Đoạn metro đầu tiên dài 4km ở Hà Nội sẽ gồm 2 ống hầm rộng 6,3 mét nằm cách mặt đất chừng 15-30 mét. Việc thi công hầm sẽ dùng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo nhà cửa, cây cối bên trên không bị ảnh hưởng.
Ngày 7-7, Đại sứ quán Pháp tổ chức họp báo về tiến triển của tuyến đường sắt đô thị số 3 (giai đoạn 1) của Hà Nội, đồng thời thông tin việc khảo sát địa chất công trình giai đoạn 2 (đoạn đường sắt đi ngầm dài 4km).
Mô phỏng ga số 5 trên đường Lê Đức Thọ.
Bà Marie Cécile Tardieu Smith, Tham tán kinh tế - Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp cho biết, dự án đường sắt thí điểm này có tầm quan trọng không chỉ với Hà Nội mà còn với Việt Nam vì nó sẽ giúp Hà Nội sánh ngang tầm các nước khác, đảm bảo sự phát triển của thủ đô, đồng thời giảm khí thải carbon, giảm ùn tắc giao thông...
Theo thiết kế, tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, với 12 ga chính nằm dọc tuyến. Trong đó, đoạn đi trên cao dài 8,5km và đoạn đi ngầm dài 4km. Đoạn hầm ngầm này được xác định là phần phức tạp nhất của dự án.
Tham tán kinh tế Marie Cécile Tardieu Smith cho hay, quy hoạch tổng mặt bằng phần ngầm, bản tiến độ tổng thể của dự án đã được các nhà tài trợ, chủ đầu tư Ban Dự án đường sắt đô thị (HRB), tư vấn chung Systra phê duyệt.
Theo đó, đoạn đi ngầm gồm 2 ống hầm, mỗi ống hầm rộng khoảng 6,3 mét, nằm cách nhau chừng 16 mét. Tùy địa chất của từng khu vực mà hầm có thể nằm cách mặt đất 15-30 mét.
Đại diện tư vấn Systra thông báo, đoạn hầm dài 4km này sẽ được thi công bằng công nghệ hiện đại. "Sau khi đào, máy sẽ xây dựng đoạn hầm phía sau nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đối với bề mặt, đảm bảo là nhà cửa, cây cối bên trên không bị ảnh hưởng và không phải chịu tiếng ồn khi máy hoạt động".
Cũng theo vị đại diện tư vấn, hai ống hầm sẽ nằm ngay dưới đường phố, còn các ga nằm trên các phố. Yếu tố thời tiết cũng đã được tính tới nên mưa to gió lớn cũng không sợ ảnh hưởng tới hầm bởi sẽ có hệ thống giếng thu nước mưa và bơm thải nước ra sông, hồ.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu cuối năm 2016 đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này đi vào vận hành, phía nhà tài trợ và tư vấn cho rằng, Hà Nội cần cho đấu thầu tất cả gói thầu trong năm 2011 và thực hiện khảo sát địa chất giai đoạn 3 của tuyến đi ngầm.
Ảnh:
"23h30 tối 7-7, trước sảnh chính của ga Hà Nội, tôi sẽ cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chứng kiến việc khoan khảo sát địa chất giai đoạn 3 của dự án, nhằm chuẩn bị thiết kế kỹ thuật cho các ga ngầm và các đường hầm thuộc phần ngầm", bà Marie Cécile Tardieu Smith nói.
Việc khoan khảo sát này, theo đại diện tư vấn, nhằm giúp lập được mặt cắt địa chất công trình; lựa chọn các máy đào hầm theo các điều kiện địa chất; xác định chiều sâu thích hợp cho móng..
Đại sứ quán Pháp cho hay, tháng 11 năm nay sẽ khởi công xây dựng các công trình kiến trúc khu depot (Nhổn), để cuối tháng 2-2012 triển khai thi công phần trên cao và tháng 11-2012 triển khai thi công phần ngầm.
Trước đó, tháng 9-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động, giúp người dân thủ đô có thêm một phương tiện giao thông công cộng hiện đại.
Tuy nhiên, hiện dự án bị chậm tiến độ do năng lực về mặt kỹ thuật, quản lý dự án đường sắt đô thị còn yếu, và tổng mức đầu tư của dự án tăng khoảng 1,5-1,7 lần so với tổng mức đầu tư được duyệt. Điều này đã khiến lãnh đạo Hà Nội phải lùi thời gian thông tuyến đường sắt đầu tiên này sang năm 2016.
Song song với việc thi công thí điểm tuyến đường sắt đô thị số 3, UBND TP Hà Nội dự kiến năm 2013 sẽ khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị thứ 2 (tuyến số 1 - Yên Viên - Ngọc Hồi) và hoàn thành 4 năm sau đó.
Dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Pháp (Tổng cục Kho bạc Pháp và Cơ quan phát triển Pháp), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB).
Tổng hợp