Hà Nội quyết định xây dựng 4 cổng chào

Cập nhật: 29-06-2010 | 00:00:00

UBND Hà Nội vừa chấp thuận phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ vào thủ đô, riêng cổng chào tại quốc lộ 5 đi Hải Phòng chưa được phê duyệt. Các công trình sẽ hoàn thành trước ngày 2-9.

 

Theo UBND thành phố, cổng chào đảm bảo yêu cầu là công trình có nét đẹp văn hoá, không mang tính chất vĩnh cửu, có thể chỉnh sửa được, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật để tuyên truyền, chào đón khách trong nước và quốc tế đến dự đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

  Cổng chào trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ với biểu tượng hai dãy song song 5 cánh chim Lạc Việt.

 

4 phương án thiết kế cổng chào được triển khai dựa trên sự chấp thuận của các cơ quan chuyên môn như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Cổng chào thứ 5 với biểu tượng hai dãy cọc Bạch Đằng chưa được thực hiện vì có nhiều chuyên gia chưa tán đồng với ý tưởng kiến trúc.

 

Theo UBND thành phố, các sở, ngành và doanh nghiệp đang thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng, phấn đấu hoàn thành các cổng chào vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Các doanh nghiệp sẽ không quảng cáo sản phẩm trên cổng chào.

Chỉ sau một ngày trưng cầu, đã có hơn 1.400 độc giả cho ý kiến, trong đó thiết kế cổng chào với hai dãy cánh chim Lạc Việt nhận được sự ủng hộ cao nhất (37%).

 

Trước đó, ngày 22-6, UBND thành phố đã tổ chức hội thảo giới thiệu 5 thiết kế cổng chào, 5 doanh nghiệp đã đề xuất tài trợ kinh phí xây dựng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo thành phố cho rằng, chi phí xây dựng sẽ vừa phải, không đến 50 tỷ đồng.

 

Theo đại diện Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm, cổng chào sẽ được làm bằng khung sắt, nhựa composit hoặc cót ép với giá thành thấp, đảm bảo bền vững trong một vài năm. Sau một thời gian, nếu người dân đồng thuận với thiết kế này, thành phố mới xây dựng cổng chào vĩnh cửu.

 

Các tuyến đường xây dựng cổng chào đã được Thủ tướng quyết định.

 

Thứ nhất là tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ tại vị trí tiếp giáp với tỉnh Hà Nam với ý nghĩa Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc, cũng là con đường Nam tiến để đấu tranh bảo vệ non sông, thống nhất đất nước.

 

Thứ hai là đường Hà Nội - Lạng Sơn, vị trí xây dựng tại khu vực tiếp giáp huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là nơi phát tích nhà Lý với Lý Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng Long.

 

Thứ ba là đường vào Bắc Thăng Long - Nội Bài, vị trí tại ngã tư Bắc Thăng Long – và quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, với mục đích là cửa ngõ Hà Nội giao lưu quốc tế.

 

Thứ tư là đường Láng - Hòa Lạc, tại khu vực ngã 3 rẽ vào khu liên hợp thể thao Mỹ Đình với mục đích hướng về dãy núi Ba Vì với ngọn Tản Viên in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc.

 

Thứ năm là quốc lộ 5 đi Hải Phòng, vị trí xây dựng tại khu vực đền thờ Ỷ Lan, với ý nghĩa hướng ra biển đng với những chiến công giữ nước lẫy lừng trong lịch sử.

(THEO VNE)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên