Đó là anh Lương Văn Cường (SN 1988), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Tân Hiệp (Tân Uyên) không chỉ sản xuất giỏi mà tích cực với công tác Đoàn.
Học tập mô hình trồng gừng và thường xuyên theo dõi chương trình “Bạn với nhà nông” trên VTV2, Cường đã làm thử và nhận thấy thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cách trồng gừng trong bao sọt và cách trồng thâm canh trên đất. Đầu tiên, anh trồng 100 bao trên diện tích đất nhà, sau khi thử nghiệm thành công anh đã thuê thêm đất trồng. Trồng gừng không mất nhiều thời gian chăm sóc, mà lợi nhuận lại cao nên từ tháng 2-2011, Cường mạnh dạn đầu tư nhân rộng từ 700 - 1.000 bao. “Mô hình trồng gừng vừa giúp cho mình có thu nhập để trang trải cuộc sống, vừa không mất nhiều thời gian chăm sóc” - Cường cho biết.
Theo anh, chọn gừng làm giống là khâu rất quan trọng. Gừng có nhiều loại: gừng nồi Long An, gừng dé, gừng tàu... Trước khi chọn giống, phải tìm hiểu kỹ tính năng của từng loại giống, xem có thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương thì mới chọn trồng. Cường cho rằng, giống gừng dé với đặc tính củ to, da bóng láng, không teo, ít bị sâu bệnh rất phù hợp trồng trên đất xám (đất Bình Dương). Muốn cho gừng mọc mầm đồng đều cần ủ gừng trước, không dùng dao mà phải dùng tay để tách nhánh, khi tách xong nhúng qua dung dịch diệt khuẩn, ngâm khoảng 15 phút, vớt ra để ráo nước. Một tuần sau tiến hành ủ, trải một lớp tro trấu dày từ 10 - 20cm, sau đó xếp gừng thành đống cao 20 - 30cm, tủ lên một lớp rơm, tưới nước đủ ẩm, không quá khô, không quá ướt. Nếu khô gừng sẽ khó nảy mầm, nếu ướt quá gừng dễ bị thối.
Thời gian ủ khoảng 10 - 15 ngày gừng nảy mầm thì mang ra trồng. Đất trồng cần làm tơi xốp, cây gừng rất háo nước nhưng không chịu được úng nên cần lên liếp. Liếp ngang 1,2m, dài tùy theo khổ đất, cao 20 - 30cm, mặt liếp làm đất nhỏ san thật bằng phẳng để rễ gừng phát triển. Sau khi làm đất, tiến hành xuống giống gừng, khoảng cách trồng hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 30cm, trồng xong tủ rơm và tưới nước giữ độ ẩm vừa phải để gừng lên. Cường bảo: “Với số lượng gừng trồng hiện nay, trong 4 tháng tới, hy vọng tôi sẽ thu về số tiền lãi khoảng 8 triệu đồng”.
Đánh giá về mô hình trồng gừng của Cường, chị Nguyễn Thị Huệ, Bí thư Xã đoàn Tân Hiệp nói: “Chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi của địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là phương pháp trồng gừng của anh Lương Văn Cường là cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng. Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được Xã đoàn chọn giới thiệu nhân rộng ra địa phương trong thời gian tới”.
Dù bận rộn với việc làm ăn, nhưng anh Cường vẫn không quên vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã. Anh luôn nhiệt tình trong công tác Đoàn, tự thân vươn lên lập nghiệp và làm giàu chính đáng.
TỐ TÂM