Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình nhấn mạnh, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề khó, nhưng phải kiên quyết làm. “Chỉ không có quyết tâm mới không làm được vấn đề này”, ông Bình nói.
Chiều 24-12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện để tìm “kế sách” giải quyết vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua - nhà siêu mỏng, siêu méo.
Nhà siêu mỏng đã “sống” từ nhiều năm nay (Ảnh: Internet)
Tại buổi làm việc, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ cho biết, theo các con số các quận huyện cung cấp, tính đến tháng 5-2010 thành phố có 172 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong số này có 84 trường hợp xuất hiện trước 2005 (thời điểm thành phố ban hành quy định về quy chuẩn xây dựng) và 88 trường hợp sau 2005.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Thọ là khi mở đường, do ý thức người dân, do chính quyền không kiên quyết, không thực hiện tốt quản lý, không thường xuyên thanh tra, kiểm tra, cộng với việc chưa có chế tài đủ mạnh… Cũng theo ông Thọ, điều đáng tiếc là nhà siêu mỏng, siêu méo ngày càng… tăng lên.
Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình “bổ sung”, nhà siêu mỏng, siêu méo còn xuất hiện ở cả những tuyến đường mới như đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Khuất Duy Tiến… Cũng theo ông Bình, con số 172 trường hợp siêu mỏng, siêu méo chắc chắn chưa phản ảnh đầy đủ và thực tế còn lớn hơn như vậy.
Qua rà soát sơ bộ tại cuộc họp, ít nhất con số trên chưa bao hàm quận Ba Đình, nơi có 44 trường hợp mà “nhức nhối” nhất là đường Đào Tấn. Về các quận đứng đầu số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo phải kể đến Thanh Xuân (62 trường hợp), Ba Đình (44 trường hợp), Đống Đa (28 trường hợp)…
Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Kim Vinh cho rằng, bộ mặt kiến trúc các tuyến đường mới mở chỉ dừng lại ở… chủ trương. Cho đến nay, chưa có quy hoạch kiến trúc hai bên tuyến đường nào được phê duyệt để quận, huyện thực hiện theo.
Đề cập các giải pháp đang thực hiện nhằm xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, lãnh đạo quận Hoàng Mai (quận có 28 mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng) cho rằng, việc hợp khối được nói nhiều, nhưng thực tế rất khó thực hiện. Có những trường hợp chủ diện tích đất méo thách giá lên đến vài trăm triệu/m2 khiến cho đối tác phải… “bó tay”.
Lãnh đạo các quận, huyện khác cũng cho rằng, hợp khối chỉ thực hiện được với các hộ có quan hệ huyết thống hoặc cực kỳ thân thiết. Thực tế, có những trường hợp khi chính quyền vào làm việc đã chấp nhận thoả thuận hợp khối, nhưng sau này lại không thực hiện như vậy.
Về đề xuất thu hồi làm các mảnh đất “dị dạng” làm bảng tin, lãnh đạo quận Hoàng Mai cho rằng, trên một tuyến đường, cách nhau một đoạn lại làm bảng tin sẽ không phù hợp. Nếu bỏ lửng hay thậm chí xây lên một bức tường lại càng xấu hơn.
Với trường hợp nhà nước thu hồi rồi bán lại cho hộ bên trong với giá cao hơn, người bị thu hồi sẽ “không nghe”. Thậm chí, với hộ bên trong, nếu giá cao quá có thể họ cũng không mua…
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho rằng, phải kiên quyết thu hồi các mảnh đất có kích thước “lệch chuẩn”. Về hướng xử lý sau khi thu hồi, hộ bên trong muốn mua lại cần phải chấp nhận giá hợp lý. Nếu không thực hiện được như vậy, có thể chấp nhận xây tường phía giáp mặt đường.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phí Thái Bình nhấn mạnh, giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề rất khó, nhưng phải kiên quyết làm.
Ông Bình giao cho các quận, huyện thống kê, rà soát lại những quỹ đất không phù hợp với quy chuẩn xây dựng. Tiếp đó, lập phương án giải phóng mặt bằng (nhà, đất) với từng đối tượng.
Bước tiếp theo, lên phương án về kinh phí, đất, căn hộ (nếu tái định cư) cho từng trường hợp rồi thống kê chung. Kiến nghị thành phố hỗ trợ cụ thể về kinh phí, đất đai, quỹ nhà…
Về vấn đề xử lý các mảnh đất méo sau khi được thu hồi, với câu hỏi trong trường hợp bán lại cho hộ bên trong sẽ thực hiện theo giá nào, ông Bình cho biết thành phố sẽ xem xét.
Phó Chủ tịch Thành phố cũng giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng văn bản giải quyết tồn tại về các mảnh đất không hợp quy chuẩn, nhà siêu mỏng, siêu méo trước 10-1-2011. Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thành việc xây dựng quy chế mới về quy hoạch hai bên tuyến đường trước 30-1-2011 (trong đó có quy định về kích thước các ô đất được phép xây dựng nhà cửa).
Kết lại buổi làm việc, ông Phí Thái Bình nhấn mạnh: “Chỉ không có quyết tâm, không có kinh phí… mới không xử lý được nhà siêu mỏng, siêu méo”. Ông Bình cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết lãnh đạo UB sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố để có thể thực hiện được công việc này.
Theo Dân Trí