Hà Huy Tập: “Hãy xem tôi như người còn sống” – Bài 1

Cập nhật: 21-04-2016 | 07:03:13

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24.4.1906 - 24.4.2016), từ số báo hôm nay, Báo Bình Dương xin trân trọng gửi đến độc giả loạt bài viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Chân dung một con người tuy mới 35 tuổi đời nhưng có đến 16 năm hoạt động cách mạng. Với những đóng góp to lớn của ông, Đảng và nhân dân mãi mãi ghi nhớ về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của dân tộc. 

 

Bài 1: Ông giáo của những đứa trẻ con nhà nghèo

Dẫu cuộc đời khép lại ở tuổi 35 nhưng cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã có những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi và vinh quang. Ông không chỉ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một người lãnh đạo tận tụy, năng động, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, mà còn là một người thầy bản lĩnh, tận tâm, tận lực gieo mầm cách mạng cho bao thế hệ học sinh và tầng lớp cần lao.

 Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Ông sinh ngày 24-4-1906 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ của ông là Hà Huy Tương, có đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và bốc thuốc giúp người. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân chất phác, thương chồng, tần tảo nuôi con, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê. Hà Huy Tập là người con thứ 3 trong gia đình có 5 anh em.

Ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)

Ngay từ thưở nhỏ, Hà Huy Tập đã chịu sự dạy dỗ, ảnh hưởng từ cha. Chính tư tưởng Nho học và lối sống thanh bạch của người cha, tấm lòng nhân hậu, bao dung của người mẹ cùng lòng căm thù sự tàn bạo của thực dân… góp phần hình thành, hun đúc trong Hà Huy Tập một nhân cách hơn người.

Lúc đầu, Hà Huy Tập được cha mình dạy tiếng Hán tại nhà, sau đó đi học và đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường tiểu học ở tổng Thổ Ngọa nhưng do gia cảnh khó khăn nên không được học tiếp. Từ tháng 9-1917, nhờ có người giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học trường Tiểu học Pháp - Việt. Năm 1919, Hà Huy Tập đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc do nhà trường tổ chức, được cấp học bổng, rồi vào trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu - bằng Thành chung, nhưng vì gia đình nghèo không đủ điều kiện để học tiếp ở bậc cao hơn nên ông về làm giáo viên trường Tiểu học Pháp - Việt tại Nha Trang (Khánh Hòa), nay là trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Đây cũng là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của thầy giáo Hà Huy Tập. Bởi thời gian này, Hà Huy Tập tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, hiểu thêm về tội ác của thực dân Pháp, cuộc sống bần hàn của nhân dân lao động ở Việt Nam và Đông Dương. Ông đã thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới xiềng xích của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương.

Noi gương cha, ngoài việc dạy học cho lớp trẻ, trích tiền lương để mua sách vở cho các học sinh nghèo, ông còn dạy chữ, đồng thời, truyền bá tư tưởng yêu nước cho những người lao động. Hoạt động của thầy giáo trẻ Hà Huy Tập đã được đông đảo tầng lớp trí thức tán đồng và cuối năm 1925, đồng chí được giới thiệu gia nhập Hội Phục Việt.

Niềm vui được sánh vai với những người đồng chí, đồng đội để thực hiện khát khao, hoài bão lớn đã biến thành sức mạnh nên dù bận rộn với công việc dạy học, đồng chí Hà Huy Tập luôn là một trong những nhân tố tích cực trong các phong trào hoạt động của Hội Phục Việt như: diễn thuyết ca ngợi tinh thần yêu nước, kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh; hay việc gửi tới Toàn quyền Đông Dương yêu cầu xóa án cho nhà cách mạng Phan Bội Châu… Ông cũng là một trong những người đầu tiên đứng ra thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Khánh Hòa.

Bị chính quyền thực dân sa thải và trục xuất khỏi Nha Trang, tháng 8-1926, ông trở về quê hương và tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng bằng việc dạy học tại trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh, Nghệ An. Thầy giáo Hà Huy Tập đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng những người lao động nghèo ở Trường Thi - Bến Thủy và những vùng lân cận… Thầy không chỉ mang lại con chữ, kiến thức văn hóa mà còn cả ánh sáng của lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước đến với tầng lớp cần lao.

Những hoạt động của Hà Huy Tập đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển. Nhưng ông cũng đã sớm bị mật thám theo dõi và cuối cùng, Công sứ Vinh lệnh cho Đốc học Vinh cách chức giáo viên đối với Hà Huy Tập. Tạm xa quê, ông tiếp tục vào Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ gây dựng và phát triển phong trào. Từ khi thầy giáo trẻ xuất hiện cũng là lúc phong trào bãi khóa của học sinh trường Tiểu học Tư thục An Nam học đường ở Gia Định chống lại chế độ giáo dục thực dân của nhà trường được phát động. Không dừng lại ở đó, phong trào cách mạng ở Sài Gòn như được tiếp lửa, ngày càng sục sôi, khí thế.

Dẫu đã đề cao tinh thần cảnh giác và thường xuyên thay đổi chỗ ở nhưng cuối cùng Hà Huy Tập cũng không thể tránh khỏi tai mắt của quân thù. Tháng 6-1928, Hiệu trưởng An Nam học đường đã có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của ông với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa.

Khép lại 5 năm gắn bó với sự nghiệp dạy học, người thầy tận tâm, mẫu mực và bản lĩnh Hà Huy Tập đã trở thành tấm gương sáng, ươm mầm lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước. Bao thế hệ học sinh và những đồng đội, đồng chí của thầy tiếp tục vững bước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

THU THẢO

Bài 2: Người cộng sản kiên trung

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1287
Quay lên trên