các diễn đàn toán học quốc tế, GS Ngô Bảo Châu là ứng viên sáng giá nhất cho giải Fields năm 2010. Ông là 1 trong 20 diễn giả được mời báo cáo chính thức tại đại hội này. Tính từ năm 1936 (năm đầu tiên xét thưởng giải Fields, chỉ dành cho những nhà toán học xuất sắc dưới 40 tuổi) đến nay, cả thế giới mới có 48 nhà toán học có vinh dự này.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X