Hà Nội: Ngày 25-2 chốt phương án chữa trị rùa hồ Gươm

Cập nhật: 22-02-2011 | 00:00:00

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đã đề nghị các nhà khoa học nhiệt tình cộng tác với UBND Hà Nội nhằm sớm thống nhất phương án chữa trị cho rùa hồ Gươm để chậm nhất là ngày 25-2 đưa ra phương án tối ưu.

 

Tại cuộc họp chiều 21-2, nhiều nhà khoa học đã đề xuất các phương án chữa trị vết thương cho rùa hồ Gươm. Theo bà Phạm Thị Vân, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, có 2 cách chữa trị cho rùa. Thứ nhất là không đưa rùa lên cạn mà xử lý nước hồ với việc cấp nước vào hồ, tiếp đến dùng chất khử trùng thế hệ mới để giảm thiểu mầm bệnh trong nước hồ. Sau 48h lại sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ 20-30 ngày một lần để tái tạo nguồn sinh vật có lợi trong hồ, đồng thời nạo vét bùn ô nhiễm. Tuy nhiên, cách này lại không xử lý triệt để vết thương cho rùa.

 Cụ rùa Hồ Gươm mang trên mình nhiều vết thương. 

Cách thứ hai là đưa rùa lên cạn để xử lý vết thương và kết hợp với xử lý môi trường hồ như cách một. Trong cách này được chia làm nhiều bước cụ thể, từ bắt rùa, đưa vào bể nước đã xử lý, lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, xử lý vết thương, phân tích tác nhân gây bệnh, tính toán liều lượng thuốc cần dùng để chữa trị xong mới thả rùa trở lại hồ.

 

Rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã nghiêng về giải pháp đưa rùa hồ Gươm lên bờ để chữa trị triệt để. Các giải pháp bắt rùa nghiêng về ba phương án: bẫy, đánh lưới và cải tạo lối lên tháp Rùa. PGS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng bắt trong môi trường nước với cá thể lớn như rùa hồ Gươm là không đơn giản và cần phải tính đến nhiều phương án cùng lúc.

ảnh cụ rùa

 

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, cải tạo môi trường hồ Gươm sẽ là việc được triển khai ngay trong những ngày tới. Hiện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường gấp rút hoàn thiện kế hoạch bổ sung nước cho hồ, chuẩn bị phương tiện nạo vét vật cản có thể ảnh hưởng đến đường di chuyển của rùa... Về lâu dài, các công nghệ tiên tiến sẽ được triển khai để nạo vét bùn ở khu vực trung tâm của hồ nhằm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường sống của các loài động vật. Ngoài ra, việc bổ sung bè thực vật thủy sinh theo tư vấn của nhiều chuyên gia đến từ Viện Công nghệ môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường cũng được tính đến.

 

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm triển khai ngay các biện pháp tăng cường kiểm tra, bảo vệ quanh khu vực hồ. Việc câu cá, phóng sinh rùa tai đỏ hay chất phế thải xuống hồ bị tuyệt đối nghiêm cấm. Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường sẽ hoàn thành công tác di chuyển đường cấp thoát nước, đường điện của đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa trước ngày 25-2. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành chức năng cũng sớm tìm giải pháp cải tạo đường lên chân Tháp Rùa để rùa có thể bò lên như trước đây song song với các giải pháp bắt giữ để chữa trị khi cần.

 

Ông Nguyễn Văn Khôi đề nghị các nhà khoa học tiếp tục cộng tác với UBND Hà Nội nhằm sớm thống nhất phương án chữa trị, để chậm nhất là ngày 25-2 có thể đưa ra phương án tối ưu nhất.

 

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=397
Quay lên trên