“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam!

Cập nhật: 19-12-2022 | 08:41:35

Bài 1: Chủ động đối phó

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B.52 vào Thủ đô Hà Nội, TP.Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc nhằm giành thắng lợi áp đảo về quân sự, làm xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán tại Paris có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích của Mỹ; bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B.52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Địch cứu vãn tình thế

Năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ đó, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với bản chất hiếu chiến, xâm lược và phản động, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để đánh phá miền Bắc, chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất. Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam - Bắc, tháng 11-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đồng thời chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bắt đầu vào giai đoạn quyết định. Trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B.52 tại Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân

Để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... Tuy nhiên, quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch. Thắng lợi này làm cho cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta, trong khi phía Mỹ không đạt được mục tiêu đề ra của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

Chiến tranh càng tiếp tục kéo dài, càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ và khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống Ních-xơn. Hội nghị đàm phán bốn bên tại Paris đã kéo dài mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đến đầu tháng 10-1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và phía Mỹ chấp thuận bản dự thảo này.

Âm mưu và tội ác

Sau khi Ních-xơn tái cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, đế quốc Mỹ đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ bản dự thảo hiệp định đã thỏa thuận với ta, đòi ta phải sửa chữa nhiều điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí. Ngoại trưởng Mỹ H. Kít-xinh-giơ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta. Ngày 17-12-1972, Tổng thống Ních-xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II” (Linebacker II).

Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng. Mục đích tiếp theo là đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới.

Thực hiện âm mưu này, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B.52 gồm 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ lúc bấy giờ; máy bay không quân chiến thuật có 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay có 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

Về phía ta, với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và sự chủ động về chiến lược, chiến dịch, tổ chức xây dựng được thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp với các lực lượng chủ yếu là bộ đội ra đa, bộ đội tên lửa phòng không, bộ đội pháo phòng không, bộ đội không quân tiêm kích và lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Ngoài ra, lực lượng công an nhân dân, cán bộ, nhân viên cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, đài phát thanh... và nhân dân toàn miền Bắc cũng được tổ chức chặt chẽ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tham gia giúp đỡ nhân dân sơ tán, giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, san lấp, sửa chữa sân bay, làm trận địa tên lửa, cao xạ, ra đa, nguy trang cất giữ vũ khí, khí tài, báo động địch tấn công, tuyên truyền chiến thắng, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng cầm súng ngày đêm canh giữ bầu trời.

Như vậy, trước khi diễn ra cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc cuối tháng 12- 1972, ta đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp, hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ trước mọi tình huống.

Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12-1972 là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần B.52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom, đạn. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.
Ních-xơn đã ra lệnh cho B.52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B.52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người chết, bị thương.

(còn tiếp)

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên