Hà Nội, TP.HCM: Giá tiêu dùng năm 2010 tăng dưới 10%

Cập nhật: 21-12-2010 | 00:00:00

Theo Cục thống kê các địa phương Hà Nội và TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 của các thành phố này dao động từ 1,6-1,8%, kéo theo giá tiêu dùng của cả năm 2010 đều tăng dưới 10%.

Cục thống kê TP.HCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2010 đã tăng 1,61% so với tháng 11.  Như vậy, cả năm 2010, CPI của TP.HCM tăng 9,58%.

Trong tháng qua, hầu hết các nhóm hàng đều tăng so tháng trước, trong đó, ba nhóm tăng mạnh nhất là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2,37%), Nhóm  may mặc-mũ nón giày dép (tăng 3,17%), nhóm  nhà ở điện nước - chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2,50%).

 Giá thực phẩm cuối năm tăng cao  Ngoài ra, có ba nhóm đều tăng trên 1% gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm văn hóa giải trí du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác. Các nhóm còn lại đều tăng nhẹ, duy chỉ có nhóm giáo dục là không biến động.

Mặc dù TP.HCM đã thực hiện mạnh mẽ chương trình bình ổn giá trong cả năm 2010 đối với các nhóm hàng lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, hai nhóm này vẫn tăng khá mạnh là do nhiều nguyên nhân.

Theo Cục thống kê, nhóm lương thực đã tăng mạnh lên 4,56%, tính chung cả năm 2010 nhóm lương thực đã tăng đến 19,32%. Nguyên nhân là do giá lương thực trong nước chịu tác động mạnh từ việc tăng giá chung của lương thực thế giới.

 

Giá gạo  liên tục tăng nhẹ kể từ tháng 9 đến nay do ảnh hưởng từ giá gạo thế giới tăng, tuy nhiên không tăng đột biến vì nguồn cung đang rất dồi dào. Theo Hiệp hội Lương thực, hiện nay đang còn tồn khoảng 500.000 tấn gạo để phục vụ nhu cầu tiêu dùng từ nay đến tết. Bên cạnh đó, tác động tích cực của chương trình bình ổn giá cũng giúp cho giá lương thực từ nay đến tết giá khó có biến động mạnh.

Thực phẩm tháng 12 tăng 2,14% và cả năm 2010 tăng mức 14,48%. Nguyên nhân tăng cao là do tác động của nhiều nguyên nhân: thời tiết diễn biến thất thường, tình hình sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh ở gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng do giá nguyên liệu đầu vào luôn ở mức cao, và gần đây nhất là sự tác động gián tiếp từ việc tăng giá của giá vàng và giá USD ... đều là những nguyên nhân chính đã góp phần làm cho chỉ số giá nhóm thực phẩm  tăng cao.

Đáng lưu ý, so với tháng 12-2009, các nhóm tăng mạnh nhất gồm: lương thực tăng 19,32%; nhà ở, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 16,8%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 15,53%. Đây là ba nhóm có mức tăng cao  nhất khiến cho chỉ số chung của cả năm tăng mạnh. Trong năm, chỉ duy nhất nhóm  bưu chính viễn thông giảm mạnh (khoảng 6,2%)  nhờ cạnh tranh của các DN viễn thông khiến cho giá cước giảm đáng kể.

Trong khi đó, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 của Hà Nội tăng 1,83% so với tháng 11, đưa chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2010 của Hà Nội tăng 9,56% so với năm trước. Trong tháng 12 này, ngoại trừ bưu chính viễn thông vẫn giữ nguyên thì 10 nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước nhưng chủ yếu tăng nhẹ dưới 1%. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở, vật liệu xây dựng lại tăng mạnh với mức tăng lần lượt là 3,27% và 2,86%.

Theo một đại diện của Sở Công Thương TP.HCM, với quyền số của hai thành phố chiếm trên 50% CPI của cả nước, dự báo báo CPI tháng 12 của cả nước sẽ tăng mạnh. Nếu CPI tháng 12 của cả nước tăng 1,7% thì CPI cả năm 2010 sẽ là 11,44%. Con số này vượt xa so với mức 7% đã đưa ra từ đầu năm và vẫn cao hơn con số dự báo gần đây nhất của Chính phủ.

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên