Hạ tầng đồng bộ, “đòn bẩy” phát triển bền vững

Cập nhật: 27-01-2023 | 08:22:35

Nhằm tạo động lực, “đòn bẩy” để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, năm 2023 Bình Dương tiếp tục đầu tư trọng điểm cho hạ tầng, đô thị, nhất là ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối vùng.

 Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đang được đẩy nhanh tiến độ

 Phát triển nhanh, toàn diện

Năm 2022, kinh tế của Bình Dương tiếp tục đà phục hồi nhanh sau đại dịch và có tốc độ tăng trưởng tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,29%; GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; hoàn thành dự toán thu ngân sách trước 2 tháng và ước tổng thu ngân sách cả năm đạt 103%. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng gấp 2 lần số dự án, tăng 1,6 lần số vốn đăng ký so với kế hoạch đề ra. Tỉnh tiếp tục duy trì thặng dư thương mại gần 10 tỷ đô la Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Một trong những chiến lược quan trọng của Bình Dương là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Ưu tiên trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp. Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng đi qua địa bàn tỉnh”.

Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết năm 2023 tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lợi, tỉnh thường xuyên rà soát, thống kê các dự án chậm tiến độ, dừng thi công, đội vốn, cần thiết cắt, giảm, giãn tiến độ để đánh giá hiệu quả đầu tư, tránh gây lãnh phí. Kiên quyết cắt giảm các danh mục dự án đầu tư chưa cần thiết, phát huy hiệu quả không cao, không tạo ra dư địa phát triển, để tập trung vốn cho các dự án cần thiết, bức xúc, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế vùng và nội tỉnh…

Động lực tăng trưởng

Ngày 30-12-2022, UBND tỉnh đã tổ chức khởi công dự án mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa). Đây là trục giao thông quan trọng kết nối huyện Bắc Tân Uyên với các khu vực lân cận; là tuyến đường huyết mạch dẫn vào Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III), kết nối đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và tuyến đường vành đai 4.

Dự án mở rộng đường lên 6 làn xe này là công trình trọng điểm với vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Công trình được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay Long Thành, cảng Thị Vải, Cái Mép góp phần bảo đảm an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của địa phương nói riêng và cả vùng nói chung.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hiện tỉnh đang huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện, động lực để tỉnh tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo, trong đó hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư và đi trước một bước.

Đồng thời, năm 2023 tỉnh khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý, bố trí đủ vốn cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như đường ven sông Sài Gòn từ TP.Thủ Dầu Một xuống TP.Thuận An, vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép. Hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường từ Tam Lập đến Đồng Phú…

 Theo kế hoạch đầu tư công năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương huy động là hơn 18.675 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn ngân sách địa phương trong năm 2023 của 289 dự án đã đủ điều kiện bố trí vốn là hơn 8.996 tỷ đồng, theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên. Năm 2023, Bình Dương tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông đi trước một bước với 103 dự án có tổng vốn bố trí là 12.819 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng kế hoạch vốn năm 2023.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên