Những tấm gương sáng mà chúng ta mua về phản chiếu tất cả những gì có trước mặt chúng. Song, gương lại không bao giờ phản chiếu cho ta thấy những vết thương, những cái chết của người thợ làm nên chúng. Đôi khi gương giúp ta soi rọi, tô điểm dung nhan mình. Nhưng ta đâu hề biết, trước đó, bao người thợ, bao cô gái đã hy sinh dung nhan của họ để góp tay tạo ra những chiếc gương nguyên lành.Miếng kính sắc nhọn bay qua cắt lên khuôn mặt trăng rằm của Loan một đường oan nghiệt. Loan bỏ nghề. Rồi nhiều cô gái trẻ khác cũng bỏ theo. Rốt cuộc trong núi kính vỡ chỉ còn những người đã có chồng hoặc bà góa. Nghề đập kính là thứ nghề cay nghiệt, nguy hiểm nhưng lại ít được biết đến. Trên địa phận huyện Thuận An (Bình Dương) có những phận người hàng ngày mưu sinh trên những núi kính vỡ. Chỉ cần một thoáng bất cẩn là máu chảy.
Vào núi kính vỡ
Càng lại gần càng ghê sợ! Giữa trưa nắng chói chang, nhìn từ xa những bãi kính vỡ ở xã An Phú khá đẹp vì lấp lánh sắc trắng của thủy tinh. Nhưng khi lại gần bãi thủy tinh lộ nguyên hình là những đống đổ nát với những thớ kính sắc hơn dao, dọc ngang tua tủa. Lầm lũi trong núi kính vỡ ghê rợn ấy lại là những người đàn bà mảnh mai, những người đàn ông còm cõi. Đi sâu vào núi kính, tôi chẳng nghe tiếng họ cười nói chỉ nghe tiếng kính bị đập vỡ một cách chát chúa. Sau mỗi cú đập, dăm kính bay tung tóe như những mũi tên vô hình.
Vợ anh Bảy nhoài người lôi những tấm kính tới gần ể ập vỡ và dồn chúng vào baoTôi lạnh người khi chứng kiến cảnh một phụ nữ ngoài 40 tuổi mang đôi dép nhựa mỏng manh bước soàn soạt trên núi kính với những mảnh vỡ sắc lạnh. Sau đó, chị ngồi thịch xuống, kéo những tấm kính cũ lại gần rồi dùng búa tay đập tan tành. Theo từng nhát búa của chị, dăm kính tóe ra. Chị phải liên tục nheo mắt để dăm kính không găm vào “cửa sổ tâm hồn”. Chị là vợ anh Bảy - người đàn ông quê miền Tây, đập kính lâu năm nhất ở bãi này. “Chúng tôi cũng chẳng biết gọi nghề mình đang làm là nghề gì. Chủ thu mua kính cũ, kính hỏng về đổ ở đây. Cả ngày, chúng tôi chỉ đập những tấm kính cũ vỡ nát rồi hốt chúng vào các bao tải, xong khiêng lên xe container để xe đưa chúng ra cảng đến những cơ sở tái chế kính ngoài Hà Nội”, anh Bảy nói. Anh cho biết thêm: Chủ vựa thu mua kính cũ, kính hư với giá 700 - 800 đồng/kg. Mỗi kg kính sau khi được đập nát, chủ vựa bán lại cho các cơ sở tái chế với hơn 1.000 đồng/kg. Tiền công đập kính, thồn bao, mỗi “thợ đập” được chủ vựa trả 100 đồng/kg. “Mỗi bao nặng khoảng 50 - 60kg. Làm từ tờ mờ sáng đến chiều tối được khoảng 20 - 30 bao, kiếm được hơn 100 ngàn đồng”, anh nhẩm tính.
Ở xã An Phú này, bên cạnh những bãi kính vỡ, gương vỡ còn có những bãi vỏ chai vỡ. Cũng như những người đập kính, “thợ đập vỏ chai” cũng chỉ được trang bị những đôi bao tay bằng vải nhưng phải liên hồi lùa hốt, thồn những đống vỏ chai sắc nhọn vào bao. “Một ngày đôi bao tay rách không biết bao nhiêu lần, lấy chỉ vá thì chỉ cũng bị miểng chai cắt đứt. Đi làm tôi phải thủ dây kẽm. Bao tay lũng chỗ nào thì lấy kẽm quấn chỗ đó”, ông Nguyễn Văn Bền, vừa cởi chiếc bao tay sờn cũ ra vừa nói. Tôi ớn lạnh khi thấy trên bàn tay gân guốc, đen đúa của người đàn ông ngoài 50 tuổi này dăm thủy tinh găm lấp lánh. Bên cạnh những vết thương vừa liền da có một vết cắt đang rỉ máu.
Hy sinh nhan sắc
Hai sắc màu đeo bám những người phụ nữ theo nghề đập kính là màu trắng của thủy tinh và màu đỏ của máu. “Máu không chảy thì không có tiền. Làm nghề này ai mà không bị kính đâm, kính cắt hả em?”, chị Bùi Thị Nô, quê Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau nói. Trên hai cổ tay của chị là những vết sẹo vừa liền da. “Cổ tay bên này bị kính đâm tháng trước, còn cổ tay bên này bị kính xẻo mới đây. Máu tuôn ra đỏ cả đống thủy tinh này”, chị Nô lè lưỡi kể. Một người đàn ông thỏ thẻ vào tai tôi: “Phụ nữ họ ngại đấy, nếu họ vén áo và ống quần lên mới thấy thương, vết đâm, vết cắt của thủy tinh khắp người”. Đối với chị Nô, những tấm kính vỡ mang theo ước ao thoát nghèo của chị. Chị cùng chồng và hai đứa con nhỏ dắt díu nhau từ đất Mũi Cà Mau lên Bình Dương, tiền nhà trọ, tiền ăn uống và giấc mơ nuôi con ăn học thành tài khiến chị đập kính không ngơi tay. Chị dựng luôn một cái chòi nhỏ giữa núi kính vỡ để có thể đập kính, thồn bao liên tục bất kể nắng mưa. “Hôm nào bị kính cắt sâu quá, nhức quá thì không đi làm chứ bị thương nhẹ nhẹ thì xá gì. Mình ít học làm nghề gì cũng khó. Có cái nghề này thu nhập không cao nhưng cũng đủ tiền đắp đổi qua ngày, chỉ mong cho tương lai con cái sẽ sáng sủa hơn mình” - chị nói.
Đi khắp những bãi kính vỡ rải rác trên đất Thuận An, ngoài những người đàn ông còm cõi, tôi chỉ gặp những phụ nữ luống tuổi, đã có chồng như chị Nô hay vợ anh Bảy. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của một cô gái trẻ nào theo nghề đập kính. “Con gái nhà nào theo nghề này thì khỏi lấy chồng đi”, những người thợ đập phán và kể cho bi kịch của một cô gái 21 tuổi tên Lê Bích Loan. Loan và hai cô gái cùng quê từ Tiền Giang lên Bình Dương sống bằng nghề đập kính vào năm 2007. Loan có làn da không trắng nhưng đôi mắt, bờ má, làn môi, sóng mũi của Loan hợp hòa với nhau tạo thành một chân dung thiếu nữ đẹp như trong tranh. Khi đập kính, 3 cô bạn này thường ngồi gần nhau, vừa đập vừa tíu tít chuyện trò. Cũng vì khoảng cách quá gần Loan đã không kịp né khi một mảnh kính bay từ chỗ đập của cô bạn lên thẳng mặt mình. Mảnh kính dài khoảng 7cm, cứa đứt sóng mũi thanh tú của Loan rồi sọc một đường dài trên bờ má nõn nà. Vết cắt lành nhưng để lại sẹo khiến Loan tủi hổ, phải đeo khẩu trang liên tục. Nhiều người không biết còn đồn đại cô ham giàu đeo đuổi đại gia bị vợ người ta rạch mặt. “Con bé khóc thảm lắm. Vừa tủi vừa tức cái miệng đời. Nó bỏ nghề về quê. Hai đứa bạn cũng nghỉ theo. Chuyện cũng đã qua một năm rồi. Không biết bây giờ con bé Loan có lấy được chồng không nữa?” - một phụ nữ luống tuổi kết thúc câu chuyện bằng một câu hỏi buồn.
Gương vỡ lại lành
Người có vết cắt dài nhất còn làm việc ở khu này là anh Bảy. Trong lúc anh khiêng bao tải đựng kính vỡ lên container, một miếng kính nhọn hoắt đâm thủng bao, chọt thẳng vào bắp chân kéo một đường dài bằng gang tay. “Vết cắt sâu quá, miếng thịt trên bắp chân ổng đứt ra, lủng lẳng. Khâu rồi mà nhức buốt từ ngày này qua tháng nọ”, vợ anh Bảy nói về vết thương của chồng bằng cái giọng xót đắng. Hai vợ chồng chị hơn 3 năm nay neo bám với nghề này để nuôi con nhỏ. Chị Bảy cho biết những người thợ đập kính như vợ chồng chị bị cắt tay, xẻo chân riết thành quen, những vết thương nhỏ chẳng cần uống thuốc cũng tự lành. Kinh hãi cái nghề “mất máu” này nhiều người mới vào làm vài bữa đã rút. Có người cố neo bám với nghề đã phải “ra đi”. Đó là trường hợp chị Năm Hoa, quê Bến Tre, từng trọ ở thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên. Cách đây 2 năm, khi đang leo lên “núi” kính vỡ, chị xui rủi vấp phải miệng bao tải và gục ngã trên những đống thủy tinh. Hai mảnh vỡ sắc nhọn đâm thẳng vào ngực khiến tim chị ngừng đập mãi mãi. Anh Lê Văn Xô, một người thợ đập kính cùng quê với chị Hoa kể lại, lúc đến viếng linh hồn chị trong nghĩa địa ở quê, anh đã bỏ 70.000 đồng để mua một tấm kính nguyên lành đặt lên mộ chị. Anh kể cả đời chị Hoa sống trong nghèo khó, bươn chải với sông nước ruộng đồng rồi quần quật trong những núi kính vỡ ở Bình Dương. Sống gần kính, gần gương, nhưng chị chưa bao giờ dám bỏ tiền để mua cho mình một chiếc gương đẹp để soi dung nhan. Ngay cả đôi kính mát dùng để bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” khỏi dăm kính khi làm việc chị cũng dự định mấy lần nhưng chưa kịp mua.
“Gương vỡ lại lành”, những tấm kính vỡ, gương vỡ qua tay những người thợ đập như chị Nô, chị Hoa đến những nhà máy tái chế nào đó để cho ra đời những tấm gương, tấm kính nguyên lành cho đời. Vẫn biết những tấm gương, tấm kính nguyên lành và trong sáng ấy không bao giờ phản chiếu cho ta thấy những vết thương, những cái chết của những người thợ góp phần tạo nên chúng, nhưng qua bài viết này tôi hy vọng, khi nhìn vào những những tấm gương sáng đặt trước bàn trang điểm hay những tấm kính to lớn lắp trong cánh cửa của những tòa nhà, chúng ta hãy hiểu rằng trong đó chúng có thể có những giọt mồ hôi, những giọt máu và biết bao sự hy sinh thầm lặng của những người thợ đập kính.
ĐOÀN CÁT TƯỜNG