GS - NS Ca Lê Thuần: Quá nhiều xu hướng văn học trên mạng!

Cập nhật: 08-11-2010 | 00:00:00

Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã mời GS-NS Ca Lê Thuần, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM đến nói chuyện với văn nghệ sĩ trong tỉnh. Rất nhiều thông tin về văn chương hiện đại được ông cập nhật theo tinh thần biết để... tự kiểm định nhằm lập lại tình hình trật tự trong lĩnh vực VHNT hiện nay...

  GS-NS Ca Lê Thuần (thứ 3 từ trái sang) cùng văn nghệ sĩ Bình Dương Chưa bao giờ văn học mạng lại... bùng nổ như hiện nay. Văn chương (nghệ thuật và... không nghệ thuật!) hễ cứ viết ra là tha hồ tải lên mạng cho bàn dân thiên hạ... đọc chơi! Các trang blog cá nhân, các trang web văn học quá nhiều mà người lướt mạng khó bề lướt qua cho hết dù là “cưỡi ngựa xem hoa”. Nội dung thì thiên hình vạn trạng. Để câu khách, có nhiều truyện ngắn, những bài tản văn viết theo kiểu... tạp nham với các đề tài ngoại tình, thất tình, bạo lực, ma quái... Tất nhiên, ở đây chúng ta không nói đến những trang web cá nhân nghiêm túc của các nhà văn tên tuổi. Bởi, để “bắt kịp” nhịp sống số hiện nay, tác phẩm của họ viết ra được tải lên blog cho mọi người tìm đọc. Đưa tác phẩm của mình lên mạng cũng là cách nhanh nhất để tác phẩm đến với độc giả. Những nhà văn có lượng độc giả tìm đọc nhiều hiện nay có thể kể đến như: Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Hồn Nhiên, Trang Hạ, Keng...

Theo GS-NS Ca Lê Thuần, người đọc văn học trên mạng phải là người... thông minh. Độc giả phải nhanh chóng nhận biết những gì cần đọc và những gì vô bổ, thậm chí có hại để... tránh và kêu gọi người thân của mình cùng tránh. Bởi theo ông là quá nhiều xu hướng văn chương hiện đại trên mạng. Trong đó có những bài viết không theo đúng định hướng của VHNT. Trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, trong văn chương, chúng ta cần bình tĩnh để nhận ra những điều sai, đúng; cần chống lại  sự xâm hại của văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy... Bởi, đó là sự xâm nhập và hủy hoại nhận thức, đạo đức. Nếu người đọc không “nhạy” sẽ rất dễ bị chệch hướng với những “dẫn dắt” không biết đi tới đâu...

Cũng trong buổi nói chuyện rất chân tình, cởi mở này, GS-NS Ca Lê Thuần còn đưa ra những nhận xét,  đánh giá 3 năm thực hiện và triển khai các đề án Nghị quyết số 23 NQ/T.Ư (ngày 16-6-2008) của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Ông  đánh giá rất sâu sắc về tình hình văn học nước nhà hiện nay đồng thời nói đến định hướng của VHNT. Theo ông, người viết cần có ngôn ngữ văn chương hiện đại trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế. Vấn đề cả người viết và người đọc cần thận trọng đó là sự bùng nổ thông tin trên mạng... Ông cũng nhắc nhở người làm VHNT cần đề cao chức năng hướng đến chân thiện mỹ, giúp con người biết cảm xúc đúng đắn chứ không vô cảm trong cuộc sống hiện đại.

Và dù với xu hướng nào đi nữa, chúng ta cần nhớ văn chương bao giờ cũng góp phần làm tiến bộ xã hội, là phản ánh trung thực cuộc sống hiện thực bằng nghệ thuật. Văn học luôn được thực hiện theo tinh thần nâng đỡ con người, giúp con người sống tốt với nhau hơn...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên